Nghị lực của một người mẹ

MINH PHƯỜNG 14/06/2017 08:40

Câu chuyện về người mẹ vùng cao - mế Bling Thị Tư (thôn Pr’ning, xã Lăng, Tây Giang) một mình nuôi 5 người con vào giảng đường đại học đã khiến  người dân nơi đây nể phục.

Mế Tư chăm sóc đàn vật nuôi của gia đình. Ảnh: M.P
Mế Tư chăm sóc đàn vật nuôi của gia đình. Ảnh: M.P

Xưa nay, người dân xã Lăng đã quá quen thuộc với hình ảnh người phụ nữ nhỏ nhắn không quản mưa nắng tất tả với công việc. Ngoài làm rẫy, nấu rượu, chăn nuôi, mế Tư còn mở một quán tạp hóa nhỏ để có thêm thu nhập chu cấp cho những đứa con đang theo học đại học. Mế Tư kể, sinh ra và lớn lên trong một gia đình nghèo, mồ côi mẹ từ nhỏ, mế đã sớm quen với những vất vả, nhọc nhằn. Lớn lên lập gia đình với một người đàn ông chịu thương chịu khó, biết san sẻ, gánh vác việc gia đình. Tuy cái đói cái nghèo vẫn đeo bám nhưng gia đình rất hạnh phúc. Năm 2007, tai họa ập đến, chồng mế được chẩn đoán mắc bệnh ung thư giai đoạn cuối. Thương chồng, mế đã dành toàn bộ số tiền tích góp được những năm qua, đi vay mượn thêm từ bà con họ hàng để chạy chữa cho chồng nhưng bạo bệnh đã mang ông đi sau đó vài tháng. Chồng qua đời để lại cho mế 5 người con đang tuổi ăn tuổi học. Nỗi đau mất chồng khiến mế Tư nhiều đêm thức trắng nhưng nghĩ đến những đứa con, mế lại mạnh mẽ bước tiếp.

Một mình xoay xở, dù cố gắng sớm hôm nhưng cơm sắn nhiều bữa vẫn không đủ ăn, quần áo cho các con vẫn không đủ mặc. Gánh nặng đè lên đôi vai, trước mắt là phải làm sao có đủ tiền để vừa nuôi con, vừa trả những món nợ từ ngày lo điều trị bệnh cho chồng. Khó khăn chồng chất nhưng nhìn những đứa con ham học và học giỏi mế lại không nỡ cho nó nghỉ học. Ban đầu mế Tư đem số tiền tích góp từ làm nương rẫy và vay Nhà nước thêm 15 triệu đồng mua khoảng 10 con heo về nuôi và một mình phát thêm nương rẫy. Làm quần quật từ sáng đến khuya, không có thời gian nghỉ ngơi. Thời gian cứ thế trôi đi, các con tiếp tục học lên cao, các khoản đóng góp ngày một nhiều, mế phải chạy vạy, vay mượn thêm bạn bè, người thân. Nhiều lúc mế Tư tưởng chừng như gục ngã. Nhưng nghĩ đến lời trăng trối của chồng trước lúc nhắm mắt, nghĩ tương lai của các con, mế lại cố gượng dậy quyết tâm không để các con nghỉ học giữa chừng. “Ở nhà rau cháo cũng có mà ăn chứ con mế học ngoài đó không có tiền sợ người ta không cho con học” - mế Tư nói.

Ý thức được hoàn cảnh gia đình, thương mẹ nhọc nhằn, đến nay 3 trong 5 người con mế Tư lần lượt ra trường và có công ăn việc làm ổn định. Đối với mế, tài sản quý nhất là những đứa con chăm ngoan và hiếu thảo. Mặc dù ở cái tuổi 55, nhưng mế Tư vẫn hăng say làm việc. Hiện nay, mế Tư chăm sóc gần 3ha keo, cao su và chăn nuôi thêm 13 con heo, gần 100 con gà, vịt. “Các con nhiều lần khuyên mế đừng làm nữa, ở nhà để các con nuôi. Nhưng mế còn sức khỏe thì muốn làm việc, không muốn các con phải lo cho mình” - mế Tư tâm sự.

MINH PHƯỜNG

MINH PHƯỜNG