Cơ hội cho sản phẩm mới
Quảng bá điểm đến, giới thiệu tài nguyên du lịch, kêu gọi đầu tư, thúc đẩy phát triển sản phẩm du lịch phía nam... là một trong những nội dung quan trọng của Hội nghị xúc tiến đầu tư, khai thác sản phẩm du lịch mới Quảng Nam sẽ diễn ra tại TP.Tam Kỳ ngày 10.6.
Nhiều sản phẩm du lịch, làng nghề sẽ được giới thiệu đến doanh nghiệp và các nhà đầu tư tại hội nghị. Ảnh: VĨNH LỘC |
Giới thiệu tiềm năng
Với 3 di sản văn hóa, thiên nhiên thế giới cùng 125km bờ biển và hàng chục di tích, danh thắng đẹp, Quảng Nam được đánh giá là địa phương có nhiều lợi thế phát triển du lịch nhằm đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Tuy nhiên, nhiều năm qua du lịch Quảng Nam chủ yếu “sôi động” khu vực phía bắc xoay quanh các di sản phố cổ Hội An, Mỹ Sơn và Cù Lao Chàm. Cả một vùng rộng lớn phía nam và phía tây dù được đánh giá hội tụ đầy đủ yếu tố cần thiết để phát triển du lịch với các sản phẩm từ rừng xuống biển; từ văn hóa đến sinh thái, làng quê; từ trải nghiệm, mạo hiểm đến di tích lịch sử, cách mạng… vẫn chưa được đầu tư khai thác đúng mức.
Để phát triển du lịch phía nam, trước hết cần đánh giá lại tiềm năng. Trong đó, chỉ riêng Tam Kỳ, nơi được xác định đóng vai trò trung tâm của các huyện phía nam, có hàng chục di tích, danh thắng có thể thu hút khách tham quan như địa đạo Kỳ Anh, Văn thánh Khổng miếu, biển Tam Thanh, công trình Tượng đài mẹ Việt Nam anh hùng… cùng hơn 20 di tích lịch sử quốc gia và cấp tỉnh. Ngoài ra, còn có thể kể đến hệ thống sông, đầm còn khá hoang sơ và nhiều làng nghề truyền thống đặc trưng. Tương tự, các điểm như tháp Khương Mỹ, Nhà lưu niệm Võ Chí Công, Tam Hải, biển Rạng, Bàn Than, Hố Giang Thơm (Núi Thành); hồ Phú Ninh, tháp Chiên Đàn (Phú Ninh); làng cổ Lộc Yên, nhà lưu niệm cụ Huỳnh Thúc Kháng (Tiên Phước); khu căn cứ Nước Oa (Bắc Trà My)… đều được đánh giá cao về độ hấp dẫn và có khả năng thu hút khách nếu được đầu tư tốt. Cơ hội phát triển du lịch các huyện phía nam còn rõ nét hơn khi hệ thống hạ tầng giao thông đã và đang được đầu tư mạnh mẽ, đặc biệt là sân bay Chu Lai và tuyến đường ven biển kết nối Hội An với phía nam thông qua cầu Cửa Đại, giúp chuyển dịch không gian du lịch Quảng Nam dần vào phía nam của tỉnh.
Theo ông Hồ Tấn Cường – Phó giám đốc Sở VH-TT&DL, phát triển du lịch phía nam đang là hướng chủ đạo của ngành du lịch tỉnh, nhất là khi các trục giao thông bắc nam, đông tây được kết nối qua đó giúp mở rộng không gian du lịch Quảng Nam ra khỏi 2 di sản văn hóa thế giới Hội An, Mỹ Sơn. “Thời gian qua sở đã triển khai nhiều chương trình giới thiệu, quảng bá du lịch phía nam thông qua các hoạt động như famtrip, presstrip, kết nối với doanh nghiệp, báo chí và nhà đầu tư nhằm thu hút khách nội địa từ các tỉnh lân cận và 2 đầu đất nước qua sân bay Chu Lai. Chiến lược phát triển du lịch giai đoạn 2017 - 2020 phía nam cũng được tiếp tục nghiên cứu phát triển các sản phẩm du lịch thích hợp dựa trên thị trường mục tiêu và tiềm năng của mỗi địa phương, trên cơ sở đó sẽ xây dựng các chương trình xúc tiến, quảng bá phù hợp đến từng thị trường và mức độ phát triển của điểm đến” - ông Cường nói.
