Nhà báo - nghề hiểm nguy

QUỐC HƯNG 20/06/2017 08:15

Kể từ đầu năm đến nay, có thêm 15 phóng viên trên thế giới bị thiệt mạng; nhiều vùng đất theo đó cũng trở thành những nơi nguy hiểm nhất khi tác nghiệp.

Các phóng viên tác nghiệp tại Syria. Ảnh: asmlsyria
Các phóng viên tác nghiệp tại Syria. Ảnh: asmlsyria

Tổ chức phóng viên không biên giới cho rằng, mặc dù số nhà báo bị thiệt mạng trong vòng một năm qua đã giảm hơn nhiều so với trước nhưng vấn đề bảo vệ các nhà báo, nhất là trong quá trình tác nghiệp tại những điểm nóng cần phải được tăng cường hơn nữa. Năm 2016, thế giới chứng kiến sự ra đi của hơn 80 nhà báo trên toàn cầu. Trong đó, hơn một nửa số nạn nhân thiệt mạng xảy ra tại các điểm xung đột như tại Iraq, Yemen. Syria - địa điểm “chết chóc” nhất đối với phóng viên. Cụ  thể trong năm 2016, có đến 19 nhà báo đã thiệt mạng tại đây. Tại Ấn Độ, những người cầm bút không khỏi tránh được những rủi ro và nguy hiểm khi đụng chạm đến các đề tài nóng như vấn nạn tham nhũng và kinh doanh bất hợp pháp, với khoảng 40 nhà báo thiệt mạng trong vòng 10 năm qua. Theo thống kê của Careercast (Tổ chức cung cấp thông tin và đánh giá nghề nghiệp), phóng viên/nhà báo là một trong những ngành nghề tồi tệ nhất thế giới trong năm 2016.

Năm ngoái, nạn nhân là Dharmendra Singh (35 tuổi), một tờ nhật báo tiếng Hindi (một trong những ngôn ngữ chính thức tại Ấn Độ) đang thực hiện loạt bài điều tra về hoạt động khai thác mỏ bất hợp pháp tại địa phương, sử dụng một lượng lớn chất nổ, gây ô nhiễm môi trường nước và không khí, phá hoại các di tích của thành phố. Dharmendra Singh bị sát hại bởi những kẻ tấn công đi xe máy khi chuẩn bị ghé lại một quán trà ven đường. Trước đó, phóng viên truyền hình Akhilesh Pratap Singh cũng bị các tay súng lạ mặt bắn chết khi đang trên đường trở về nhà bằng mô tô tại bang Jharkhand đầy bất ổn, sát cạnh bang Bihar.

Trong nhiều năm qua, Mexico được xếp vào hàng các quốc gia nguy hiểm nhất trên thế giới đối với nhà báo. Kể từ năm 2000 đến nay, hơn 100 nhà báo đã bị thiệt mạng. Vào đầu tháng 4.2017, sau gần 30 năm phát hành, tờ nhật báo Norte tại Mexico chính thức đóng cửa sau cái chết của một nữ phóng viên là Miroslava Breach. Bà đã bị bắn ngay bên ngoài gara để xe của mình và tử vong khi được đưa đến bệnh viện. Giải thích cho quyết định trên, ông chủ của tờ báo - Oscar Cantú Murguía cho rằng, Norte không muốn có thêm bất kỳ phóng viên nào phải trả cái giá quá đắt như vậy vì công việc của mình.

Tổ chức Liên hiệp quốc nhấn mạnh vai trò quan trọng của nhà báo trong cuộc sống hằng ngày, góp phần thay đổi thế giới. Bất chấp những khó khăn và nguy hiểm, nhiều nhà báo trên thế giới vẫn can đảm, xông pha để mang lại những tin tức, sự kiện chính trực và đúng đắn. Năm 2015, Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc thông qua nghị quyết lên án hành động bạo lực chống lại các nhà báo. Bên cạnh đó, Phó Tổng thư ký Liên hiệp quốc Jan Eliasson cũng đưa ra cách thức để các quốc gia thành viên Liên hiệp quốc có thể thúc đẩy chương trình nghị sự của Kế hoạch hành động Liên hiệp quốc về sự an toàn của nhà báo. Theo kế hoạch trên, không có bất cứ nhà báo nào, làm việc ở bất cứ đâu, phải đối mặt với bạo lực và hiểm nguy.

QUỐC HƯNG

QUỐC HƯNG