Đông Nam Á: Chảy máu chất xám vẫn tăng
(QNO) - Chảy máu chất xám đang có nguy cơ kìm hãm tốc độ phát triển kinh tế khu vực Đông Nam Á.
Nhiều sinh viên Philippines ra trường tìm kiếm cơ hội làm việc ngoài nước. Ảnh: Bloomberg |
Trong những năm gần đây, tỷ lệ tăng trưởng kinh tế khu vực Đông Nam Á vẫn ở mức ổn định, cao hơn so với tỷ lệ tăng trưởng bình quân của toàn cầu. Tuy nhiên, chừng đó vẫn chưa đủ để giữ chân nhiều lao động có kiến thức và có chuyên môn cao cũng như thu hút nhân tài từ nước ngoài trở về quê hương sinh sống và làm việc. Việc chảy máu chất xám không ngừng tăng được xem là một trở ngại cho trăng trưởng của khu vực.
Nyl Patangan, một sinh viên tốt nghiệp chuyên ngành điều dưỡng tại Philippines quyết định rời quê nhà đế tìm kiếm một cuộc sống tốt hơn. Sau một thời gian ngắn làm việc tại Dubai của Các Tiểu vương quốc Ả-rập Thống nhất, Nyl Patangan chuyển sang kiếm việc làm tại một bệnh viện ở Chicago (MỸ) và cuộc sống hiện nay của Nyl Patangan khá ổn định. Nyl Patangan là một trong hàng nghìn sinh viên tốt nghiệp tại Philippines mỗi năm tìm kiếm việc làm ở nước ngoài.
Một cuộc khảo sát của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) cho biết trong giai đoạn 2001-2011, số lao động có trình độ đại học nhập cư vào các nước giàu có của Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) tăng đến 66%, lên 2,8 triệu người. Đáng chú ý bởi một nửa di cư trong số đó đến từ Philippines, cùng hàng trăm nghìn người khác làm việc bên ngoài OECD như tại Trung Đông. Xu hướng này tiếp tục tăng đến giai đoạn 2011-2015, riêng số lao động có chuyên môn cao của Philippines ra nước ngoài làm việc tăng 27%.
Thống kê của Ngân hàng Thế giới (WB), lượng kiều hối chuyển về các quốc gia đang phát triển ước đạt 429 tỷ USD vào năm 2016, trong đó lượng tiền này về Philippines lập kỷ lục với 30 tỷ USD. Các chuyên gia ADB cho hay, lao động khu vục di cư chủ yếu làm việc trong lĩnh vực y khoa, khoa học, kỹ sư, quản trị và giáo dục. Điều đó có thể là một trở ngại lớn cho phát triển kinh tế xã hội tại Đông Nam Á. Hãng tin Bloomberg ước tính gần 10% số công dân có trình độ học vấn cao từ Philippines, Singapore và Việt Nam sinh sống và làm việc trong khối OECD, tỷ lệ này từ Lào và Campuchia là 15%.
Báo cáo của ADB cho thấy, thậm chí các nước khu vực Đông Nam Á nỗ lực tăng cường đầu tư và cải thiện chất lượng giáo dục trong những năm gần đây, số lượng sinh viên ra trường di cư ra nước ngoài lại càng đông hơn. Và nguyên nhân chính dẫn đến thực trạng trên do mức lương tại nước ngoài cao hơn, điều kiện làm việc tốt hơn, cơ hội phát triển sự nghiệp lớn, có khả năng học tiếp cũng như được làm việc với nhiều lao động trình độ cao đến từ nhiều nước khác. Trong khi các quốc gia Đông Nam Á có những tiến bộ trong việc tạo điều kiện cho sự dịch chuyển lao động có tay nghề trong khu vực, nhưng đến nay vấn đề này thực sự vẫn tiến triển rất chậm. Hiện cũng là thời điểm chín muồi để giải quyết những rào cản cả thực tiễn và nhận thức, phù hợp với xu thế thay đổi nhân khẩu học, kinh tế và xã hội của khu vực và thế giới.
Quay trở lại bệnh viện nơi Nyl Patangan làm việc cùng với nhiều đồng nghiệp đến từ Campuachia, Lào, Thái Lan, Nyl Patangan cho biết hiện anh là công dân thường trú vĩnh viễn tại Mỹ. “Công việc của bạn rất vất vả nhưng ít nhất là ở đó, bạn có thể kiếm được” - Nyl Patangan nói.
NAM VIỆT