Chuyện xưa ở quán "cúp tóc"...
Làng Quảng Nam có nhiều chuyện cổ thú vị. Nghe chuyện cổ ở mỗi làng ta lại liên tưởng đến chuyện làng mình. Mỗi câu chuyện gợi nhớ lại một thời cha ông vào khai cư lập nghiệp và cũng là một bài học để “luận cổ suy kim”… Những chuyện tôi ghi lại ở đây toàn nghe trong quán “cúp tóc” của cha tôi hồi nhỏ cũng như ở những quán hớt tóc khác của những người quen biết.
Quán cắt tóc vỉa hè. Ảnh minh họa |
1.Sau đình chiến, ông bà nội tôi qua đời, cha tôi quay về làng và mở quán cúp tóc ở đầu ngõ làm kế độ nhật. Bạn tôi sau 1975, với cái chân què vì bom đạn, cũng về làng mở quán như vậy ở xóm bên. Một điều trùng hợp là ở các vùng nông thôn, chính các địa điểm này là những “trung tâm thông tin” của nhiều làng vì “ông chủ quán” thường là người biết nhiều chuyện từ cổ chí kim, cả những chuyện thời sự nghe được trên đài hoặc radio hồi trước. Kèm theo chuyện vẫn là các bình luận, nhận định sắc sảo nên hấp dẫn người nghe, cả khách ngồi chờ đến phiên “thí phác” lẫn nhiều người thích hóng chuyện…
Nhà văn Nguyễn Văn Xuân hồi kháng chiến có cái quán hớt tóc như vậy trên đỉnh đèo Le - chớ không nói “cúp tóc” như ở làng tôi - cũng khá hấp dẫn người nghe nhờ ông nói chuyện hát bội hoặc kể Tam quốc, Đông Châu... đọc được trong sách Tàu.
Chỉ câu hỏi vì sao người ta gọi sông là Thanh Quýt và chiếc cầu qua sông ấy lại là cầu Ngũ Giáp hay Giáp Năm (đều ở Điện Bàn) của một cụ lão, thì cái quán cúp tóc của cha tôi không lúc nào vắng khách. Mỗi người góp một ý, giải thích là nghe từ những bậc tiền bối khác nhau, mà câu chuyện cứ kéo dài ra. Tôi cũng ngồi nghe lóm mà biết thêm nhiều chuyện. Mới biết, xưa làng Thanh Quýt lập từ trước nửa đầu thế kỷ 16, trong khi làng Ngũ Giáp phía bắc sông Vĩnh Điện từ những đơn vị dân binh mới có xã hiệu từ năm 1560 thời Bùi Tá Hán làm trấn thủ Quảng Nam. Còn cầu Ngũ Giáp trên đường thiên lý nằm giữa hai làng Châu Phong và Thanh Quýt có lẽ do tên gọi lấy theo địa danh từ tỉnh thành phía nam ra hướng bắc!
Từ quán “cúp tóc” khác của ông bạn Lê Anh ở Vĩnh Điện tôi lại quen biết với nhiều bạn bè ở làng Tân Mỹ, Bồng Lai và nghe các cụ lão kể nhiều chuyện về tên làng tên đất ở khu vực này. Như cái tên cánh đồng “Vá Vện” là một câu chuyện tình đến… hận! Các cụ lão tôi quen hồi những năm 80 thế kỷ trước kể rằng, một trong những vị có công khai canh khai cơ ở đây mê một người đẹp làng chài trên sông nước dọc sông Cái. Lòng tham và ước muốn đổi đời của cô gái đã dẫn đến hậu quả cô nàng ăn cắp một trang trong sổ bộ của người tình, rồi mang đến chính quyền khai là đất của mình. Viên quan hỏi: “Cánh đồng trong tờ khai này tên gì?”. Nhìn thấy con chó vện chạy ngoài sân quan đường, cô ả nói bừa: “Dạ bẩm quan, đồng em tên Vá Vện!”. Quan thấy câu trả lời nhanh, gọn, bèn bút phê tên Vá Vện vào tờ khai. Bạn tôi là anh Nguyễn Nho Châu, em ruột nhà thơ Nguyễn Nho Sa Mạc lúc sinh thời nói với tôi: “Đời này qua đời khác, có thể có thêm nhiều lời thêu dệt, nhưng cái tên cánh đồng Vá Vện ấy thì không thay đổi”…
Ở giáp ranh hai làng Thanh Quýt và Viêm Tây (Điện Bàn) cũng có một chuyện kể tương tự về khu ruộng Đồng Minh ven Quốc lộ 1. Chuyện kể hơn 400 năm trước một anh con trai ở Thanh Quýt vì mê cô gái làng Viêm Tây đã về ăn cắp một tờ “trích lục” của cha mẹ đem tặng cho nàng. Với “thủ tục” kê khai đất đai và luật lệ còn lỏng lẻo thuở ấy, khu ruộng Đồng Minh đã về tay nhà gái từ đó và tạo ra một mâu thuẫn kéo dài mấy thế kỷ, khiến nhiều thế hệ trai trẻ của hai làng đã không thể lấy nhau. Người con trai ấy đã bị xử chết trên một gò đất mà ngày nay gọi là Gò Tử.
Té ra, những tranh chấp đất đai đã trầm kha trong lịch sử từ 4 - 5 thế kỷ trước do lòng tham của con người và những kẽ hở của pháp luật!
