Họ đã lặng lẽ như thế!
Trong hành trình 20 năm của Báo Quảng Nam, có lẽ là… bất công, nếu như không kể đến những con người thầm lặng cần mẫn mỗi ngày mang từng trang báo đến tận tay bạn đọc.
Anh Sang giao Báo Quảng Nam cho bạn đọc. Ảnh: XUÂN THỌ |
Đúng 3 giờ sáng, theo hẹn, chúng tôi gặp anh Tô Hồng Vân tại Công ty CP In - phát hành sách và thiết bị trường học Quảng Nam (gọi tắt là Công ty In). Anh là người thuộc bộ phận phát hành báo chí của Bưu điện tỉnh Quảng Nam, và tính đến nay, anh đã có 20 năm gắn bó với công việc này. Do đặc thù của công việc, một ngày mới của anh bắt đầu từ 2 giờ 30 sáng, để cho kịp 3 giờ sáng có mặt tại Công ty In. Anh mở sổ ra, kiểm tra lại số lượng báo Quảng Nam mà đơn vị nhận phát hành. Riêng những địa phương ở xa, anh còn cẩn thận cho vào bao mà bên ngoài mỗi bao, đều có phiếu ghi địa phương cụ thể. Dưới ánh đèn, mới thấy công việc của anh thật… tẻ nhạt. Đem điều đó ướm hỏi, anh cười, bảo rằng người ngoài thấy thế, chứ còn anh đang bị “hút” theo công việc, thì tẻ nhạt sao được.
Anh Vân kiểm tra, sắp xếp, phân loại báo Quảng Nam tại Công ty In. |
Tôi tin là anh đúng. Vì nếu anh không yêu nghề và say mê với nó, dễ gì gắn bó đến tận bây giờ. Hai mươi năm trước, trong một lần đi công tác rồi ghé nhà chơi, cậu anh rủ anh vào Tam Kỳ làm. Anh gật đầu, bỏ lại quê nhà Hải Dương phía sau lưng xa tít, rồi bắt xe vào Quảng Nam, đúng thời điểm tỉnh vừa chia tách. Vào, anh được bưu điện tỉnh nhận và cho đi học thêm nghiệp vụ phát hành báo chí vài tháng. Lúc bấy giờ, khi Quảng Nam chưa có công ty in, thì anh ăn ở và làm việc tại bưu điện, cũng với công việc phát hành báo. Sau khi Quảng Nam có công ty in và thực hiện in Báo Quảng Nam, anh cùng đồng nghiệp có thêm nhiệm vụ mới, là xuống nhà máy in để nhận báo, kiểm kê, rồi phân loại số lượng báo phát hành ở từng địa phương. “Trước đây, khi áp lực cạnh tranh phát hành của các báo chưa cao, thì tầm 4.30 - 5 giờ là chúng tôi mới xuống Công ty In để làm những công việc này. Nhưng chừng 5 năm trở lại đây, khi các báo đẩy mạnh cạnh tranh phát hành, bao gồm cả báo Quảng Nam, thì chúng tôi phải bắt đầu công việc lúc 3 giờ” - anh Vân giải thích.
Bộ phận phát hành báo chí của Bưu điện tỉnh Quảng Nam chia thành hai bộ phận nhỏ: một nhóm nhận báo Quảng Nam, kiểm tra, phân loại số lượng phát hành ngay tại nhà in rồi mang về bưu điện, tiếp tục nhận các loại báo khác từ các nơi gửi về rồi tiếp tục phân loại, sắp xếp để nhóm thứ hai - chính là những người mang báo đi trao tận tay cho bạn đọc. Vân thuộc nhóm thứ nhất và anh đùa rằng, mình… “ớn” nhất là hồi mới vô làm, bởi do điều kiện khi ấy chưa có máy tính, nên toàn bộ công việc tính toán, sổ sách đều thủ công. “Còn chuyện dậy quá sớm, nó ảnh hưởng thế nào đến cuộc sống của anh?” - tôi hỏi. Anh đáp hiền khô: “Chỉ những ngày đầu chưa quen thôi. Nhưng thật ra, công việc nó cuốn mình, nên mình không thể lơ là được. Biết trước khung thời gian làm việc của mình như thế, nên mình luôn ngủ sớm”.
Theo chân anh Vân từ Công ty In về bưu điện tỉnh, tầm 4 giờ 30 sáng thì có xe mang một số báo từ Đà Nẵng vào như Thanh niên, Tuổi trẻ, Giao thông vận tải... Anh nhanh chóng sắp xếp các loại báo này vào cùng với số báo Quảng Nam đã phân loại trước đó, để 5 giờ các đồng nghiệp của anh mang báo đi các địa phương lân cận. Riêng tại thành phố Tam Kỳ, thì đội ngũ đi giao báo, kết hợp với phát bưu kiện, bưu phẩm bắt đầu công việc muộn hơn khoảng 60 phút. Nhưng tất cả đều nằm trong tính toán, là phải đảm bảo đưa báo đến tay bạn đọc trước 7 giờ sáng.
Ít thời gian hơn anh Vân, 13 năm trong nghề, anh Nguyễn Quốc Sang dường như nắm rõ hết từng ngõ ngách, con đường anh đã và vẫn đi mỗi ngày. Những con đường ấy, mỗi ngày luôn có anh và đồng nghiệp mang từng tờ báo đến mỗi nhà. “Cũng không sợ nắng mưa gì, chỉ ngán nhất là Tam Kỳ mình, dù đã là thành phố, mà nhiều khu phố chưa có tên đường, nhiều con đường số nhà mới chồng số nhà cũ nên anh em đôi khi khá vất vả để tìm đến đúng nhà khách hàng” - anh Sang tâm sự.
Có ngồi cà kê và theo chân những người phát hành báo, mới thấy sự thành công của mỗi tờ báo, không chỉ là mồ hôi và nước mắt của đội ngũ phóng viên, biên tập viên, mà còn có sự góp sức của họ - những con người thầm lặng.
XUÂN THỌ