Hội tụ tinh hoa biển đảo
Một dòng chảy văn hóa theo dọc đường bờ biển Việt Nam đã tụ hội tại Quảng Nam. Tam Thanh (TP.Tam Kỳ) những ngày này có đủ đầy thức vị của vùng biển phía bắc, của đảo Trường Sa rực lá bàng vuông, của những câu chuyện giữ biển đầy niềm xúc động… từ người dân nước Việt.
|
Mô hình ghe bầu xứ Quảng tại gian trưng bày của Quảng Nam. Ảnh: Lê Quân |
Không hẹn mà gặp, những gian hàng tham gia triển lãm “Di sản Văn hóa biển đảo Việt Nam” trong khuôn khổ Festival Di sản Quảng Nam lần thứ VI-2017 đều có chung một chốn trang trọng dành cho những câu chuyện lịch sử hình thành và đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển đảo quê hương, chia sẻ những đặc sắc ở hiện tại và hướng phát triển nền văn hóa này trong tương lai. Chưa kể, buổi chiều muộn bên bờ biển Tam Thanh, những tấu khúc dân gian vang lên, từ Bắc Bộ, miền Trung hay miền Nam… làm nên ấn tượng khó phai trong lòng người tìm đến Tam Thanh những ngày hội này.
Khơi lên niềm tự hào
Cả 16 không gian tham gia triển lãm đều mang trong mình những dấu ấn đặc sắc cho một vùng văn hóa biển đảo Việt Nam. Người ở Quảng Ngãi mang những con ốc u của đảo Lý Sơn, củ hành củ tỏi đặc sản, và những câu chuyện về một quê hương Hải đội Hoàng Sa từng vang sử sách. Thuyền mô hình của Hải đội Hoàng Sa trong không gian triển lãm tỉnh Quảng Ngãi trở thành “bảo chứng” lịch sử thu hút người đến chiêm ngưỡng. Ông Đặng Văn Thu đến từ Bình Sa (Thăng Bình) nói: “Cả nhà tôi từ Thăng Bình vô Tam Thanh xem triển lãm. Không phải cư dân biển nhưng tôi tham gia đánh bắt trên biển. Với tôi cũng như anh em ngư dân, những con tàu đã trở thành ruột rà của mình. Ở đây được nhìn thấy con tàu ngày xưa của cha ông mình dùng để giữ gìn biển đảo, thiệt tình thấy quý lắm!”. Không gian di sản văn hóa biển đảo của tỉnh Quảng Ngãi cứ vậy thu hút người đến đứng lặng ngắm.
Ở không gian bên cạnh, nơi trưng bày những chứng cứ xác định chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa chưa bao giờ thôi sức hút. Ông Hồ Tấn Mười (cán bộ Bảo tàng Đà Nẵng) cứ đôi hồi lại sửa chỗ treo tấm bản đồ, dốc hết giọng mình để thuyết minh cho khách khi tìm tới gian triển lãm của TP.Đà Nẵng. “Hơn 100 tư liệu, hình ảnh về việc xác lập chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa và 90 hiện vật gồm các loại ốc biển ở Hoàng Sa, sự đa dạng sinh học biển của Khu bảo tồn thiên nhiên Sơn Trà,… chúng tôi hy vọng khi người dân và du khách tìm tới, sẽ đủ để chuyển tải về sự quý hiếm và đa dạng của vùng di sản văn hóa biển đảo TP.Đà Nẵng” - ông Hồ Tấn Mười nói. Cách đó không xa, trong khuôn viên của Quảng trường biển Tam Thanh, ông Lê Văn Bình - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận không ngừng nhắc nhở thành viên của đoàn mình phải chú ý thuyết minh cho du khách về những bản sắc phong trưng bày ở không gian triển lãm của Ninh Thuận. Lần này, ngoài việc mang tới những sản phẩm thổ cẩm Chăm đặc sắc của làng dệt truyền thống Mỹ Nghiệp, góp mặt vào sự đa dạng của triển lãm còn có 10 bản sắc phong từ các đời vua dành cho những tộc họ, làng biển vùng Ninh Thuận… Cứ vậy, các không gian di sản mở ra những cách nhìn đáng trân trọng về giá trị văn hóa biển đảo Việt Nam, khơi lên niềm tự hào và sự kết nối tinh hoa những vùng văn hóa.