Thúc đẩy đầu tư
Theo đánh giá của các doanh nghiệp lữ hành, phát triển du lịch phía nam và phía tây của tỉnh phù hợp với những tour về nguồn, tìm hiểu lịch sử cách mạng; trải nghiệm văn hóa, thiên nhiên làng quê và nghỉ dưỡng kết hợp chăm sóc sức khỏe. Thị trường khách hướng đến có thể là khách công vụ, khách du lịch quốc tế lưu trú tại Đà Nẵng, Hội An, nhất là khách nội địa những tỉnh lân cận như Quảng Ngãi, Đà Nẵng và Tây Nguyên. Thực tế, thời gian qua phát triển du lịch phía nam cũng đã có những chuyển biến rõ rệt, nhất là việc đầu tư hạ tầng, dịch vụ. Tính đến cuối năm 2016, khu vực phía nam có khoảng 20 cơ sở lưu trú đủ tiêu chuẩn phục vụ khách với gần 800 phòng, 50 nhà hàng đạt chuẩn và 3 doanh nghiệp đăng ký lữ hành nội địa.
Ông Phan Văn Tú - Giám đốc Trung tâm thông tin xúc tiến du lịch Quảng Nam cho biết, cùng với Hội nghị Xúc tiến đầu tư, khai thác sản phẩm du lịch mới Quảng Nam diễn ra tại Tam Kỳ ngày 10.6, trung tâm cũng sẽ tổ chức 2 đoàn famtrip gồm một đoàn với gần 30 doanh nghiệp lữ hành đến từ 3 địa phương Quảng Nam, Đà Nẵng, Thừa Thiên Huế và một đoàn 15 doanh nghiệp du lịch đến từ Đài Loan. Các đoàn famtrip chủ yếu tham quan, khảo sát những điểm phía nam và phía tây của tỉnh. Riêng đoàn famtrip 3 tỉnh Quảng Nam, Đà Nẵng, Thừa Thiên Huế sẽ chỉ khảo sát những điểm du lịch tại Tam Kỳ, Phú Ninh và Tiên Phước nhằm xây dựng chương trình đưa khách đến. Đặc biệt, trong 2 ngày 11 và 12.6 trung tâm sẽ tổ chức một đoàn khảo sát dành riêng cho các nhà đầu tư tìm hiểu tiềm năng du lịch các huyện phía nam và phía tây của tỉnh như Tam Kỳ, Phú Ninh, Tiên Phước, Bắc Trà My, Nam Giang, Đông Giang, Tây Giang nhằm giúp các nhà đầu tư kết nối chính quyền địa phương, tìm hiểu cơ chế, cơ hội đầu tư và xây dựng sản phẩm mới.
Theo ông Hồ Tấn Cường, các huyện phía nam và phía tây của tỉnh không chỉ có tiềm năng về du lịch, mà hiện tại hạ tầng thiết yếu phục vụ du lịch nơi đây cũng đã tương đối đồng bộ, nhất là hệ thống giao thông đường bộ kết nối liên vùng, kể cả sân bay Đà Nẵng và sân bay Chu Lai đã và đang được tiếp tục đầu tư nâng cấp nhằm đáp ứng được yêu cầu đón khách trong tương lai. Tuy vậy, để hình thành một sản phẩm du lịch tốt cần nhiều yếu tố, kể cả yếu tố con người. Ngoài ra, còn là sự nỗ lực đồng thuận của chính quyền các cấp, người dân, nhất là các đơn vị công ty lữ hành và các nhà đầu tư… nên ngoài sự quan tâm từ phía chính quyền, nhà nước còn có sự tham gia của các nhà đầu tư mới có thể thúc đẩy du lịch các huyện phía nam phát triển.
Ông Lê Văn Thanh - Phó Chủ tịch UBND tỉnh khẳng định, Hội nghị xúc tiến đầu tư, khai thác sản phẩm du lịch mới Quảng Nam chính là cơ hội giới thiệu sản phẩm du lịch của tỉnh, nhất là sản phẩm của các địa phương phía nam. “Qua festival, nhất là hội nghị lần này, sẽ giới thiệu cho du khách hiểu được rằng Quảng Nam có rất nhiều sản phẩm du lịch và khách sẽ đến Quảng Nam không chỉ một hai ngày mà là dài ngày. Và đây là cơ hội để cả nhà đầu tư và chính quyền tỉnh thấy cần đầu tư cái gì đem lại hiệu quả nhất cho phát triển du lịch” - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Thanh nói.
VĨNH LỘC