"Rút ruột" lòng sông - Bài 2: Xung đột căng thẳng

HỮU PHÚC 12/06/2017 08:47

Để phục vụ nhu cầu xây dựng, mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, UBND tỉnh đã cấp phép cho các cá nhân, đơn vị đầu tư, khai thác cát sỏi phù hợp với quy hoạch, lộ trình. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp cố tình thực hiện không đúng theo đánh giá tác động môi trường, tạo ra xung đột căng thẳng với người dân địa phương.

  • "Rút ruột" lòng sông - Bài 1: Đáy sông dậy sóng
Một điểm khai thác mỏ cát ở sông Thu Bồn qua xã Điện Thọ, thị xã Điện Bàn. Ảnh: HỮU PHÚC
Một điểm khai thác mỏ cát ở sông Thu Bồn qua xã Điện Thọ, thị xã Điện Bàn. Ảnh: HỮU PHÚC

Sạt lở nặng

Mặc dù UBND tỉnh cấp giấy phép hoạt động cho Công ty TNHH MTV Đầu tư và phát triển Gia Lộc khai thác tại mỏ cát Vân Ly (xã Điện Quang, thị xã Điện Bàn) đến hết tháng 4.2020, nhưng vào cuối năm ngoái, người dân thôn Vân Ly đã phản ứng quyết liệt trước tình trạng doanh nghiệp không cắm mốc thực địa khai thác, tận thu vượt độ sâu, công suất cho phép. Mỗi tàu thuyền chứa tối thiểu 50m3 hoạt động liên tục các ngày trong tuần từ 5 - 7 giờ sáng. Theo người dân, trước khi các ghe đến đây hút cát, họ không được xã thông báo, mời họp. Người dân ra “ngăn sông” vì quá trình hút cát gây sụt lún đất sản xuất, ảnh hưởng đến cây cầu và móng trụ đường dây cao thế. Để bảo vệ bờ sông khỏi sạt lở, người dân trong thôn vận động mua cây bói về trồng. Tuy nhiên, nếu tình trạng hút cát rầm rộ diễn ra, phương án giữ đất bằng cây bói mất tác dụng. Đã có xô xát, mâu thuẫn xảy ra giữa người dân sở tại với các chủ tàu hút cát, buộc chính quyền phải yêu cầu tạm đóng mỏ.

Tại buổi làm việc giữa đoàn giám sát của Ban Kinh tế - ngân sách HĐND tỉnh với lãnh đạo huyện Duy Xuyên mới đây, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Hoàng Minh cho rằng, hệ lụy lớn nhất của khai thác cát sỏi là tác động đến đời sống sản xuất, sinh hoạt của người dân tại khu vực có mỏ, gây bức xúc kéo dài. Chất lượng quy hoạch không đáp ứng yêu cầu bởi thực tế có tình trạng khu vực quy hoạch điểm mỏ dân không đồng tình ủng hộ. Có doanh nghiệp vi phạm nhiều lần vẫn cấp phép. Trước khi cấp phép mỏ, ngành chức năng phải tính toán mở đường vận chuyển và tổ chức họp dân để tạo đồng thuận cao.

Quan sát tại hiện trường dễ nhận thấy, nguyên nhân làm cho đoạn sông Thu Bồn qua thôn Vân Ly sạt lở nặng là vì tình trạng khai thác cát trên sông gây ra. Khi thấy bờ sông Thu Bồn thuộc thôn Phú Tây (xã Điện Quang) sạt lở, các ghe hút cát mới dịch chuyển lên khoảng 200m về hướng thôn Vân Ly, nên người dân đã phản đối. Theo ông Phan Minh Dũng - Phó Chủ tịch UBND thị xã Điện Bàn, đối với mỏ đe dọa đến môi trường, người dân trong khu vực có ý kiến thì chính quyền yêu cầu doanh nghiệp dừng hoạt động. Theo quy định, khu vực cấp mỏ cát lòng sông phải cách bờ tối thiểu 100m nhưng thực tế ở địa bàn có chỗ cách bờ chỉ 70m. Còn ông Trần Úc - Chủ tịch UBND thị xã Điện Bàn từng đề xuất, phía hạ du sông Thu Bồn từ thôn Vân Ly (xã Điện Quang) về phía TP.Hội An phải cấm tuyệt đối khai thác, không cho đơn vị, cá nhân nào tổ chức thăm dò, khai thác.