Phô bày những đặc sắc
Triển lãm “Di sản Văn hóa biển đảo Việt Nam” là sự tổng hòa những bức tranh nhiều sắc màu, nhiều góc nhìn về chủ quyền biển đảo Việt Nam từ các giai đoạn lịch sử trước đây cho tới hiện nay. Nào là bản đồ cổ, các tư liệu Hán - Nôm, châu bản triều Nguyễn về chủ quyền biển đảo đối với 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam. Còn có 150 hiện vật cổ về văn hóa biển đảo Việt Nam qua các thời kỳ lịch sử; cùng với hiện vật, trang phục lễ hội cư dân vùng biển của các bảo tàng, nhà sưu tập tư nhân... Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Thanh cho rằng, thông qua triển lãm sẽ giúp công chúng và du khách có thể tìm hiểu và cảm nhận sâu sắc hơn về cuộc sống đời thường của cộng đồng ngư dân vùng biển qua các bộ sưu tập ngư cụ đánh bắt và công cụ lao động sản xuất. Theo ông Thanh, những khu vực trưng bày của các tỉnh, thành phố, những chương trình nghệ thuật dân gian vùng biển mang sắc thái đặc trưng như lễ hội cầu ngư, hô hát bài chòi, các sản phẩm đặc trưng từ biển ở mỗi vùng… sẽ tạo nên cơ hội thắt chặt hơn nữa tình đoàn kết, giao lưu và trao đổi kinh nghiệm trong tổ chức hoạt động văn hóa, quảng bá du lịch giữa các địa phương…
Là đơn vị chủ nhà, không gian triển lãm di sản văn hóa biển đảo của tỉnh Quảng Nam thu hút rất đông sự tham quan của người dân địa phương và du khách. Chia thành 4 nhóm chủ đề (bao gồm: giới thiệu khái quát về biển đảo Quảng Nam; đa dạng sinh học của vùng biển đảo Quảng Nam; di sản văn hóa của vùng biển đảo Quảng Nam; quan điểm phát triển du lịch biển đảo), không gian trưng bày của Quảng Nam tạo nên sự xuyên suốt của vùng biển đảo xứ Quảng. Ông Trần Đức - cán bộ Bảo tàng Quảng Nam cho biết, hệ thống tri thức ngành nghề, các di tích ở những vùng biển Cù Lao Chàm - quá trình đi biển, cùng với xây dựng khu trưng bày về hệ sinh thái đa dạng sinh học biển Cù Lao Chàm chính là những nét đặc sắc của không gian triển lãm biển đảo Quảng Nam. “Đây là dịp để công chúng và nhân dân hiểu rằng di sản văn hóa biển đảo Quảng Nam không phải là di sản thuần túy gồm hệ thống các di tích, tri thức nghề, mà bên cạnh đó có cả đa dạng sinh học. Chính sự đa dạng sinh học này tác động đến yếu tố liên kết, yếu tố cộng cư, nhân dân sống và khai thác từ sự đa dạng của thiên nhiên này. Ví dụ hệ thống rừng dừa nước Cẩm Thanh, người dân sống và sản xuất từ chính điều kiện tự nhiên của vùng - và đây cũng như một lá phổi xanh không thể tách rời với Đô thị cổ Hội An và Cù Lao Chàm - tạo nên sự liên hoàn” - ông Đức chia sẻ. Cùng với những hiện vật phong phú, quan điểm phát triển du lịch biển của Quảng Nam cũng nhận được nhiều sự tán đồng. Ông Hồ Tấn Cường - Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL nói: “Những năm qua, du lịch Quảng Nam là một trong những điểm đến hấp dẫn với hàng triệu du khách trong nước và quốc tế. Trước nhu cầu của du khách ngày càng cao, Quảng Nam đã chú trọng xây dựng sản phẩm du lịch biển đảo. Đây là chiến lược trọng tâm của tỉnh cho việc phát triển các loại hình sản phẩm du lịch kết hợp giữa đất liền và biển đảo; giữa di sản văn hóa với môi trường sinh thái; giữa du lịch trải nghiệm với du lịch hưởng thụ, nhằm tạo nên sự phong phú, đa dạng cho chương trình du lịch. Phát triển du lịch hướng về biển đảo, khai thác không gian văn hóa biển đảo là hướng phát triển mới, đầy tiềm năng của ngành du lịch Quảng Nam”.
Một “ngôi nhà văn hóa biển đảo Việt Nam” đầy ấn tượng đang chờ đợi người đến khám phá…
LÊ QUÂN - THÀNH CÔNG