"Rút ruột" lòng sông - Bài 1: Đáy sông dậy sóng
Sông Vu Gia - Thu Bồn đoạn qua các huyện Đại Lộc, Duy Xuyên, thị xã Điện Bàn đã không còn yên ả sau khi hàng chục ki lô mét chiều dài lòng sông quy hoạch cho hoạt động tận thu cát sỏi. Phương tiện, thiết bị cơ giới của doanh nghiệp cùng với tình trạng khai thác, vận chuyển trái phép đã đêm ngày cày nát dòng sông, làm cát sỏi “trôi chảy” với nhiều hình thức biến tướng.
Đường vào khu vực khai thác mỏ của Công ty TNHH Vận chuyển khai thác khoáng sản Phạm Thăng Long. |
Dòng sông... cát lậu
Vài năm trở lại đây, các địa phương trong tỉnh triển khai nước rút nhiều dự án, công trình trọng điểm nên nguồn cung cát san lấp, làm vật liệu xây dựng thông thường rất lớn. Nguồn cát lấy từ các điểm mỏ trên lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn chủ yếu phục vụ nhu cầu xây dựng của tỉnh và thị trường TP.Đà Nẵng do địa phương này đã đóng cửa mỏ cát ở sông. Chỉ riêng một đoạn sông Vu Gia qua địa phận huyện Đại Lộc dài hơn 15km nhưng bình quân mỗi ki lô mét có một doanh nghiệp khai thác cát hoạt động. Từ tháng 7.2014 đến nay, UBND tỉnh cấp giấy phép hoạt động khai thác cát làm vật liệu xây dựng thông thường cho 18 đơn vị, trong số này có nhiều doanh nghiệp đã tạm dừng hoạt động do quá trình tận thu, vận chuyển làm sạt lở bờ sông, đất sản xuất người dân.
Con sông Yên chảy qua địa phận thị xã Điện Bàn và huyện Đại Lộc mấy năm nay chưa thể bình yên. Nhân tai cùng với thiên tai đã làm biến dạng dòng chảy, gây sạt lở nặng bờ sông ở nhiều vị trí. Trên khu vực giáp ranh này thường xuyên xảy ra cảnh tận thu cát trái phép. Bờ sông Yên phía thôn Phú Mỹ (xã Đại Hiệp, Đại Lộc) bồi lấp, còn bờ kia phía thôn Lạc Thành Tây (xã Điện Hồng, thị xã Điện Bàn) sạt lở nặng. Để khơi thông, chỉnh trị dòng chảy, hạn chế sạt lở bờ phía xã Điện Hồng, UBND tỉnh đã ra quyết định (số 2513/QĐ-UBND ngày 17.7.2015) cho phép Công ty TNHH MTV Phương Đông khai thác cát sỏi làm vật liệu xây dựng thông thường tại phạm vi bãi bồi phía xã Đại Hiệp có diện tích hơn 1ha với trữ lượng 29.012m3.
Theo doanh nghiệp này, đơn vị chấp hành nghiêm túc các quy định ghi trong giấy phép như khai thác đúng quy trình kỹ thuật, đúng tọa độ, độ sâu, trữ lượng và công suất. Tuy vậy, chung quanh khu vực khai thác của doanh nghiệp trước đây vẫn có một số tàu thuyền mạo danh của công ty để khai thác cát trái phép vào ban đêm. Vì vậy, cuối năm ngoái, công ty này báo cáo sự vụ một số đối tượng lợi dụng để khai thác cát sỏi trái phép trên địa phận xã Điện Hồng. Sau đó, lực lượng Cảnh sát môi trường Công an tỉnh bắt quả tang nhiều đối tượng trên địa bàn xã Đại Hiệp (huyện Đại Lộc), huyện Hòa Vang (TP.Đà Nẵng) có hành vi khai thác cát trái phép trên sông Yên. Tương tự, tại khu vực Hà Nha (xã Đại Đồng, huyện Đại Lộc), bức xúc trước tình trạng hút cát của doanh nghiệp lẫn cát lậu đe dọa an toàn cầu dân sinh, người dân địa phương đã đứng ra ngăn cản, không cho doanh nghiệp tiếp tục hoạt động.
