Lần đầu tác nghiệp vùng cao

MINH PHƯỜNG 21/06/2017 10:19

(QNO) - Tác nghiệp tại vùng cao là chuyện quá quen thuộc với những người làm báo. Với tôi - một tân cử nhân báo chí, chuyến đi mang lại nhiều cảm giác: ngỡ ngàng, lo ngại nhưng thích thú.

Con đường lầy lội tại vùng cao Tây Giang.
Con đường bùn đất tại vùng cao Tây Giang. Ảnh: MINH PHƯỜNG

Lần đầu tiên đặt chân đến Tây Giang - huyện miền núi xa xôi, hẻo lánh của tỉnh, tôi thật sự choáng ngợp trước khung cảnh cảnh rừng núi, đường sá, xe cộ và đồng bào nơi đây. Mọi thứ đối với tôi đều mới mẻ. Đi cùng tôi là một chị phóng viên trong cơ quan Báo Quảng Nam.

Vẫn như mọi khi, tôi cùng con “ngựa sắt” và chiếc ba lô chứa những vật dụng cần thiết là những “người bạn” đồng hành. Từ TP.Đà Nẵng đến trung tâm huyện Tây Giang phải vượt qua hơn 150km đường quanh co, khúc khuỷu, nhưng chừng ấy chưa là gì so với chặng đường từ trung tâm huyện lên đến 2 xã A Xan và Ch’Ơm. Để đến được những địa điểm này, hai chị em phải đi nhờ xe ô tô của một đơn vị giữ rừng tại đây, mặc dù tôi biết mình không kiềm nổi những trận say xe nhừ tử.

Đến Trạm Kiểm lâm A Xan, vì đường trơn, lầy lội xe ô tô không thể tiếp tục nên buộc phải di chuyển bằng xe máy. Con đường vắt vẻo lưng sườn núi, nhiều đoạn lầy lội phải xuống xe, nổ máy dắt bộ mà bánh xe cứ quay tròn nhưng vẫn không ngăn được bước chân chúng tôi. Sợ lạc đường nên chúng tôi hỏi một người đồng bào đang đi xe máy trên đường, anh này bảo vào xã A Xan phải quay ngược trở lại. Hỏi thêm thì ra người này cũng đang vào trong xã nên chúng tôi xin quá giang một đoạn. Phải mất hơn 1 giờ đồng hồ từ Trạm Kiểm lâm A Xan, chúng tôi mới đến UBND xã trong tình trạng quần áo bẩn nhem nhuốc.

Biết chúng tôi là người làm báo, ngược đường lên miền sơn cước, các anh cán bộ xã đón tiếp rất nồng nhiệt, hiếu khách. Khi nghe chúng tôi trình bày về mục đích của chuyến đi thì họ không ngần ngại cung cấp thông tin, đưa đón và hỗ trợ tận tình. Với bản tính thật thà, chân chất của đồng bào, chúng tôi không gặp quá nhiều khó khăn trong quá trình lấy tin. Sau khi xong mọi việc, chúng tôi nhận được lời mời dùng cơm tối của Chủ tịch UBND xã A Xan nhưng đành từ chối khéo léo vì còn nhiều việc đang chờ.

Quay về Trạm Kiểm lâm A Xan thì trời đã ngà tối, được sự khuyên nhủ của các cán bộ trạm, chúng tôi đành ở lại trạm một đêm. Thấy mọi người tất bật chuẩn bị bữa tối, tôi và chị đồng nghiệp cùng xắn tay áo để phụ giúp. Tối hôm đó, cả trạm có khoảng 30 người quay quần bên mâm cơm với rau rừng, cá khô và vài ba con vịt luộc. Với ánh đèn nhấp nhem cộng cái lạnh rét buốt của núi rừng khiến tôi lạnh cóng nhưng vẫn cảm thấy ấm lòng bởi tình người nơi núi rừng. Hỏi ra mới biết, suốt 3 năm nay trạm không có điện, thắp bằng đèn dầu và chủ yếu là đèn pin. Điều này khiến tôi ngỡ ngàng và khâm phục...

Có “mục sở thị” tôi mới hiểu được hoàn cảnh khó khăn và thiếu thốn của người dân vùng cao. Hơn hết, tôi ngưỡng mộ lòng yêu nghề, nhiệt huyết của những người giữ rừng chốn này. Chuyến đi không quá dài ngày nhưng chừng ấy đã để lại trong tôi nhiều xúc cảm và những trải nghiệm mới mẻ. Đây chính là bài học kinh nghiệm và bước khởi đầu đầy gian nan, thử thách để tôi tiếp tục hành trình theo đuổi ước mơ làm báo của mình.

MINH PHƯỜNG

MINH PHƯỜNG