Hành trình tìm đồng đội
Ở ngõ 379, phố Đội Cấn, quận Ba Đình, TP.Hà Nội có một phụ nữ tuổi 70, bán nước trà đã nhiều năm nay. Bà là Mai Thị Mão, người được bà con khối phố mến phục vì đã nhiều lần lặn lội vào Quảng Nam tìm hài cốt liệt sĩ Mai Huy Hoàn, cũng là người yêu, chồng chưa cưới của mình, hy sinh đã 50 năm.
Bà Mão (bên trái) với công việc thường ngày ở quán nước để mưu sinh. Ảnh: HỒNG VÂN |
Thuở tình yêu học trò
Bà Mão kể: “Tôi và anh ấy cùng ở xã Vũ Hội, huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình. Nhà tôi và anh chỉ cách nhau chừng nửa cây số. Anh Hoàn sinh năm 1946, hơn tôi một tuổi. Cả hai chơi với nhau bao trò nghịch ngợm từ vỡ lòng đến khi vào lớp 8. Anh ấy đẹp trai, cao ráo, trắng trẻo, còn tôi thì thấp nhỏ, không biết vì sao mình lại được anh ấy yêu. Có lẽ do hồi đó tôi rất chăm học, chăm làm… Nói là yêu, nhưng cô chưa dám để cho chú ấy hôn một lần, bởi khi ấy cô mới 16 tuổi, mà chú thì yêu lắm cơ, “tấn công” liên tục. Bình thường xưng hô “mày tao”, nhưng khi chỉ còn hai người thì tranh thủ “anh em”. Chú ấy viết thư bỏ vào bụi tre đầu làng bảo cô ra lấy, hẹn hò đi nói chuyện riêng. Cô xấu hổ không chịu…”.
Điều khiến bà Mão tiếc nuối nhất là đã không giữ được cuốn sổ người yêu tặng khi bày tỏ tình cảm, vì sợ bạn bè biết sẽ trêu chọc. Bà kể: “Trong lớp anh ấy học môn Văn cũng bình thường, nhưng sao viết thư hay thế, nét chữ cũng rất đẹp. Còn quá trẻ, nhưng khi anh ấy bảo gia đình cho ăn hỏi để “rào cái Mão” thì tôi cũng không phản đối. Sau khi nhà trai qua, bạn bè trêu chọc nhiều hơn. Thầy giáo cũng đôi lần phê bình vì đang đi học đã tính chuyện lấy chồng. Tôi thấy ấm ức lắm, đôi lần muốn bỏ học, anh phải dỗ dành mãi”.
Chỉ còn một ước mơ Do tính cả tin, thương người, bà Mão bị lừa tiền đến nợ nần và mất luôn căn hộ cơ quan cũ cấp cho. Hiện bà phải thuê một căn phòng nhỏ, diện tích chưa đến 20m2, với giá 3 triệu đồng/tháng, đúng bằng tiền lương hưu, mọi chi phí sinh hoạt hằng ngày trông nhờ vào quán nước. Mỗi ngày, cứ khoảng 5 giờ sáng bà Mão lại dậy sớm khơi bếp than đã ủ và hãm chè xanh. Trà của bà ngon nổi tiếng, nên khá hút khách. Có hôm bị ốm, ho sù sụ vì hít nhiều khói than, nhưng bà vẫn dọn ấm chén ra nhờ các cô trong khu dân cư bán giúp. Bây giờ, bà Mão chỉ còn ước mơ là có một chỗ ở rộng rãi để có thể lập bàn thờ người yêu, người chồng chưa cưới có lẽ rất xa vời với người phụ nữ từng chịu nhiều đau khổ, thiệt thòi này... |
Cuối năm 1963, khi mới 17 tuổi, chàng trai Mai Huy Hoàn xung phong đi bộ đội. Nhà có hai anh trai đang tại ngũ, anh chưa phải đi, nhưng hai tiếng “Miền Nam” giục giã bao lớp trẻ như anh lên đường. Mai Huy Hoàn viết trong nhật ký: “Anh chỉ muốn ở bên Mão, hằng ngày nhìn thấy em và không tưởng tượng nổi nếu thiếu vắng em sẽ như thế nào, nhưng anh phải đi chiến đấu chống kẻ thù xâm lược”. Một năm huấn luyện ở Hà Nội, Mai Huy Hoàn gửi thư dồn dập, thấm đẫm nhớ thương và âu yếm. Sau này, mấy chục lá thư của người yêu khi ở miền Bắc cùng những lá thư trong Nam gửi ra, bà Mão vẫn giữ nguyên cho đến khi tìm được hài cốt của người yêu mới quyết định chôn cùng.
