Nhiều bất cập trong quản lý đất đai, khoáng sản
* Rà soát, sắp xếp lại quy hoạch khoáng sản
Sáng 8.6, Thường trực HĐND tỉnh làm việc với Sở Tài nguyên - môi trường chung quanh tình hình quản lý việc thăm dò, khai thác mỏ khoáng sản; làm rõ những vướng mắc khi thực hiện chính sách bồi thường, giải phóng mặt bằng, tái định cư khi nhà nước thu hồi đất; tình hình thực hiện cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ)... Các Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Võ Hồng và Nguyễn Hoàng Minh cùng chủ trì buổi làm việc.
Theo Sở Tài nguyên - môi trường, đến nay toàn tỉnh đã kê khai đăng ký và cấp được 760.608 GCNQSDĐ với tổng diện tích 445.582ha (đạt tỷ lệ hơn 97% so với tổng diện tích các loại đất cần cấp theo hiện trạng). Riêng từ đầu năm đến nay, cơ quan có thẩm quyền lập thủ tục cấp 17.439 GCNQSDĐ, trong đó ở các địa phương vùng đông 10.426 GCNQSDĐ. Hiện tại tỉnh đang thụ lý giải quyết hơn 2.000 hồ sơ, trong đó vùng đông của tỉnh hơn 1.000 hồ sơ. Các trường hợp chậm cấp giấy chủ yếu do hồ sơ phức tạp, lúng túng xác nhận nguồn gốc đất. Nhiều quy hoạch treo không được thực hiện nhưng không ra quyết định hủy bỏ quy hoạch, khi người dân có nhu cầu cấp giấy thì không thực hiện được... Riêng về thu hồi đất để thực hiện bồi thường, giải phóng mặt bằng, tái định cư, ngành chức năng cho rằng, còn nhiều vướng mắc khi thực hiện Luật Đất đai, nhất là giá đất tái định cư thường cao hơn giá đất được bồi thường. Phần lớn người dân vùng dự án kiến nghị hỗ trợ tiền chênh lệch sử dụng đất ở bố trí tái định cư đối với các lô thứ 2 trở lên chủ yếu ở các dự án đang triển khai ở vùng đông.
Theo Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Võ Hồng, công tác quản lý hiện trạng ở nhiều địa phương sau khi có thông báo thu hồi đất chưa nghiêm; lỏng lẻo trong quản lý hiện trạng nhất là xây mới, cơi nới, chiếm đất trái phép. Về nhiệm vụ sắp đến, Thường trực HĐND tỉnh yêu cầu Sở Tài nguyên - môi trường tiếp tục rà soát, thống kê đầy đủ số lượng hồ sơ cấp GCNQSDĐcòn tồn đọng và tập trung giải quyết dứt điểm để hoàn thành cơ bản chỉ tiêu cấp giấy cho tất cả các loại đất...
* Chiều cùng ngày, Ban Kinh tế ngân sách HĐND tỉnh làm việc với Sở Xây dựng và các sở, ngành liên quan đến tình hình thực hiện quy hoạch thăm dò, khai thác và sử dụng khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường giai đoạn đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030. Các Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Võ Hồng và Nguyễn Hoàng Minh tham dự.
Theo Sở Xây dựng, hiện trạng nguồn khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường gồm 717 điểm mỏ đã quy hoạch và các điểm mỏ mới điều tra với tổng diện tích 5.925ha. Thời điểm này, UBND tỉnh đã cấp 36 giấy phép mỏ khai thác cát sỏi lòng sông lẫn mỏ lộ thiên với diện tích hơn 152ha, trữ lượng hơn 5,6 triệu mét khối, chủ yếu tập trung ở các địa phương Điện Bàn, Đại Lộc, Duy Xuyên, Quế Sơn, Tiên Phước, Nông Sơn; cấp phép 46 giấy phép khoáng sản phục vụ đất san lấp.
Nhiều ý kiến cho rằng, còn bất cập trong quản lý cát sỏi lòng sông hiện nay, dễ gây thất thoát tài nguyên. Nhiều bến bãi lập trái phép vô hình trung tiếp tay hợp thức hóa cát lậu nhưng lực lượng chức năng chưa có giải pháp xử lý triệt để. Thêm nữa, cấp phép quá nhiều mỏ trên hệ thống sông Vu Gia - Thu Bồn cũng phát sinh nhiều hệ lụy gây sạt lở bờ sông, mất đất sản xuất người dân, ô nhiễm môi trường...
Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Võ Hồng cho rằng, thời gian qua việc cấp phép mỏ khai thác khoáng sản rất nhiều nhưng nguồn thu cho ngân sách rất thấp, phát sinh nhiều hệ lụy xấu ảnh hưởng đến môi trường. Cho nên Sở Xây dựng có trách nhiệm phối hợp với các ngành liên quan khẩn trương rà soát, sắp xếp quy hoạch, thăm dò và khai thác khoáng sản phù hợp theo lộ trình thời gian và sát nhu cầu thực tế.
H.PHÚC