Ngày đó, chưa xa…

HỒ DUY LỆ 21/06/2017 09:24

1. Ngày 1.1.1997, tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng tách ra thành hai đơn vị hành chính: tỉnh Quảng Nam và TP.Đà Nẵng. Báo Quảng Nam - Đà Nẵng cũng chia tách thành 2 tờ báo mới. Chỉ có 15 người gồm 6 biên chế và 9 hợp đồng từ Báo Quảng Nam - Đà Nẵng vào quảng Nam, nhưng đến giờ chót, 3 người xin ở lại. Tài sản được chia gồm: 4 bộ máy vi tính cũ, 4 bộ bàn để họp và làm việc cũng đã qua sử dụng hàng chục năm.

Các nhà báo tác nghiệp. Ảnh: ALĂNG NGƯỚC
Các nhà báo tác nghiệp. Ảnh: ALĂNG NGƯỚC

Địa điểm tiếp quản mới làm cơ quan của Báo Quảng Nam là một ngôi nhà lợp tôn, tường xây, ở số 20 Phan Bội Châu, Tam Kỳ. Đó là một ngôi nhà cấp bốn, nguyên của Thị ủy Tam Kỳ giao cho một công ty dịch vụ trực thuộc Ban Tài chính quản trị Thị ủy. Khi Báo đến nhận bàn giao thì thấy đây là một cái kho chứa hàng của cơ sở sản xuất nước khoáng, ngổn ngang chai lọ... Vậy mà bộ phận tiền phương gồm Đinh Văn Mãnh, Đinh Văn Dũng vừa chân ướt chân ráo vào đến nơi đã tiếp quản được ngay. Chủ quản lý cơ sở này yêu cầu được bồi thường tài sản. Báo phải xin 20 triệu đồng từ ngân sách ít ỏi của tỉnh chuyển cho họ mới được nhận nhà. Từ vài cái sự chia chác trong cuộc chia tách “không hề có cuộc chia ly” ấy anh em mới thấm thía nỗi buồn và niềm vui. Anh em, ai cũng có tình yêu nghề làm báo - một tình yêu trong sáng quý giá vô cùng.

Các phóng viên phỏng vấn đại diện lãnh đạo Đồn Biên phòng Cửa khẩu Nam Giang, vào tháng 7.2016. Ảnh: ALĂNG NGƯỚC
Các phóng viên phỏng vấn đại diện lãnh đạo Đồn Biên phòng Cửa khẩu Nam Giang, vào tháng 7.2016. Ảnh: ALĂNG NGƯỚC

2. Chia tách, báo nào cũng phải ra báo ngay. Vẫn giữ nguyên khổ tờ báo cũ, chỉ thay đổi măng sét, Báo Đà Nẵng màu đỏ, Báo Quảng Nam màu xanh - măng sét Báo Quảng Nam do họa sĩ Duy Ninh thiết kế. Báo Đà Nẵng do anh Ngô Quy Nhơn làm Tổng biên tập, anh Vũ Thành Lê làm Phó Tổng biên tập, quyết định ra mỗi tuần 5 số thường ngày và số Cuối tuần. Báo Quảng Nam mới có Tổng biên tập Hồ Duy Lệ, bộ phận Tòa soạn gồm Phan Tấn Tu, Nguyễn Tấn,... còn phải làm và in báo tại Đà Nẵng nên mỗi tuần ra 4 số gồm thứ Ba, thứ Năm, thứ Bảy và Chủ Nhật. Báo Đà Nẵng dành một phòng cho Báo Quảng Nam tạm trú để có thể làm việc và phát hành báo. Đến ngày 2.9.1997, bộ phận Tòa soạn Báo Quảng Nam mới chia tay anh chị em Báo Đà Nẵng, chia tay ngôi nhà số 42 đường Trần Phú, Đà Nẵng, tất cả người, đồ đoàn lên một chiếc xe tải lớn chạy vào ngôi nhà số 20 đường Phan Bội Châu, Tam Kỳ. Là thời điểm Xí nghiệp in Báo Quảng Nam do anh Huỳnh Đây làm Giám đốc bắt đầu in ấn tại Tam Kỳ, và cũng là thời điểm Báo Quảng Nam ra số đặc biệt in 4 màu, mừng Quốc khánh 2.9. Đây là một dấu mốc đầy tự hào không thể nào quên.

Trụ sở Báo Quảng Nam ngày đầu chia tách tỉnh - năm 1997.
Trụ sở Báo Quảng Nam ngày đầu chia tách tỉnh - năm 1997.