Sông Thu Bồn chảy qua địa phận thị xã Điện Bàn từ lâu nổi tiếng là dòng sông của cát lậu, dù nơi đây đang có 8 điểm mỏ được cấp phép hoạt động. Chạy ghe chừng vài cây số trên sông đoạn qua 2 xã giáp ranh Điện Trung - Điện Thọ sẽ thấy nhiều mỏ cát của doanh nghiệp. Các tàu sắt chở đầy cát nối đuôi nhau đi lại. Chỉ cần một hệ thống ống hút trang bị trên phương tiện dài vài chục mét, sau khi bỏ xuống nước 1 giờ đồng hồ là có thể đưa khoảng 50m3 cát lên tàu. Ông Trần Tình - Chủ tịch UBND xã Điện Trung tiết lộ, khi biết đoàn giám sát của Ban Kinh tế - ngân sách HĐND tỉnh đến kiểm tra, các phương tiện vận chuyển cát nghỉ đột ngột, chứ ngày bình thường mở hết công suất hoạt động. Tàu hút cát bên mỏ thuộc địa bàn xã Điện Thọ nhưng đường ống tận thu cát có thể xuyên qua đến xã Điện Trung. “Tranh thủ giờ nghỉ trưa, hay người dân lơ là mất cảnh giác, các tàu lén lút trộm cát ngay. Trên tuyến sông này có nhiều mỏ được cấp phép. Chính quyền thì quản lý được số tàu thuyền của doanh nghiệp đóng trên địa bàn, còn ghe thuyền của các mỏ khác ra vào rất lộn xộn, không tài nào quản nổi” - ông Tình nói.
Thất thoát tài nguyên
Trong chuyến giám sát các điểm mỏ cát ven sông Thu Bồn đoạn qua xã Điện Thọ (Điện Bàn) vào đầu tháng 6, đoàn giám sát của Ban Kinh tế - ngân sách HĐND tỉnh phát hiện hầu hết giám đốc điều hành mỏ đều vắng mặt tại hiện trường. Ông Đặng Tấn Phương, Phó Trưởng ban Kinh tế - ngân sách HĐND tỉnh cho hay, khâu kiểm đếm khối lượng cát xuất khỏi mỏ bằng tờ giấy kê khai của doanh nghiệp quá sơ sài, không thể chứng minh là minh bạch. Về nguyên tắc, giám đốc điều hành mỏ phải có mặt 24/24 giờ nhưng hoàn toàn ngược lại. Bằng mắt thường và cách tính đơn giản thì cũng rõ mười mươi cát lòng sông bị lấy đi rất nhiều lần so với khai báo của doanh nghiệp. Từ năm 2011 đến nay, chính quyền thị xã Điện Bàn đã xử phạt hơn 3,1 tỷ đồng đối với 406 cá nhân, tổ chức vi phạm liên quan đến hành vi khai thác, vận chuyển cát sỏi lòng sông. |
Cái khó cho quá trình kiểm tra, giám sát cát sỏi lòng sông Vu Gia - Thu Bồn là lẫn lộn giữa hoạt động hợp pháp và trái phép. Thực tế, lợi dụng sự quản lý lỏng lẻo của lực lượng chức năng, các tàu thuyền đội lốt doanh nghiệp được Nhà nước cấp phép đã lén lút tận thu cát sỏi lòng sông. Con số mà các doanh nghiệp khai báo về khối lượng cát xuất mỏ với cơ quan thuế bao giờ cũng thấp hơn con số thực tế khai thác để trốn thuế và được lợi nhiều hơn.