Trước khi vào Nam, chiến sĩ Mai Huy Hoàn có chuyến về phép 3 ngày. Đêm đầu tiên Hoàn hẹn người yêu ra sân trụ sở ủy ban xã, vừa đủ kín đáo để có không gian riêng tư, vừa không quá tối, vắng vẻ vì chàng biết cô nàng rất… “nhát trai”. Hôm ấy, Hoàn nói lần này về sẽ tổ chức cưới luôn, còn Mão thì giãy nảy bảo rằng, vừa bước sang tuổi 17, chưa đủ tuổi kết hôn, vả lại còn đang đi học. “Anh bảo xã cho cưới, khó gì đâu. Vợ bộ đội thời chiến mà!”. Trước lý lẽ hùng hồn của người yêu, Mai Thị Mão đưa ra chiêu khác: “Em nghe nói chừng 3 năm nữa miền Nam giải phóng, đến lúc đó cưới cũng được mà”.
Không lay chuyển được, Hoàn dỗi, bỏ về trong đêm, bỏ luôn cả đợt nghỉ phép, nhờ chị dâu đưa ra bến xe và đi vào Nam luôn. Lúc này, cô gái cảm nhận niềm yêu thương tràn ngập trong lòng và mới thấy Hoàn thực sự quan trọng với mình biết nhường nào!
Nỗi đau chôn giấu
Anh lính trẻ Mai Huy Hoàn vào Nam mang theo tình yêu, dù giận dỗi vẫn không bớt nồng nàn. Thư vẫn gửi về theo từng chặng đường hành quân. Có thư Hoàn kể vừa bị thương nhẹ, nằm tại trạm xá, hồi phục sẽ tiếp tục chiến đấu. Bà Mão sốt ruột xin được đi bộ đội để có dịp gặp người yêu, nhưng không được xét tuyển. Bà muốn đi thanh niên xung phong vào hỏa tuyến, gia đình cũng không đồng ý vì đã có hai người anh ở chiến trường.
Đến cuối năm 1966, thư của Hoàn đột nhiên dừng hẳn. Bà Mão linh cảm có chuyện chẳng lành. Nỗi ân hận sao không đồng ý tổ chức đám cưới để người yêu được làm chồng và biết đâu sẽ có một đứa con, cứ ám ảnh bà mãi. Hai năm sau, tin Mai Huy Hoàn hy sinh lao xao ở quê từ những người cùng đơn vị. Gia đình Hoàn sang bảo: “Thằng Hoàn chắc đã hy sinh thật rồi. Con có thể lấy chồng, đừng đợi nữa. Con gái có thì…”. Bố bà Mão thì bảo: “Tùy con quyết định”. Thời gian này, mẹ bà đã mất, bà càng thấy trách nhiệm với bố và các em. Ở quê, đi ăn hỏi coi như gái đã có chồng, chẳng ai dám đến tìm hiểu nữa, mà bà cũng không hề rung cảm với ai.
Năm 1971, giấy báo tử thông báo về có tên Mai Huy Hoàn, cùng với mấy đồng chí nữa. Bà Mão như thấy đất sụt dưới chân. Tại lễ truy điệu, bà cũng không nhớ mọi người đã quấn khăn tang cho mình ra sao, chỉ biết rằng mình không thể nào khóc được, cứ gan góc, im lặng giấu nỗi đau vào tận cùng trái tim.
Một thời gian sau, Trung ương về tuyển người đi tham gia xây dựng lăng Bác. Mai Thị Mão được tuyển. Khi gia đình hai bên thúc ép, bà quyết định sẽ xây dựng cuộc sống mới với người đã theo đuổi mình lâu nay. Nhưng đêm đến, những giấc mơ về người yêu năm nào cứ hiện ra làm bà thổn thức khôn nguôi. Bà bỏ ý định kết hôn và nuôi một đứa cháu từ lúc hai tuổi, làm con nuôi cho đến bây giờ.