Mới vào, chỉ có 8 phóng viên: Phạm Tấn Tư, Trịnh Đức Dũng, Trương Văn Nam, Lê Văn Nhi, Nguyễn Thị Thanh Thủy, Phan Chín, Trương Ngọc Ánh, Bùi Minh Phụng, nên anh em chạy tin bài hết sức vất vả. Cơ sở vật chất tạm bợ, tòa soạn làm việc ở Đà Nẵng, vừa đặt “bản doanh” phóng viên ở Tam Kỳ, Ban biên tập đã ráo riết tìm kiếm, bổ sung lực lượng. Nhiều anh em phóng viên mới được tuyển dụng như thêm Nguyễn Hữu Đổng, Phan Tấn Nguyên, Trương Đức Tới, Lê Trung Việt, Huỳnh Phước Lê,  Đặng Văn Hùng, Kim Oanh, Trần Thị Hạnh, Châu Nữ, Kim Hoa và nhiều người nữa. Những năm 1997-2000, cả Tam Kỳ chỉ có một cơ sở sang rọi ảnh nhưng do lũ lụt dễ bị ngập nên gián đoạn việc tráng rọi - in sang ảnh trong thời gian dài. Nhiều phóng viên sau khi viết bài, gửi bài viết và gửi cả film ra Đà Nẵng để tráng rọi - in sang. Việc chụp ảnh để kèm theo bài viết gặp không ít trục trặc, thậm chí “tai nạn nghề nghiệp” là chuyện cơm bữa. Film “cháy” do sơ ý hoặc bị “ngâm nước” do tác nghiệp lúc mưa to gió lớn, bão lụt… là chuyện dở khóc dở mếu của cánh phóng viên làm tin thời sự - chính trị bấy giờ. Sáng ý, có vài cơ sở tráng - in ảnh thủ công tại Tam Kỳ dùng ánh sáng trời để sang ảnh (dù film màu hay đen trắng đều cho ra ảnh đơn sắc), “khỏa lấp” sự thiếu hụt ảnh khi báo in. Có lúc “gỡ gạc” được là nhờ báo xuất bản cách nhật nên còn thời gian để gửi film ra tận Đà Nẵng sang rọi…
3. Khi vào Tam Kỳ, ngoài phân công lo việc chuyên môn, chúng tôi quyết định phải có bếp ăn tập thể. Gần chín tháng trời ở Tam Kỳ, cứ sáng thứ Hai đón xe buýt từ Đà Nẵng vào, chiều thứ Sáu đón xe buýt về Đà Nẵng. Sáng ra quán: phở, bún, cháo, xôi. Trưa cơm bụi, tối cũng cơm bụi. Nhiều anh em thay bữa cơm bụi buổi chiều bằng cuộc nhậu lai rai. Chỉ cần mười lăm, hai chục nghìn  đồng là có bữa nhậu vừa ngon, vừa bổ, vừa hợp với túi tiền của cán bộ nhân viên mới vào Tam Kỳ.

Tổ chức bếp ăn tập thể, giao cho anh em văn phòng tuyển nhân viên, với yêu cầu: Nếu là nữ thì không nên đẹp và không nên già. Đẹp thì rầy rà lắm vì toàn người độc thân. Còn già thì, không khéo anh em phải đi chợ, nấu cho người ta. Độ một tuần sau, anh em văn phòng đưa đến trình diện tôi một phụ nữ tuổi 34, cao ráo, tên là Trần Thị Tâm. Tôi nói chị nấu cho anh em ăn một tuần xem sao, rồi tính tiếp. Chị chỉ cười bằng đôi mắt, không thốt một lời, nên tôi không biết chị quê ở đâu. Cứ nghĩ chị là người Tam Kỳ, hóa ra khi xem đơn xin việc mới biết vợ chồng đều là người Hà Nam, chồng vào Tam Kỳ làm nghề thợ máy kéo, chị bồng hai con theo. Hai bữa ăn ngày đầu tiên, mỗi bữa hai mâm, chín người, không ai chê mà tấm tắc khen ngon. Suốt một tuần, cũng không thấy ai chê, có anh em ngồi nhìn mâm cơm, hỏi nhỏ: chị Tâm có bỏ thêm tiền túi không mà bữa mô cũng đầy đủ cá canh, rau mắm, ớt tươi?... Tôi bảo, tiền đâu mà chị bỏ thêm, chắc là chị  muốn có việc làm lâu dài để nuôi hai con và cũng quý anh em mình. Tôi bảo Đinh Văn Dũng phụ trách phòng Hành chính - trị sự mời chị Tâm lên ký hợp đồng công việc. Cũng phải nói thêm, khi bộ phận tiền phương vào trước, anh Đinh Văn Mãnh có nhận theo Nguyễn Thanh Cẩm vào để lái xe cho Báo. Khi vào, Báo chưa có ô tô, do vậy trong khi chờ xe, Nguyễn Thanh Cẩm là thợ đụng, trong đó có việc “tham mưu và đạo diễn” giúp chị Tâm, nhất là trong việc đi chợ với đồng tiền ít ỏi và những bữa tổ chức liên hoan cơ quan. Việc này Thanh Cẩm xứng vai chuyên gia giỏi. Đến gần hai năm sau Báo Quảng Nam mới có xe, nhưng Nguyễn Thanh Cẩm vẫn là tay đạo diễn thân tín của “bếp trưởng” Trần Thị Tâm…
4. Trong 20 năm, Báo Quảng Nam có ba đời Tổng biên tập: Hồ Duy Lệ, Nguyễn Hoàng Minh, Lê Văn Nhi, hai Phó Tổng biên tập là Đinh Văn Mãnh và Phan Tấn Tu hiện đã nghỉ hưu và chuyển công tác khác. Nay, Tổng biên tập là Lê Văn Nhi, các Phó Tổng biên tập có Nguyễn Hữu Đổng và Trương Văn Nam. Hầu hết phóng viên đều có tác phẩm báo chí hay, nhiều anh chị trở thành nhà văn, nhà thơ, họa sĩ... Một số lần lượt rời Báo, lớp trẻ vào thay, nay Báo Quảng Nam có hơn 60 cán bộ, phóng viên, nhân viên. Và, một nhiệm vụ không chút dễ dàng trước sự cạnh tranh chiếm người đọc của các phương tiện truyền thông kỹ thuật số, của báo mạng...

Còn biết bao nhiêu đổi thay! Hầu hết anh em ở Báo hiện nay có vợ, có chồng, có nhà đẹp, có xe máy đời mới, nhiều anh chị đã mua ô tô, con cái học hành ngoan ngoãn... Điều đáng mừng nhất, anh chị em tham gia làm Báo Quảng Nam luôn tâm huyết, yêu nghề, làm việc cần mẫn, nâng cao tay nghề, luôn gìn giữ tình cảm thân thiện dành cho nhau.

HỒ DUY LỆ

HỒ DUY LỆ