Tại lòng sông Vu Gia, đoạn qua xã Đại Đồng (Đại Lộc), ít nhất 2 mỏ cát được cấp phép hoạt động đã gây sạt lở đất sản xuất và có nguy cơ ảnh hưởng đến công trình cầu Hà Nha. Theo Sở TN-MT, qua kiểm tra thực địa, tình trạng sạt lở đất liên quan đến khai thác cát, sỏi của Công ty TNHH Hồng Nguyên và Công ty TNHH Thành Sơn là có thật nên thời gian qua 2 doanh nghiệp đã dừng hoạt động, đang lập phương án khắc phục hậu quả. Đoàn kiểm tra liên ngành của huyện Đại Lộc (gồm các ngành tài nguyên, nông nghiệp, kinh tế - hạ tầng, lực lượng công an huyện) kiểm tra thực tế và khẳng định tình trạng sạt lở đất là đúng với nội dung phản ánh của của người dân và báo cáo của UBND xã Đại Đồng. Cho nên, từ tháng 3.2017 đến nay, Công ty TNHH Thành Sơn và Công ty TNHH Hồng Nguyên đã tạm đình chỉ mọi hoạt động. Huyện Đại Lộc hiện có ít nhất 15 mỏ khai thác cát. Khi xảy ra lũ lụt, dòng chảy của sông chắc chắn sẽ bị biến động lớn, nhất là một số lưu vực đang tập trung nhiều mỏ khai thác cát như ở Lâm Tây, Hà Nha của xã Đại Đồng. Chính quyền huyện Đại Lộc nhiều lần kiến nghị UBND tỉnh hạn chế cấp phép, tăng cường kiểm tra, giám sát hoạt động của các mỏ.

Xung đột

Tại thôn Mỹ Hảo, xã Đại Phong (Đại Lộc) dù doanh nghiệp chỉ mới đi vào khai thác mỏ chừng vài tháng nhưng phải tạm dừng hoạt động do phản đối dây chuyền của người dân. Hiện tại có 3 đơn vị liên quan đến việc nhân dân không đồng tình ủng hộ cho tận thu khoáng sản là Công ty THNH Phú Hương, Công ty TNHH MTV 18.4 Đại Lộc, Công ty TNHH MTV Khai thác khoáng sản Tuấn Thành. Tuy chính quyền địa phương, doanh nghiệp và người dân đã tổ chức đối thoại nhưng các bên không tìm ra “tiếng nói chung”. Trước đây, trong quá trình đi vào hoạt động khai thác, công nhân của Công ty TNHH MTV 18.4 Đại Lộc có mâu thuẫn với người dân địa phương nên đã bị thanh niên trong thôn ra cản trở không cho đơn vị này hoạt động. Còn Công ty TNHH Phú Hương, Công ty TNHH MTV Khai thác khoáng sản Tuấn Thành cũng bị người dân cấm khai thác là do phản ứng dây chuyền vì vị trí cấp phép của 3 đơn vị này gần nhau.

