Cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất: Tồn đọng nhiều hồ sơ

TRẦN HỮU 15/06/2017 09:33

Nhiều địa phương vẫn không đạt tiến độ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng các loại đất (gọi tắt bìa đỏ) theo tinh thần chỉ đạo của UBND tỉnh. Điều đáng nói, các vướng mắc, lúng túng trong xác định lịch sử nguồn gốc đất đai đã ít nhiều gây thiệt thòi quyền lợi cho người dân.

Tiến độ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lâm nghiệp ở các huyện miền núi trong tỉnh rất chậm chạp.  Ảnh: TRẦN HỮU
Tiến độ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lâm nghiệp ở các huyện miền núi trong tỉnh rất chậm chạp. Ảnh: TRẦN HỮU

Điệp khúc “ngâm” hồ sơ

Tại TP.Tam Kỳ, lãnh đạo tỉnh chỉ đạo hết năm 2016 các xã vùng đông (xã Tam Phú, Tam Thanh, Tam Thăng và phường An Phú) phải hoàn thành tối thiểu 70% khối lượng cấp bìa đỏ các loại đất. Tuy nhiên, thời điểm này, hàng trăm hộ dân sống ở khu vực nông thôn đã làm thủ tục cấp bìa đỏ loại đất ở, đất trồng cây lâu năm vẫn mòn mỏi chờ giải quyết.

Theo Sở Tài nguyên - môi trường, đến nay toàn tỉnh đã kê khai đăng ký và cấp được 760.608  bìa đỏ với tổng diện tích 445.582ha. Riêng từ đầu năm đến nay, cơ quan có thẩm quyền lập thủ tục cấp 17.439 bìa đỏ, trong đó ở các địa phương vùng đông 10.426 bìa đỏ. Đáng lưu ý, tiến độ cấp bìa đỏ loại đất lâm nghiệp rất thấp, toàn tỉnh hiện mới cấp được 55.847 bìa đỏ (đạt tỷ lệ 41,1% khối lượng được duyệt).

Ra ở khu tái định cư thuộc địa bàn thôn Phú Bình (xã Tam Phú, TP.Tam Kỳ) sinh sống hơn 13 năm nay nhưng ông Trần Ngọc Hùng vẫn chưa nhận được bìa đỏ. Ông Hùng bảo, pháp luật đất đai đã quy định có nguồn gốc đất rõ ràng, không tranh chấp, sử dụng ổn định khi người dân có nhu cầu đăng ký, kê khai lập thủ tục thì chính quyền, cơ quan chức năng có trách nhiệm giải quyết cấp bìa đỏ cho người dân. Thế mà không chỉ riêng gia đình ông mà hàng trăm hộ dân các thôn Phú Bình, Phú Đông (xã Tam Phú)  vẫn bị “giam” quyền lợi suốt thời gian dài. Đáng nói là hàng chục hộ dân thôn Phú Bình trước đây có đất ở, đất canh tác ổn định được cấp bìa đỏ nhưng khi Nhà nước thu hồi đất thực hiện dự án khai thác quỹ đất trên địa bàn, chuyển đến chỗ ở mới thì họ vẫn chưa được cấp bìa đỏ. Gần như lần tiếp xúc cử tri nào, người dân cũng phản ánh chuyện ách tắc về cấp bìa đỏ. Theo thống kê, có tổng cộng 34.348 hồ sơ kê khai đăng ký tại 4 xã, phường vùng đông TP.Tam Kỳ (cấp mới 9.125 hồ sơ, cấp đổi 25.223 hồ sơ). Trong đó, đến nay hồ sơ đủ điều kiện và đã viết 26.060 bìa đỏ; chưa đủ điều kiện 8.288 hồ sơ (cấp mới 4.789 hồ sơ, cấp đổi 3.499 hồ sơ). Phần lớn hồ sơ ứ đọng ở cấp xã, phường.

Tương tự, tại 2 xã Duy Nghĩa và Duy Hải (Duy Xuyên), hiện có 5.089 hồ sơ đã kê khai đăng ký. Số hồ sơ kiểm tra, rà soát loại bỏ do đã có quyết định thu hồi đất, đang triển khai bồi thường, hỗ trợ và tái định cư, liên quan đến các dự án Khu nghỉ dưỡng Nam Hội An, các khu tái định cư là 876 hồ sơ. Tính đến ngày 10.5.2017 địa phương đã ký 3.166 bìa đỏ các loại đất và hiện còn tồn đọng 179 hồ sơ, đang thẩm định. Còn tại 6 xã vùng đông của huyện Thăng Bình, hội đồng xét duyệt đất đai các xã đã họp thông qua 27.157 hồ sơ nhưng Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai Thăng Bình mới thẩm định 4.350 hồ sơ.

