Theo dấu đàn voọc chà vá chân xám
(QNO) - Đàn voọc chà vá chân xám gồm hàng chục cá thể sinh sống ở rừng núi xã Tam Mỹ Tây (Núi Thành) - nhiều năm nay đang đứng trước nguy cơ suy giảm số lượng, môi trường sinh sống thu hẹp và bị giết hại. Đàn voọc này rất cần được bảo tồn, phát triển.
Phải mất hàng năm trời chúng tôi mới tiếp cận, ghi hình được đàn voọc này. Ảnh: HẢI HOÀNG |
Ông Phan Minh Huấn, phụ trách Trạm Kiểm lâm Núi Thành cho biết đàn voọc có từ lâu ở địa phương. Hiện phân bố ở khu rừng nguyên sinh còn sót lại của xã Tam Mỹ Tây gồm Nà Lấm, Hòn Bà, Hòn Dồ. Trong đó, khu rừng Hòn Dồ rộng khoảng 10ha, các khu vực còn lại hơn 1ha.
“Số lượng ước khoảng vài chục cá thể, chúng tôi chưa có một cuộc điều tra, thống kê, nghiên cứu về chúng. Cán bộ kiểm lâm tuyên truyền người dân tránh xa, bảo vệ đàn voọc. Đồng thời có báo cáo gửi Chi cục Kiểm lâm tỉnh” - ông Huấn nói.
Vọoc chà vá chân xám - loài duy nhất chỉ có ở 5 tỉnh miền Trung - Tây Nguyên gồm Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Kon Tum và Gia Lai. Ảnh: HẢI HOÀNG |
Theo ông Huấn, ghi nhận những năm qua cho thấy số lượng đàn voọc suy giảm, bởi môi trường sống thu hẹp.
Ông Nguyễn Văn Cường, chủ trang trại trồng keo trên núi tại Tam Mỹ Tây cho biết, đàn voọc hiện nay có khoảng 20 con. Ở gần trang trại ông còn một khu rừng gần 1ha còn sót lại, đàn voọc thường đến tìm kiếm thức ăn.
“Chúng ở lại khoảng một tuần rồi di chuyển nơi khác, sau hơn một tháng thì quay lại” - ông Cường cho hay và nói thêm khi còn nhỏ ông đã thấy đàn voọc này. Ngày trước rừng nguyên sinh còn nhiều, đàn voọc bay nhảy hết cây này qua cây khác theo bầy đàn kiếm thức ăn. Mỗi năm số lượng đàn tăng lên nhanh chóng.
Theo ông Cường, khoảng 10 năm trở lại đây số lượng voọc suy giảm, bởi người dân phát triển trồng keo nên chiếm hết diện rừng.
HẢI HOÀNG