Thà như đá ngây ngô...
Ngồi nghe ông kể cuộc chơi với đá, ngó lên thấy chữ “nhẫn”, mới hay không phải ông treo bừa cho vui; liếc sang thấy chân dung nhà thơ Bùi Giáng, lại giật mình rằng ông đôi lúc cũng điên - một kẻ điên hồn nhiên như đá…
Mà những viên đá ông chọn chơi, đúng là… hồn nhiên thật. Chúng trơ ra cùng gió và nước, theo những biến thiên của thời gian, mới nên những dáng hình muôn vẻ đầy hấp lực, khiến những kẻ mộ điệu như ông Trần Thịnh (56 tuổi, thôn La Tháp Đông, xã Duy Hòa, huyện Duy Xuyên) phải gắn chặt đời mình.
1. Đá mà ông chọn chơi, phải là đá… nguyên thủy, không chịu bất cứ sự tác động nào của con người. Tất cả phải là ngẫu nhiên. Như sự ngẫu nhiên của ông vào khoảng 20 năm trước, khi thông qua các chương trình vô tuyến, ông nghe người ta nói về đá suiseki mà người Nhật chơi. Té ra, từ “suiseki” trong tiếng Nhật được tạo bởi hai thành tố là “sui” - tức là “thủy”, nghĩa là nước và “seki” - tức là “thạch”, nghĩa là đá; khoác trên mình một ý nghĩa nôm na là đá tự nhiên có hình hài từ sự bào mòn của nước và gió. Rồi qua mấy bận đọc thơ văn về đá, nhất là những triết lý nhà Phật về đá, ông lần hồi rồi mê mẩn với đá như một sự… ngẫu nhiên.
Khởi sự cơ duyên giữa ông với đá, xúc cảm lần đầu chập chững nhanh chóng qua dần, để rồi phía trước mặt chỉ còn lại gian truân, cả vật chất lẫn tinh thần. Hẳn là tinh thần của ông ít nhiều tổn thương, khi người ta nhìn ông bằng đôi mắt dò xét, rằng chơi gì không chơi, lại đi chơi đá? Đổ tiền đổ bạc ra đấy, lấy lại được gì ngoài tiếng thở dài thườn thượt của người vợ? Âu cũng là điều dễ hiểu, vì ông rẽ ngang với đá khi chưa kịp giã từ đời “hai lúa”. Đó là chưa kể, đời “hai lúa” của ông có dư giả tẹo nào đâu. Vậy mà ông vẫn kệ. Vẫn “lao đầu vào đá”. Rồi tặc lưỡi cho qua những hoài nghi của người ngoài. Như cách ông hớp ngụm nước trà, đầy sảng khoái: “Cuộc chơi của mình, thì chỉ có mình biết rõ cần chi và thiếu chi, miễn là đừng làm cho vợ con khổ là được”. Và để đừng làm cho vợ con khổ, ông lập cho mình kế hoạch hẳn hoi, để vợ thấy rằng ông là một kẻ “rong chơi đầy trách nhiệm”: “Bằng cách này, ví dụ như nhà cần 10 cân thóc là đủ, thì tôi sẽ cố làm cho được 15 cân thóc. Số 5 cân thóc thừa ấy, tôi “xin” vợ bỏ vào cuộc chơi với đá”.
Bằng cách góp nhặt như thế, đến nay, sau 20 năm miệt mài, ông sở hữu gia tài hơn 300 viên đá các loại, mà tính giá thị trường, cũng… không phải dạng vừa. nhưng ông ngại nói con số tiền, ngoài số tiền gắn với một vài hòn đá có giá trị đối với cuộc đời ông. Ông Thịnh luôn miệng bảo rằng ông không cần nhiều tiền cho cuộc sống của mình, và chỉ sống theo lối của mình, mà ở lối ấy, khắp nơi vang vọng tiếng cười an nhiên. Và ông đã cười an nhiên thật, không phải mới đây, mà đã từ rất lâu, từ khi chỉ mới vài bước chân lang thang ngược rừng xuôi suối để vào hành trình chơi đá. Đó là lúc ông kiếm được những khoản tiền đầu tiên từ việc chơi đá, và nhận ra rằng đây là phương thức để mình hài hòa cuộc chơi vốn dĩ tốn kém. Nhưng nói vậy, không có nghĩa là ông chơi đá vì tiền. Ông biết cách từ chối những món tiền lớn, để giữ lại bên mình những khối đá mà ông yêu thích. Như khối đá ông đặt tên “Khủng long” mà ông đem về từ Hòn Kẽm - Đá Dừng vào năm 2001, nó mang đến cho ông hàng loạt giải vàng trong các cuộc thi về đá. Có người tìm đến, đập bàn hét giá 100 triệu đồng, ông lắc đầu: “Nó là của tôi”.