Ông Phạm Bê - Chi cục trưởng Chi cục Đất đai (Sở Tài nguyên - môi trường) cho biết, hiện tỉnh thụ lý giải quyết hơn 2.000 hồ sơ, trong đó vùng đông của tỉnh hơn 1.000 hồ sơ đang trong thời gian thẩm định. Các trường hợp chậm cấp giấy chủ yếu do hồ sơ và nguồn gốc đất phức tạp. Còn Văn phòng Đăng ký đất đai tỉnh đưa ra con số, đơn vị đã tiếp nhận hơn 10.500 hồ sơ (chưa tính hồ sơ thuộc dự án vùng đông của tỉnh) từ các địa phương chuyển đến. Trong số đó có 2.065 hồ sơ sai sót, tồn tại phải trả về lại các chi nhánh trực thuộc (chiếm bình quân 19,67%). Đây là nguyên nhân dẫn đến chậm trễ thời gian giải quyết thủ tục hành chính.

Còn nhiều ách tắc

Sở Tài nguyên - môi trường thừa nhận tuy đã đảm bảo khối lượng, tiến độ cấp bìa đỏ nhưng nhiều địa phương vẫn lúng túng, chậm giải quyết các hồ sơ có tính phức tạp về “lý lịch” đất đai. Kết quả kiểm kê đất đai năm 2014, thống kê đất đai 2 năm (2015 - 2016) cho thấy, diện tích đất chưa được công nhận quyền sở hữu còn khá lớn, với gần 75.899ha. Đây là diện tích đất nông nghiệp trước đây hộ gia đình, cá nhân sử dụng chưa được kê khai, đăng ký và chưa có nhu cầu cấp bìa đỏ ở 9 huyện miền núi và trung du, chủ yếu đất nương rẫy, đất nông nghiệp xen kẽ trong các khu rừng phòng hộ, đặc dụng, rừng sản xuất do người dân mới khai hoang đưa vào sử dụng.

Vướng mắc là hiện nay các địa phương miền núi còn nhiều trường hợp  chưa đăng ký đất đai theo quy định, hầu hết rơi vào đối tượng người sử dụng đất  là đồng bào dân tộc thiểu số hoặc một số trường hợp ở vùng ven biển vắng chủ, hoặc đi làm ăn xa quê, bỏ đi nơi khác. Đất khai hoang, hồ sơ pháp lý về đất không đồng nhất, các trường hợp do tranh chấp, khiếu nại kéo dài. Theo tìm hiểu của chúng tôi, hồ sơ của người dân bị “ngâm” từ năm này qua năm nọ do hội đồng tư vấn xét duyệt đất cấp xã, phường lúng túng trong xác định nguồn gốc đất. Chính quyền một số nơi đã buông lỏng quản lý quy hoạch, quản lý xây dựng nên đã xảy ra tình trạng đất lấn chiếm, đất tranh chấp, xây nhà trái phép, xây dựng không đúng quy hoạch, chuyển đổi mục đích sử dụng đất không đúng quy định. Bên cạnh đó, việc sử dụng đất của người dân có nhiều biến động so với bản đồ địa chính trước đây nên họ không thống nhất với số liệu của cơ quan chức năng đo đạc. Không ít trường hợp chuyển nhượng theo hình thức viết giấy trao tay sau năm 2008, người nhận quyền chuyển nhượng có nhu cầu xin cấp bìa đỏ thì không có cơ sở pháp lý để giải quyết. Thêm nữa, chính quyền địa phương chậm trễ xác nhận nguồn gốc đất, kéo dài thời gian giải quyết hồ sơ cũng gây ách tắc tiến độ cấp bìa đỏ các loại đất. Hầu hết hồ sơ địa chính được xây dựng trước đây chủ yếu trên giấy chưa xây dựng được cơ sở dữ liệu hoặc những nơi đã xây dựng được dữ liệu bản đồ và dữ liệu hồ sơ nhưng không đồng bộ nên việc cập nhật biến động còn mang tính thủ công, không đảm bảo theo yêu cầu.

Theo ông Nguyễn Viễn, Giám đốc Sở Tài nguyên - môi trường, vấn đề gây bức xúc nhiều nhất cho người dân nằm ở chỗ nhiều quy hoạch treo nhiều năm nhưng không ra quyết định hủy bỏ quy hoạch, khi người dân có nhu cầu cấp bìa đỏ thì không thực hiện được; chưa có nguồn kinh phí hỗ trợ cho công tác đo đạc, cấp bìa đỏ. Cũng theo ông Viễn, hiện nay thực hiện Luật Đất đai 2013 còn bất cập như công nhận đất ở nhiều địa phương còn lúng túng do hầu hết hồ sơ địa chính trên địa bàn huyện đều lập sau năm 1993. Trước năm 1993 người sử dụng đất không có giấy tờ theo quy định nên người dân không thống nhất việc công nhận đất ở. Một số trường hợp sử dụng đất sau ngày 15.10.1993 khi làm thủ tục để cấp bìa đỏ không thống nhất nộp tiền sử dụng đất theo quy định nên ảnh hưởng đến tiến độ cấp bìa đỏ.

TRẦN HỮU

TRẦN HỮU