Với báo, còn duyên
Có lẽ những ngày làm công tác phong trào ở huyện Quế Sơn là những ngày lang bang nhứt trong cuộc đời làm công chức của tôi nhưng cũng chính là những năm tháng được trải nghiệm, tích lũy nhiều vốn sống và tạo nguồn cảm hứng cho nhiều sáng tác của tôi sau này.
Một số bài viết của tác giả Lê Trâm đăng trên Báo Quảng Nam Cuối tuần.Ảnh: PHƯƠNG THẢO |
Đó là những năm tháng lội “nát” các vùng đất thuộc ba huyện Quế Sơn, Hiệp Đức và Nông Sơn. Và đó cũng là quãng thời gian có điều kiện “đi ra” khỏi tỉnh, được giao lưu với khá nhiều bạn bè mới. Nhưng rồi mọi thứ cứ trôi tuột đi một cách phí hoài. Ngày ấy, chưa biết bia rượu là gì, cà phê cà pháo cũng đôi khi, vả lại quá nghèo nên có được bữa ăn cho ra hồn là quý lắm rồi. Chừng như thấy mọi thứ cứ trôi một cách đáng tiếc hết ngày này đến ngày khác nên ông bạn tôi, hồi ấy đang làm phóng viên cho Đài Truyền thanh huyện cứ tiếc mãi trong khi bài vở của đài cứ ngày đêm thúc bên lưng lão! Lão, cái gã học sinh miền Nam đang theo học một trường đại học tận Hà Nội, nghe tin miền Nam hoàn toàn giải phóng là bỏ trường, dông về quê luôn. Cũng lông bông đã đời rồi về làm cho Đài Truyền thanh huyện. Gã ấy rất mê văn chương thơ phú nên việc làm ở đài huyện có vẻ hợp với gã.
Gã lại xin cấp trên mở một lớp bồi dưỡng nghiệp vụ cho các cộng tác viên ở các đài truyền thanh xã, hợp tác xã. Và tất nhiên trong đó có một số người yêu văn chương thơ phú (và có sẵn nhiều tư liệu) là bọn tôi. Không còn nhớ lớp mở trong bao lâu, nhưng nhớ cũng đầy đủ lý thuyết về tin, bài; cũng đầy đủ kinh nghiệm lấy tin và viết bài. Bài nào gửi đài huyện, bài nào gửi đài tỉnh, thậm chí gửi cả cho báo! Sướng nhất là sau khi bế mạc mỗi “học viên” được cấp một thẻ “cộng tác viên” có chữ ký đàng hoàng, theo ý của gã là dùng để làm việc với các nơi khi đi lấy tư liệu viết bài. Thực ra, chúng tôi chưa bao giờ dùng tới cái thẻ ấy, ngoại trừ việc đi “trộ” mấy em! Nhưng, một tuần sau khóa học là gã đã đòi bài! Tôi và thằng bạn cùng cơ quan (nay đã mất) mới quýnh quàng lên. Viết gì đây? Rồi cũng ra chuyện để viết. Vốn ở ngành giáo dục thường hay tổ chức các hội thi, cứ đưa hết các nội dung thi, giải thưởng này nọ vào tin là xong. Rồi các hội thi hội thiếc cũng hết. Thế là phải gạ với mấy anh ở trường để lấy tin này nọ. Có khi bí quá thì chạy xuống các xã, các hợp tác xã “săn tin”.
Từ chuyện viết bài cho đài huyện, tôi nghĩ đến chuyện viết bài cho báo. Cũng mới chỉ là các bài viết về câu ca, bài hát ca ngợi quê hương kiểu như viết về cơn cớ làm sao lại có câu ca “Ngó lên Hòn Kẽm Đá Dừng/ Thương cha nhớ mẹ quá chừng bậu ơi”… vậy thôi! Thậm chí còn phịa ra cả giai thoại về gốc gác câu ca ấy. Hoặc giai thoại về núi Cà Tang, Núi Quế v.v. Viết cả sang chuyện phê phán vấn nạn… đánh số đề! Thấy ngon ăn, tôi bèn … viết thêm truyện ngắn. Những truyện ngắn đầu tiên được in ở báo Quảng Nam - Đà Nẵng, tạp chí Đất Quảng, tuần báo Văn nghệ TP. Hồ Chí Minh…, thậm chí suýt chút nữa đoạt cả giải thưởng Truyện ngắn hay năm 1991 cũng lấy tư liệu từ những chuyến đi la đà mang đầy tính chất phong trào ấy. Khi báo Quảng Nam - Đà Nẵng xuất bản thêm số Chủ nhật, tôi viết truyện thường xuyên hơn. Trong lúc Phan Văn Minh nổi đình nổi đám với một số bài viết ngắn trong mục Đối thoại chống tiêu cực với bút danh ĐQ, Trần Trung Sáng cùng khá nhiều các bạn văn chăm chút hơn với các bài báo của mình đồng thời với việc sáng tác văn chương thì tôi chỉ chuyên viết truyện ngắn. Hình như chỉ vì cứ thấy sự chỉn chu của tư liệu là… sợ! Viết truyện ngắn thì tha hồ… hư cấu, nỏ sợ ai! Lại được tiếng(?).
Báo Quảng Nam - Đà Nẵng Chủ nhật đột ngột bị đình bản, tôi mất hai, ba cái bản thảo truyện ngắn gì đó ở báo (hồi ấy do lười quá nên chỉ viết tay một bản gửi cho báo, in được thì quý, out thì… thôi) nên tịt luôn. Tôi chuyển sang viết truyện dài và cả…. tiểu thuyết! Mấy năm sau, tỉnh Quảng Nam tái lập, thỉnh thoảng chỉ viết đôi ba bài về mảng văn học do mình phụ trách, cũng kiểu bài về các hội nghị hội thảo, về các giải thưởng này nọ, các bài điểm sách hay nặng đô hơn một chút là các bài phê bình sách. Thỉnh thoảng in cái truyện để ngầm báo với bạn bè rằng mình vẫn chưa gác bút. Công việc dạy học, quản lý trường học ngốn mất của tôi bao nhiêu thời gian lẫn bao nhiêu cảm hứng. Còn tranh thủ để sáng tác được vài ba cái truyện ngắn là giỏi lắm rồi nên mối duyên nợ với báo chí ngày càng nhạt dần. Nhiều khi thấy anh em đi họp cộng tác viên các báo đài hằng năm chạnh nghĩ cũng tiếc, hứa sẽ viết lại nhưng rồi cứ… quên! Có lẽ nhờ Báo Quảng Nam cuối tuần tăng thêm 4 trang trong năm rồi và cũng đã rảnh rỗi nên tôi mới trở lại được với báo chí. Đã dần quen với việc viết bài cho các chuyên mục mà báo cần. Từ chỗ không viết gì sang viết thường xuyên hơn, từ chỗ viết theo gu của mình chuyển sang viết theo yêu cầu của tòa báo đã là một sự nỗ lực vô cùng to lớn đáng để xét tặng thưởng cuối năm rồi(?).
Đồng hành với báo chí, với tôi, đôi khi cũng là cái duyên. Từ báo Quảng Nam, tôi được mời cộng tác với vài báo khác. Hóa ra mình có thể làm được nhiều thứ mà lâu nay chẳng biết. Đã có duyên thì… giữ lấy duyên vậy, chứ sao!
LÊ TRÂM