2. Lại đi “cúp tóc” để hóng chuyện cạo đầu bôi vôi và thả rọ trôi sông...
Trong làng quê có nhiều chuyện liên quan đến hôn nhân gia đình và những hình phạt theo kiểu “lệ làng” nghiêm khắc đến nỗi bất nhân, nhưng nhờ vậy mà gia phong và trật tự xã hội được gìn giữ!
Một cô chưa chồng chửa hoang, làng phải đem ra xử. Chị ả nhất mực không khai đấng mày râu nào là thủ phạm. Hình phạt là… cạo đầu bôi vôi trắng xóa. Chị này xấu hổ quá, nửa đêm trùm kín khăn đen lên đầu và bỏ làng ra đi không bao giờ về lại. Một chị có chồng đi làm xa, ở nhà ngoại tình đến chửa hoang. Làng xử kín và tìm được thỏa thuận là người chồng của kẻ ngoại tình vì hạnh phúc gia đình chấp nhận đưa người vợ hư cùng các con đi thật xa làng cũ để giữ thanh danh và chịu nỗi đau cho riêng mình…
Từ đó lại so sánh với chuyện trong lịch sử. Mẹ vua Mai Hắc Đế cũng là cô gái bị chửa hoang. Bà là con của một người giàu có vùng biển Hà Tĩnh. Thay vì phải bắt nhốt vào chiếc rọ để thả trôi sông theo tục lệ hà khắc ở địa phương, do cha mẹ là gia thế đã đứng ra xin làng một ân huệ. Bà được tha những phải đi khỏi làng. Vua Mai được mẹ mang theo trong bụng đến ẩn dật trên vùng rú Dẻ thuộc huyện Nam Đàn, Nghệ An cho đến ngày sinh nở. Bà mẹ hàng ngày đi đốn củi đổi gạo nuôi con và được người dân địa phương đùm bọc. Lớn lên, Mai Thúc Loan mạnh khỏe, da đen nên khi cầm đầu dân quan nổi dậy chống ách đô hộ nhà Đường được dân chúng gọi là Mai Hắc Đế…
Sau này, nhiều lần có dịp đến Nghệ An, tôi đã tìm đến lăng mộ vua Mai ở vùng núi Nghệ An và tìm lên mộ mẹ vua ở trên đỉnh rú Dẻ để viếng. Vùng rú Dẻ linh thiêng và huyền thoại ấy nằm ở giữa những khu dân cư đông đúc từ ngàn năm nay vẫn um tùm cây lá, lại được làm phong phú hơn bởi những câu chuyện dân gian liên quan đế tín ngưỡng bảo vệ rừng ở địa phương. Không một ai dám động đến một cành cây!
Những người kể chuyện ở những quán “cúp tóc” mà tôi còn nhớ cho đến nay là bởi họ không đi vào nhân thân của các nhân vật và luôn kết thúc các câu chuyện bằng những lời bình phẩm mang tính vị tha, thương cảm. Và từ nhỏ, tôi đã mang máng hiểu rằng: Thì ra, trong sự hà khắc của luật lệ ngày xưa vẫn còn chỗ cho sự tha thứ, dù rất hẹp, để giữ lại một chút gọi là tính nhân văn trong đời sống thôn dã!
3. Còn đây là chuyện của chính tôi lúc nhỏ trong quán “cúp tóc” của cha tôi. Lúc ấy tôi chỉ khoảng 12 tuổi.
Cha tôi làm nghề “cúp tóc”, nói theo cách đùa cợt của ông, là dù nghèo nhưng ai ông cũng “nắm đầu” được. Từ mấy thằng lính Tây coi nhà tù Hội An, Vĩnh Điện cho đến các vị công bộc học hành tử tế và những người nông dân chất phác. “Không nắm đầu làm sao cắt được tóc!” - cha tôi thường nói đùa.
Không biết tác động của câu nói ấy đến đâu mà các chú tôi và nhiều thanh niên trong làng hay tìm đến ông để học việc rồi thành thợ, ra mở quán riêng ở phố.
Mười hai tuổi, tôi cũng ao ước học được nghề của cha. Một bữa vắng khách, tôi gọi đứa em kế ngồi lên ghế. Choàng chiếc khăn bằng vải sa-tanh trắng lên cổ nó rồi lấy đồ nghề của cha ra… hành hiệp. Sử dụng hết tông-đơ, đến lược, đến kéo cắt tóc. Cứ hớt được vài nhát, tôi dừng tay và đi quanh nó, ngắm nghía. Lại nhìn vào gương soi trước mặt. Lại “nắm đầu” thằng em và… sửa. Chỗ nào tóc còn dài thì đưa tông-đơ hay kéo vào… tỉa bớt. Lại sửa, lại tỉa, lại đi quanh ngắm nghía…
Kết quả là… cái đầu chú em tôi đã trọc lóc!
Lần ấy, đứa em tôi khóc một trận chưa từng thấy và bỏ học mấy ngày, cho dù cha tôi đã ra công sửa lại thành mái tóc đầu đinh (ca-rê) tạm dễ ngó.
Sau tai nạn ấy, cha tôi chỉ nói nhẹ nhàng: “Cúp tóc hay làm gì cũng vậy, phải tính trước, tính sau trước khi thực hiện, không nên nóng vội!”.
Từ ấy, tôi cạch hẳn ý muốn nối nghề “nắm đầu thiên hạ”, nhưng lời dặn ngắn và ôn tồn đó của cha cứ làm tôi nhớ mãi đến sau này, khi làm nghề viết lách!
TRƯƠNG ĐIỆN THẮNG