Bị cô lập, người dân Qatar tích trữ lương thực
Nhiều nước láng giềng tuyên bố đóng cửa biên giới, nguồn cung một số mặt hàng lương thực tại Qatar bắt đầu khan hiếm khi nhu cầu tăng mạnh.
Những ngày này, các cửa hàng, siêu thị tại Qatar lúc nào cũng đông đúc khi người dân mua sắm tích trữ lương thực trong lúc cuộc khủng hoảng ngoại giao giữa Qatar và nhiều nước khác tại vùng Vịnh tiếp diễn. Bắt đầu từ ngày 5.6 vừa qua, một loạt các nước bao gồm Ả-rập Xê-út, Ai Cập, Các Tiểu vương quốc Ả-rập thống nhất (UAE), Bahrain, Yemen và sau đó nhiều nước làng giềng khác cắt đứt quan hệ với Qatar với lý do nước này “ủng hộ khủng bố và tuyên truyền các tư tưởng cực đoan”. Nhờ vào nguồn dầu mỏ khổng lồ, đất nước Qatar với dân số 2,6 triệu người là nơi có thu nhập bình quân đầu người cao ngất ngưởng: 129.700USD/năm. Tuy nhiên, quốc gia thuộc hàng giàu có nhất thế giới và nhỏ bé này lại nhập khẩu khoảng 90% lương thực từ các nước láng giềng. Do đó, cuộc khủng hoảng ngoại giao hiện nay có thể khiến Qatar đứng trước nguy cơ thiếu lương thực trầm trọng.
Bảy nước gồm Saudi Arabia, Các Tiểu vương quốc Ả-rập Thống nhất (UAE), Bahrain, Ai Cập, Libya, Yemen và Maldives tuyên bố chấm dứt quan hệ với Qatar hôm 5/6, cáo buộc Doha tài trợ cho khủng bố. Ảnh: Internet |
Sputnik ngày 7.6 dẫn truyền thông địa phương đưa tin Saudi Arabia đã đặt ra một số điều kiện để bình thường hóa quan hệ với Qatar trong bối cảnh rạn nứt ngoại giao và cho Doha 24 giờ để thực thi tất cả điều kiện này. Cụ thể, Qatar sẽ phải cắt đứt mọi quan hệ với Iran, trục xuất toàn bộ thành viên của nhóm khủng bố “Anh em Hồi giáo” và phong trào Hamas khỏi Qatar, đóng băng các tài khoản ngân hàng của những thành viên này và ngừng mọi quan hệ với những nhóm vũ trang mà Saudi Arabia coi là khủng bố. Ngoài ra, Saudi Arabia cũng đòi hỏi Doha phải thay đổi chính sách của hãng tin Al Jazeera, yêu cầu hãng này không tiếp tục thực hiện chiến dịch phản đối các nước vùng Vịnh và thế giới Ả-rập. |
Nhu cầu mua sắm lương thực của người dân Qatar lúc này còn cao hơn cả mùa lễ hội Ramadan dành cho người Hồi giáo. Không khí đổ xô mua sắm tích trữ lương thực chưa bao giờ xảy ra ở đất nước vùng Trung Đông này. Một người tiêu dùng cho biết, những mặt hàng như sữa, thịt gia cầm, chủ yếu nhập khẩu từ Ả-rập Xê-út đã được vét sạch tại các siêu thị. Truyền hình Al Jazeera đăng tải hình ảnh các xe tải chở lương thực xếp hàng dài tại biên giới khi không được phép đi vào Ả-rập Xê-út để nhập hàng trở về. Hôm thứ hai (5.6), UAE và Ả-rập Xê-út ngừng xuất khẩu một số mặt hàng lương thực sang Qatar, trong đó có đường trắng vốn cung cấp nhu cầu 100.000 tấn mỗi năm. Tuy nhiên, chính quyền Qatar lên tiếng trấn an rằng việc đóng cửa biên giới từ các nước láng giềng sẽ không ảnh hưởng đến cuộc sống hằng của người dân Qatar vì chính phủ đã có sự chuẩn bị cần thiết, đồng thời các cảng hàng không và đường biển vẫn mở rộng cho nhập khẩu lương thực vào Qatar. Các quan chức Iran cho biết, họ có thể xuất khẩu lương thực sang Qatar bằng đường biển và chỉ mất thời gian khoảng 12 tiếng đồng hồ.
Được biết, Bộ Lao động Philippines ngày 6.6 chính thức thông báo ngừng chương trình xuất khẩu lao động sang Qatar. Lệnh cấm sẽ ảnh hưởng đến các lao động đã được cấp giấy phép hoặc đang chuẩn bị lên đường. Ngoài ra, chính phủ Philippines cho biết sẽ hỗ trợ cho công dân nước này ở Qatar trong trường hợp thiếu hụt lương thực. Hiện có khoảng 200.000 công dân Philippines sinh sống và làm việc tại Qatar.
QUỐC HƯNG