Sau khi miền Nam giải phóng, người anh của liệt sĩ Mai Huy Hoàn đã mấy lần đi tìm hài cốt em trai, nhưng trên giấy báo tử chỉ có một dòng thông tin đơn giản “Hy sinh ở mặt trận phía Nam”, gia đình không biết bắt đầu từ đâu và đành chờ đợi. Mỗi lần về quê, nhìn cái lắc đầu của người anh cả, bà Mão thấy tim mình như thắt lại. Năm 2004, bà xin nghỉ hưu trước tuổi để có điều kiện đi tìm hài cốt người chồng chưa cưới.
Mười một năm đi tìm hài cốt liệt sĩ
Nhớ lá thư cuối người yêu viết từ Quảng Nam, bà Mão bươn bả vào tìm, nhưng rồi cũng về tay không. Có đợt bà lăn lộn cả tuần ở một cánh rừng xứ Quảng, huy động cả hai đứa cháu ở Đà Nẵng cùng giúp nhưng vẫn không tìm ra manh mối. Tính ra, trong gần 11 năm tìm kiếm hài cốt liệt sĩ Mai Huy Hoàn, bà Mão đã có 5 chuyến đi vào miền Trung. Để có kinh phí đi lại cho mỗi đợt tìm kiếm, bà mở quán nước đầu ngõ, khi tích cóp đủ thì lên đường. Mãi đến năm 2014, có người đến quán uống nước, nghe câu chuyện của bà, bèn nhờ con rể đang công tác ở Quân khu 5 hỏi giúp. Khi xác định được nơi hy sinh của liệt sĩ Mai Huy Hoàn là ở huyện Nông Sơn, bà Mão mừng lắm, báo cho gia đình chồng chưa cưới của mình và cùng với người em trai của liệt sĩ vào Quảng Nam.
Một cựu chiến binh của huyện Nông Sơn là Lại Văn Nhiên khi biết người hy sinh ở Trung đoàn 31 đã bảo bà Mão gặp ông Nguyễn Tiến Đãi - Phó ban Liên lạc truyền thống Trung đoàn 31. Chính ông Đãi đã mất nhiều công sức hỏi thăm qua đồng đội và liên lạc được với ông Quyết ở Hải Dương, người từng chôn cất liệt sĩ Hoàn năm xưa để nhờ giúp đỡ. Ông Quyết nhận điện, tức tốc vào chiến trường xưa. Qua lời kể của ông Quyết, trận đánh ác liệt của Tiểu đoàn 2, Trung đoàn 31, Sư đoàn 2 năm nào hiện lên làm mọi người vô cùng xúc động. Bị đạn pháo địch bắn trúng, mất một chân, nhưng chiến sĩ Mai Huy Hoàn vẫn chiến đấu đến viên đạn cuối cùng và hy sinh anh dũng. Đơn vị đã chôn cất liệt sĩ Mai Huy Hoàn cùng một số đồng đội khác ở ven đồi thôn Lộc Tây 2, xã Quế Lộc. Địa hình đã thay đổi, nhưng bằng trí nhớ của mình, ông Quyết đã chỉ đúng ngôi mộ của liệt sĩ Hoàn.
Hài cốt liệt sĩ lâu ngày không còn nhiều xương cốt, nhưng may mắn vật chứng là chiếc thắt lưng có tên liệt sĩ vẫn y nguyên. Nước mắt bà Mão cứ tuôn như mưa. Không khóc sao được khi mà con người cao lớn, đẹp đẽ đi bên bà nhỏ bé đến mức bạn bè trêu là đôi đũa lệch ấy lúc bấy giờ chỉ còn lại là nắm đất không trọn vẹn khi bom đạn địch làm mất một phần thân thể.
Ngày 18.7.2015, Ban CHQS huyện Nông Sơn đã làm lễ bàn giao hài cốt cho gia đình liệt sĩ. Bà Mão nhờ ông Đãi mua 3 vé xe giường nằm cho mình và người em trai của liệt sĩ để trở về quê hương. Khi được hỏi tại sao phải mua 3 vé rồi bỏ trống một giường, khi hài cốt nằm gọn trong ba lô đang ôm trên tay, bà Mão trầm ngâm, gạt nước mắt: “Chúng tôi muốn anh ấy về nhà đàng hoàng như một người lính đã hoàn thành nhiệm vụ, như một người anh hùng. Anh ấy xứng đáng như thế!”.
HỒNG VÂN