Người dân và chuyện phá rừng
Có nhiều vụ phá rừng quy mô lớn bị phanh phui trên mặt báo, nhưng ít ai biết, đứng đằng sau nguồn tin cung cấp cho cánh phóng viên báo chí chính là những người dân tại địa phương đó. Họ là nguồn tin nhanh và đáng tin cậy nhất.
Tác giả trong một lần vào hiện trường vụ phá rừng phòng hộ ở khu vực núi Chóp Nón, xã Trà Tân, huyện Bắc Trà My. |
1.Trong một lần lang thang tìm kiếm nguồn tư liệu để viết bài ở huyện miền núi Bắc Trà My, chúng tôi đến xã Trà Tân dò hỏi thông tin. Quá trưa tôi tìm quán nước ven đường ngồi nghỉ. Thấy người lạ, mang máy ảnh nên bà Nguyễn Thị Bốn (xin được thay đổi tên) lân la hỏi chuyện rồi bật mí: ở đây phá rừng như cơm bữa! Sau một hồi trò chuyện thì các khoảnh rừng, khu vực nào đang bị lâm tặc phá nát đã được chúng tôi nghe cả. Trong vai một người đi làm rẫy keo, bà dẫn chúng tôi len lỏi theo vệt kéo gỗ còn hằn in trên đất tìm đến khu vực rừng bị phá để ghi nhận hiện trường. “Tui chỉ dẫn mấy chú vô tới đây thôi. Vô nữa, họ phát hiện thì tui chết” - bà nói khi đưa chúng tôi tới bìa rừng. Sau này hỏi chuyện mới biết, trước đây bà cũng đã từng bị lâm tặc kéo ra bờ suối dọa ném xuống bởi dám tố giác chuyện phá rừng với chính quyền địa phương.
Sau đó, vụ phá rừng phòng hộ quy mô lớn với những gốc cây hàng chục năm tuổi đã bị phơi bày trên mặt báo. Đây cũng chính là lúc chúng tôi nhận được nhiều cuộc điện thoại của bà Bốn nhất. “Mấy chú nhớ đừng có ghi tên của tui nghe. Tụi hắn mà biết là không tha đâu” - đó là câu nói thường trực của bà mỗi khi điện thoại cho chúng tôi. Đường đi của gỗ được bà miêu tả tỉ mỉ, giúp chúng tôi rất nhiều trong việc thông tin đến bạn đọc. Có đêm, đã 22 giờ tôi vẫn còn nhận được điện thoại của bà Bốn: “Cứ 3 đêm một lần họ vận chuyển gỗ từ rừng ra. Tối nay là tối thứ 3 rồi đấy. Mấy chú có lên không?”. Vậy là tức tốc cùng một đồng nghiệp vượt hơn 60km ngược núi. Đến nơi thì cũng đã nửa đêm. Tắt máy dắt bộ hơn 1km, chúng tôi xin vào ở nhà bà để tìm hiểu được nơi về của gỗ. Tiếc là thấy động, lâm tặc đã dừng hết mọi hoạt động. Trong thâm tâm, chúng tôi vẫn thầm cám ơn những người đã bất chấp nguy hiểm của gia đình vì muốn bảo vệ rừng.
2.Tuy nhiên, không phải ai cũng thật lòng muốn bảo vệ rừng. Có người lại sử dụng phóng viên, nhà báo như một công cụ vì mục đích cá nhân. Như hồi năm 2014, nhận được thông báo của tòa soạn về một người dân điện thoại trực tiếp gọi vào đường dây nóng của Báo Quảng Nam để thông tin về việc Ban quản lý rừng phòng hộ Phú Ninh bán rừng cho doanh nghiệp khai thác trắng với diện tích rất lớn. Khi trực tiếp điện thoại cho người này, tôi được hướng dẫn về đường đi và khu vực rừng bị xâm hại. Thế nhưng, khi đi thực tế hiện trường thì tôi không thể tìm thấy hiện trường như miêu tả, chỉ là lác đác mấy hộ dân đang khai thác keo ở khu vực này. Sau đó, tôi trực tiếp vào Ban quản lý (BQL) rừng phòng hộ Phú Ninh để xác minh thông tin. Tại đây, tôi đã được cán bộ BQL xem tất cả hồ sơ, giấy tờ có liên quan đến diện tích mà người dân tố cáo. Đây là diện tích thuộc khu vực lòng hồ Phú Ninh chứ không thuộc rừng phòng hộ và nhiều hộ dân đã trồng keo. Sau đó, được sự đồng ý của UBND tỉnh, người dân thu hoạch để trả lại diện tích cho BQL rừng phòng hộ Phú Ninh quản lý, chứ hoàn toàn không có chuyện bán rừng cho doanh nghiệp như phản ánh. “Có lẽ những hộ dân cũng muốn tham gia khai thác cây ở dưới lòng hồ nhưng không được nên có thể gây nhiễu thông tin” - cán bộ kiểm lâm giải thích và nêu một số trường hợp tương tự trước đây.
Chừng một tuần sau, tôi lại nhận được cuộc gọi từ số của người báo tin với nội dung: Sao không thấy báo đăng? Anh không làm thì tôi sẽ báo cho mấy báo khác làm cho xem!”. Tôi thủng thẳng: Anh có phải là anh H. ở Tam Đại, từng khai thác cây ở dưới lòng hồ và cũng từng bị kiểm lâm xử lý chứ gì?. Từ đó, tôi không nhận cuộc gọi nào như thế nữa, và cũng không có bài báo nào từ cơ quan truyền thông khác về việc kiểm lâm bán rừng cho doanh nghiệp như trên.
NGUYỄN DƯƠNG