2. Nhưng, đá có gì lạ, và vui, mà ông mê mẩn như thế? Ban đầu, tôi định hỏi ông mấy câu đó, nhưng chưa kịp thì ông đã… tự thú rồi. Rằng, sau cơ duyên ngẫu hợp, dần dà, ông tìm đến đá như đứa con trần tục tìm đến cửa Phật để rũ bỏ những bụi bặm trần ai. Ông cười, nếu đời chỉ 60 năm như chúng ta vẫn hằng rêu rao, thì dại gì chui đầu vô những khổ ải do chính mình giăng lấy? Tôi chợt nhớ chữ “nhẫn” ông treo trong căn phòng đầy đá. Chỉ có đá mới đủ nhẫn như thế.
Khối đá “khủng long”, có người muốn mua giá cả trăm triệu đồng, nhưng ông Thịnh từ chối. Ảnh: XUÂN THỌ |
Ông lý luận, lòng người dù có thế nào, có nhìn đá đầy căm hờn hay thương cảm, thì đá vẫn… trơ trơ như tự nó vốn thế. Vẫn là một khối như thế, với những đường vân, sắc màu không đổi. Chứ đâu phải loài người, chỉ một chút giả dối, thì nơ-ron thần kinh đã tự kích hoạt chế độ thay đổi biểu cảm sắc mặt, như một sự tự tố cáo. Mà trong cái khoảnh khắc ấy, ranh giới người - ngợm quả thực rất mong manh. Và suốt 20 năm với đá, ông Thịnh nói, là hành trình ông giác ngộ chữ “nhẫn” mà đá biểu hiện. Đá thành nơi ông nương nhờ những lúc thở than. Rồi giúp ông loại bỏ những tạp nham trong đời. Như cái hồi cách đây nhiều năm, con ông chẳng may bị đuối nước và mất. Người ta khuyên ông nên kiện cái đơn vị đã không chịu hoàn thổ cái hố nước đấy sau khi khai thác đất để làm gạch, thì ông đã lắc đầu. Điều ấy không phải đồng nghĩa với việc ông không đau khi mất con. Bởi chẳng có người cha nào mà không xé ruột gan nỗi đau mất con. “Nhưng tôi kiện họ thì sẽ được gì, khi biết chắc là con tôi sẽ không sống lại. Và vì, nếu tôi kiện họ, thì tôi và họ, đều là những kẻ phải hứng chịu lấy cái khổ do mình đày ra. Đời người vô thường lắm, nên học đá mà về bến thiền định” - ông Thịnh dốc lòng.
Thì ra, tìm đến đá, ông ngộ ra rằng mọi việc trên đời đều là hữu duyên, chỉ khác nhau là thái độ của mỗi người trước mỗi sự việc ập đến với mình như thế nào mà thôi.
3. Bên chiếc bàn sa thạch mà có người trả bốn ngàn đô la ông vẫn lắc đầu không bán, hôm ấy chúng tôi ngồi, nắng len qua từng khóm tre, rủ nhau xuống đậu trên vai, nghe ông cầm đàn mà hát, ông hát nghêu ngao như một kẻ du ca, một kẻ du ca đã bỏ rơi đời nặng nhọc. Té ra, ông còn là một người có máu nghệ sĩ. Cái máu nghệ sĩ ấy, theo ông cả những lúc nhọc nhằn. Như cái hôm nắng chiều ngả bóng, ông vác trên vai hòn đá xuôi dốc về chân núi, bắt gặp cô sơn nữ địu con ngược núi, ai nấy đều mồ hôi nhễ nhại, mà cười nhau hồn nhiên đến lạ. Vẫn viên đá trên vai, ông hướng về phía cô sơn nữ: “Ở núi có nắng mưa ngàn/ Có em trên rẫy cười miên man trần/ Suối nguồn chảy tuột ái ân/ Em là hòn cuội bao lần rồi đây/ Mưa tuôn gió lợp đêm ngày/ Thân trần nhập cuộc đã say mưa chiều/ Trải lòng cho một tình yêu/ Đại ngàn mưa nắng đón điều vươn vai”.
Về nhà, ông vẫn chưa thôi vương vấn: “Nói sao cho hết chữ yêu/Ta người yêu đá bao chiều nhớ em”. Là ông đang nhớ ánh cười của cô sơn nữ, rồi giật mình mới hay, rằng người ta sống nơi khổ cực như thế, mà cười hồn nhiên như vậy, thì hà cớ chi ta cứ bu mãi những sân si cõi trần. Nên ông mới dồn sức để mở một “bảo tàng” đá nho nhỏ cho mình. Đó là nơi không từ chối bất cứ một kẻ nào, và tất nhiên, những kẻ mê đá như ông sẽ được hoan nghênh nhiều hơn.
Tôi đã gặp không ít người chơi đá, nhưng chơi đá hồn nhiên như ông Thịnh, là lần đầu tiên. Nên thành ra, cuộc nói chuyện vì thế mà… sướng hơn nhiều, khi được nghe ông kể về những cuộc hạnh ngộ bất ngờ với đá, rồi yêu thương đá như chính cuộc đời mình. Mà cuộc đời ông bây giờ nhìn lại, như ông nói, nó nhẹ hều! Rồi thiển nghĩ, hay là mình bắt chước ông Thịnh, tìm đến đá, rồi thà như đá ngây ngô, có khi lại hay!
XUÂN THỌ