Cùng hướng tới sự phát triển
Tại một hội thảo mới đây, liên quan đến việc tham gia tư vấn, phản biện góp phần xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội, đã gợi mở những bước đi nhằm làm tốt vai trò, nhiệm vụ phản biện của đội ngũ trí thức, tổ chức Liên hiệp các Hội Khoa học và kỹ thuật (Liên hiệp hội) tỉnh.
Hội thảo về vai trò tư vấn, phản biện của đội ngũ trí thức, tổ chức Liên hiệp hội tỉnh.Ảnh: XUÂN PHÚ |
Mờ nhạt
Thủ tướng Chính phủ đã có 2 quyết định quy định về hoạt động tư vấn, phản biện và giám định xã hội (TV-PB&GĐXH) của Liên hiệp hội, trong đó quyết định xa nhất cách đây đã 15 năm. Nhưng nhiều người ngạc nhiên khi nghe Chánh Văn phòng Liên hiệp hội tỉnh - ông Nguyễn Văn Trí chia sẻ rằng, việc TV-PB&GĐXH mà Liên hiệp hội tỉnh đảm nhận trong thời gian qua chỉ ở mức… giới thiệu chuyên gia, cán bộ tham gia vào các đề án để góp ý là chính. Liên hiệp hội chưa tổ chức được các diễn đàn, tọa đàm chuyên nghiệp; chưa thành lập được các hội đồng tư vấn, phản biện và chưa có những khuyến khích mạnh mẽ trong việc tham gia góp ý, dân chủ trong khoa học.
Vậy, vai trò của Liên hiệp hội tỉnh ở đâu khi mà Quyết định 22 (30.1.2002) và mới nhất là Quyết định 14 (14.2.2014) của Thủ tướng Chính phủ quy định về hoạt động TV-PB&GĐXH của Liên hiệp hội? Theo ông Phan Khắc Chưởng - Chủ tịch Hội Luật gia tỉnh, lâu nay các đề án, chương trình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh hầu như không có sự tham gia phản biện, tư vấn của Liên hiệp hội. “Vai trò của Liên hiệp hội tỉnh trong tư vấn, phản biện chính sách chưa được nhìn nhận đúng mức. Vấn đề đặt ra là tỉnh phải tin tưởng, giao nhiệm vụ cho Liên hiệp hội làm để vừa đánh giá năng lực, vừa phát huy vai trò của Liên hiệp hội. Nói cách khác, phải có cơ chế để Liên hiệp hội thực hiện nhiệm vụ của mình” - ông Chưởng nói.
“Trách” tỉnh chưa giao nhiệm vụ tham gia phản biện chỉ đúng một phần. Bởi, trên thực tế UBND tỉnh đã ban hành nhiều văn bản liên quan đến công tác TV-PB&GĐXH đối với Liên hiệp hội tỉnh như Quyết định 15 (ngày 21.1.2003), Quyết định 3687 (14.11.2012), Kế hoạch 298 (ngày 21.1.2014). Ngay cả sau khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 14 (ngày 14.2.2014) quy định về hoạt động TV-PB&GĐXH của Liên hiệp hội Việt Nam, đến nay Liên hiệp hội tỉnh vẫn chưa tham mưu cho UBND tỉnh ra quyết định quy định hoạt động TV-PB&GĐXH của Liên hiệp hội tỉnh.
Dẫn kinh nghiệm của địa phương mình, ông Huỳnh Phước - Phó Chủ tịch Liên hiệp hội TP.Đà Nẵng cho rằng quyết định của tỉnh sẽ là “cây gậy thần” để Liên hiệp hội hoạt động, tham gia tích cực vào công tác phản biện đối với đề án, chính sách của địa phương. Nhiều ý kiến tại hội thảo cũng kiến nghị cần sớm tham mưu cho UBND tỉnh ban hành quyết định quy định hoạt động TV-PB&GĐXH của Liên hiệp hội. Từ đó, mới có cơ sở pháp lý để tham mưu, đề xuất với tỉnh những vấn đề liên quan đến chủ trương, chính sách phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Không thể ngồi chờ
Theo ông Nguyễn Văn Diệu - Phó Chủ tịch Liên hiệp hội tỉnh, hoạt động TV-PB&GĐXH trong thời gian qua chưa rõ nên hội thảo “Vai trò đội ngũ trí thức, tổ chức Liên hiệp hội tỉnh tham gia tư vấn, phản biện góp phần xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh” là dịp để cùng xới lên vấn đề. “Định hướng tư vấn, phản biện của Liên hiệp hội và các hội thành viên trong thời gian tới là tập trung vào các lĩnh vực khoa học công nghệ, GD-ĐT, môi trường và chính sách phát triển đội ngũ trí thức. Các đề án của UBND tỉnh cần được lấy ý kiến tư vấn, phản biện của đội ngũ trí thức, tổ chức Liên hiệp hội tỉnh trước khi trình HĐND tỉnh thông qua” - ông Diệu nói.
Ông Lê Văn Nhi - Tổng Biên tập Báo Quảng Nam, Chủ tịch Hội Nhà báo tỉnh dẫn chứng một số vụ việc của tỉnh trong thời gian qua rất cần tiếng nói của các chuyên gia nhưng lại không có và đặt vấn đề vai trò của đội ngũ trí thức trong phản biện xã hội, các đề án của tỉnh. “Cũng như báo chí, vai trò phản biện xã hội của Liên hiệp hội rất quan trọng, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Bên cạnh việc các cơ quan nhà nước, chủ đầu tư dự án đặt hàng, Liên hiệp hội cần phải chủ động phối hợp tổ chức các hoạt động tư vấn, phản biện đối với đề án, chính sách chứ không ngồi chờ” - ông Nhi đề nghị. Theo TS.Vũ Thị Phương Anh - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Quảng Nam, đội ngũ trí thức của tỉnh lâu nay đi phản biện ở nhiều nơi, trong khi ngay tại địa phương mình lại không có điều kiện tham gia. Vì vậy, để phát huy vai trò của đội ngũ trí thức trong công tác tư vấn, phản biện, cần sớm thành lập các tổ chuyên gia nhằm tập hợp hội viên là các chuyên gia trong tỉnh, cả nước và thậm chí nước ngoài.
Nhiều ý kiến cũng băn khoăn về vấn đề kinh phí. Mời các chuyên gia tham gia hội thảo, phản biện thì chi trả công sức của họ như thế nào cho xứng đáng? Ở Đà Nẵng, Liên hiệp hội thành phố giải quyết vấn đề này bằng cách thống nhất với các sở, ngành đưa mục kinh phí thực hiện tư vấn, phản biện vào dự toán trong quá trình xây dựng đề án. Theo ông Phan Khắc Chưởng, vấn đề tài chính cho công tác phản biện, giám sát phải tính đến, bởi lâu nay các đề án, dự án đều không có khoản kinh phí cho phản biện. Đồng thời cần có chính sách đãi ngộ xứng đáng đối với đội ngũ trí thức tham gia tư vấn, phản biện chính sách.
XUÂN PHÚ