Hoạt động hút cát lòng sông Thu Bồn thuộc các xã giáp ranh ở thị xã Điện Bàn đã gây sạt lở bờ, ảnh hưởng đất sản xuất của người dân.Ảnh: HỮU PHÚC
Hoạt động hút cát lòng sông Thu Bồn thuộc các xã giáp ranh ở thị xã Điện Bàn đã gây sạt lở bờ, ảnh hưởng đất sản xuất của người dân.Ảnh: HỮU PHÚC

Từ quá trình khai thác mỏ làm xói lở bờ sông và ảnh hưởng đến sản xuất đã tạo nên bức xúc cho người dân. Nhiều vị trí, tọa độ khai thác nằm ở khu vực nhạy cảm, gần các công trình công cộng, dân sinh, nên những xung đột kéo dài giữa người dân với doanh nghiệp, buộc chính quyền giải quyết bằng cách đóng mỏ. Điển hình như, Công ty CP Xây dựng Cienco 5 - Miền Trung khai thác cát làm vật liệu xây dựng thông thường tại khu vực nam Cầu Đen (thị trấn Nam Phước, Duy Xuyên) với diện tích hơn 2,1ha; Công ty CP Xây dựng 569 khai thác cát làm vật liệu xây dựng thông thường tại khu vực Bãi Bồi (thị trấn Nam Phước) với diện tích gần 1,9ha. Tương tự, nhiều mỏ cát vừa mới vận hành, nhưng phát sinh ô nhiễm, sạt lở nặng nên người dân đã ra cản trở, khiến hoạt động của các mỏ luôn bị gián đoạn. Chẳng hạn như mỏ cát tại thôn Vĩnh Nam (xã Duy Vinh, Duy Xuyên); mỏ cát tại khu vực bãi bồi Tân Gia (thôn Thanh Châu, xã Duy Châu, Duy Xuyên) của Công ty TNHH MTV Thi công xây dựng 24.

Thời gian qua, nhiều nơi khai thác, vận chuyển cát, sỏi tạo thành “điểm nóng” do các đơn vị, doanh nghiệp khai thác chưa tuân thủ đầy đủ các cam kết bảo vệ môi trường, khai thác không đúng thời gian quy định. Cá biệt có doanh nghiệp còn tự ý lập rào chắn trái phép vào khu vực mỏ trên đường giao thông. Điều đáng nói, có nơi còn xảy ra xung đột giữa các đơn vị khai thác, vận chuyển cát, như tại thôn Phú Lạc (xã Duy Hòa, Duy Xuyên). Để ngăn ngừa hút cát trộm tại bãi, Công ty TNHH MTV Vận chuyển, khai thác khoáng sản Phạm Minh Long đã lập rào chắn ảnh hưởng đến khâu vận chuyển cát của doanh nghiệp khác. Đi vào hoạt động cuối năm 2016, nhưng Công ty CP Tư vấn Tân Phước Yên đã không ít lần phàn nàn, xung đột với Công ty TNHH MTV Vận chuyển, khai thác khoáng sản Phạm Minh Long về đường vận chuyển.

Ông Trần Quốc Diện - Giám đốc Công ty CP Tư vấn xây dựng Tân Phước Yên cho biết, hiện nay công ty gặp khó khăn, trở ngại do quá trình ra vào mỏ cát chỉ có con đường duy nhất của bến đò Giao Thủy cũ do UBND xã Duy Hòa quản lý nhưng Công ty TNHH MTV Vận chuyển, khai thác khoáng sản Phạm Minh Long đã đóng ba-ri-e, không cho vào khai thác dù công ty đã cải tạo, nâng cấp đường phục vụ khai thác, vận chuyển cho 2 doanh nghiệp. Đến kiểm tra thực địa tại mỏ cát ở thôn Phú Lạc (xã Duy Hòa - Duy Xuyên) vào đầu tháng 6, đoàn giám sát Ban Kinh tế - ngân sách của HĐND tỉnh khẳng định, việc đặt ba-ri-e chắn đường dân sinh đi lại bến đò Giao Thủy cũ của doanh nghiệp là trái quy định, nên đề nghị phải tháo dỡ lập tức, tránh xung đột đáng tiếc xảy ra.

_________
Bài cuối: Mở bến bãi trá hình

Nỗ lực ngăn chặn “sa tặc” của chính quyền địa phương các cấp gặp khó khăn do có sự “đóng góp” không nhỏ của các bến bãi không phép.

HỮU PHÚC

HỮU PHÚC