Công ty TNHH MTV Vận chuyển khai thác khoáng sản Phạm Thăng Long được UBND tỉnh cho phép khai thác với diện tích hơn 4,4ha tại thôn Phú Lạc (xã Duy Hòa, huyện Duy Xuyên) bằng phương pháp lộ thiên, với trữ lượng khai thác 32.000m3/năm. Tuy nhiên, theo báo cáo của công ty này, số tiền nộp ngân sách nhà nước năm 2016 chỉ hơn 138 triệu đồng; đóng góp tự nguyện của doanh nghiệp cho xã 137 triệu đồng. Theo doanh nghiệp này, qua sổ sách ghi chứng từ tính thuế, mỗi ngày chỉ xuất mỏ hơn 10 xe tải chở cát (mỗi xe chứa khoảng 10m3, tương đương hơn 100m3). Tuy vậy, chỉ chưa đầy 1 giờ đồng hồ có mặt tại khu vực mỏ của công ty, chúng tôi nhẩm tính đã có hơn 10 lượt xe tải chở cát đem đi tiêu thụ. Đại diện Chi cục Thuế huyện Duy Xuyên cho rằng, doanh nghiệp khai khoáng căn cứ trên hóa đơn để kê khai thuế, nhưng thực tế ăn gian rất nhiều. Hoàn toàn không có chuyện doanh nghiệp chỉ chở 7 - 10 xe cát mỗi ngày với khối lượng 100m3 như đã kê khai.
Nhìn ở góc độ cơ chế quản lý, ông Vũ Văn Thẩm - Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh thẳng thắn, cát lậu có “đất sống” vì siêu lợi nhuận. Giá cát bán tại các bến bãi quá thấp (dao động từ 40 - 50 nghìn đồng/m3), sẽ dẫn đến việc bán rẻ tài nguyên, thu lợi ít. Các bến bãi trái phép ngang nhiên tồn tại đã tiếp tay cho sa tặc. “Cách đánh giá trữ lượng cát sỏi lòng sông hiện nay quá mơ hồ, riêng cái ống hút cát thọc sâu xuống đáy sông cũng không trời nào giám sát nổi. Mật độ mỏ cát trên sông được cấp phép lại dày đặc. Nghịch lý là tiền thu khoáng sản cát sỏi được 1 tỷ đồng, thì Nhà nước phải bỏ ra hàng chục tỷ đồng để xây kè, chống sạt lở bờ sông. Câu chuyện kè sông ở xã Đại Cường (Đại Lộc) là một ví dụ điển hình” - ông Thẩm nêu bất cập.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, do nguồn vật liệu xây dựng bán trôi nổi trên thị trường thường có giá rẻ hơn nên một số công trình sẵn sàng tiêu thụ mà không cần biết nguồn gốc đầu vào như thế nào. Từng có một số doanh nghiệp xây dựng trên địa bàn tỉnh bị xử phạt do tiêu thụ nguồn cát không xuất xứ. Việc khai thác cát lậu ở sông Thu Bồn tồn tại dai dẳng do lợi nhuận khủng, còn những mỏ khai thác được cấp phép lại chật vật với việc chống phá giá của các đối tượng sa tặc. Hệ lụy là Nhà nước thất thu lớn về thuế và ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường. Tại huyện Duy Xuyên, lạ lùng là 9 mỏ khai thác cát lộ thiên lẫn dưới sông đều không thông qua hình thức đấu giá quyền khai thác khoáng sản theo luật định. Một cán bộ của Sở TN-MT giải thích, do thời điểm năm 2015 khi cấp phép cho các đơn vị chưa có thông tư hướng dẫn quyền đấu giá khai thác khoáng sản của Bộ TN-MT.
HỮU PHÚC
Bài 2: xung đột căng thẳng
Nhiều doanh nghiệp khai thác cát sỏi cố tình thực hiện không đúng theo đánh giá tác động môi trường, tạo ra xung đột căng thẳng với người dân địa phương.