Vi phạm hành lang an toàn giao thông đường bộ: Chưa giải quyết dứt điểm
Hành lang an toàn giao thông (ATGT) đường bộ đã, đang tiếp tục bị xâm hại. Việc triển khai lập lại trật tự theo đúng lộ trình mà Quyết định số 994/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ban hành khó thành công, nếu nhiều tồn tại chưa được tháo gỡ.
Còn nhiều tồn tại
Đến năm 2016, chiều dài của hệ thống quốc lộ (QL) và tỉnh lộ (ĐT) trên địa bàn tỉnh là 988km. Trong đó, hệ thống QL phát triển mạnh với 7 tuyến chiếm gần 700km. Tuy nhiên, điều dễ nhận thấy các tuyến, nhất là QL mà trung ương ủy thác cho tỉnh quản lý đều chật hẹp. Nguyên nhân được xác định một phần là vì không được quan tâm đầu tư nâng cấp, mở rộng. Cạnh đó, hành lang ATGT ven các tuyến đường này những năm về trước bị xâm hại nghiêm trọng. Theo ông Trương Khuê - Chánh Văn phòng Ban ATGT tỉnh, người dân sử dụng lòng đường, vỉa hè dựng lều quán, ki ốt, đặt biển báo phục vụ cho mục đích kinh doanh diễn ra khá phổ biến. Nhà ở thì xây dựng trên đất hành lang ATGT đường bộ, cây cối trồng ven tuyến “lấn” tầm nhìn của người tham gia giao thông.
Buôn bán, đặt biển quảng cáo lấn chiếm hành lang ATGT trên QL1. Ảnh: C.T |
QL1 mở rộng qua địa bàn Quảng Nam chưa tương xứng với lưu lượng tham gia giao thông hiện tại. Đã vậy, tái diễn tình trạng nhân dân ven đường lấn chiếm hành lang. Ngành giao thông vận tải (GTVT) từng khẳng định, hành lang giao thông bị lấn chiếm đã làm phá vỡ quy hoạch, tạo ra các xung đột bất ngờ gây mất an toàn cho người và phương tiện, giảm năng lực khai thác; đồng thời khiến khâu bảo trì gặp khó khăn. Để cải thiện tình hình, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1856/QĐ-TTg về kế hoạch lập lại trật tự hành lang ATGT đường bộ và đường sắt. Các ban ngành, lực lượng chức năng của tỉnh phối hợp cùng chính quyền các địa phương triển khai nhiều biện pháp nhằm chấn chỉnh việc lấn chiếm, tái lấn chiếm, sử dụng trái phép hành lang ATGT. Tuy nhiên, khâu thực hiện chẳng hề dễ dàng, hành vi vi phạm ngày càng phức tạp. Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng Giám đốc Công ty CP Công trình GTVT Quảng Nam - ông Nguyễn Tuấn Anh cho biết, doanh nghiệp được giao nhiệm vụ quản lý, bảo trì các tuyến ĐT và 5 tuyến QL do trung ương ủy thác (14B, 14D, 14E, 40B và 24C). Thế nhưng, đơn vị gặp nhiều thách thức trong công tác quản lý hành lang và xử lý trường hợp phát sinh. Ông Nguyễn Tuấn Anh từng viện dẫn, vấn đề giải tỏa các công trình xây dựng trong hành lang ATGT hầu như chỉ làm… bằng miệng. Do lịch sử để lại, nhiều nhà ở có trước khi nâng cấp, cải tạo các tuyến đường. Muốn giải tỏa “giành” lại hành lang ATGT, Nhà nước không triển khai được vì thiếu kinh phí bồi thường, hỗ trợ.
Giải pháp cần khả thi
Lãnh đạo Thanh tra Sở GTVT cho biết, thời gian tới đơn vị sẽ phối hợp với Phòng Quản lý hạ tầng giao thông (Sở GTVT) đi đến từng địa phương để tiến hành ký cam kết, triển khai nhiệm vụ. Có như vậy, mới ràng buộc được trách nhiệm của chính quyền cơ sở. Tránh sự việc một số hộ người dân tộc thiểu số vi phạm hành lang QL, ĐT, địa phương vì ngại va chạm nên “đùn đẩy” trách nhiệm cho Thanh tra Sở GTVT. Ngoài ra, công tác tuần tra phải tiếp tục đi đôi với vận động, tuyên truyền. Đặc biệt, nguồn kinh phí lập lại trật tự hành lang phải đảm bảo khả thi, nếu không lại rơi vào tình trạng “đánh trống bỏ dùi” và kéo dài. |
Chúng tôi xin được nhắc lại, tháng 6.2014, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục ban hành Quyết định số 994/QĐ-TTg về phê duyệt kế hoạch lập lại trật tự hành lang ATGT đường bộ, đường sắt giai đoạn 2014 - 2020. Văn bản đặt ra 2 mốc thời gian chính, gồm từ năm 2014 đến hết năm 2017 và từ năm 2018 đến cuối năm 2020. Kinh phí được bố trí từ ngân sách nhà nước theo phân cấp hiện hành và các nguồn vốn hợp pháp khác. Để triển khai Quyết định số 994/QĐ-TTg, UBND tỉnh đã kiện toàn và ban hành quyết định thành lập Tổ công tác liên ngành cấp tỉnh triển khai nhiệm vụ. Riêng trên đường bộ, tổ công tác đã tiến hành tuyên truyền, phổ biến các quy định pháp luật liên quan; rà soát, thống kê, phân loại các loại đất, công trình và cây cối chưa bồi thường; lập quy hoạch điều chỉnh, bổ sung hệ thống đường gom, điểm đấu nối với QL; thu hồi phần đất bảo vệ, bảo trì và đền bù; cắm mốc giải phóng mặt bằng và mốc lộ giới... Thực hiện chức trách, nhiệm vụ của mình, Thanh tra Sở GTVT ngoài việc tuần tra, kiểm soát đã luôn chú trọng khai thác, sử dụng tin báo từ nhân dân, báo cáo của tuần đường để ngăn chặn hành vi vi phạm. Nhờ vậy, mấy tháng gần đây, lực lượng chức năng phát hiện 6 trường hợp đấu nối trái phép vào QL, ĐT, lấn chiếm để thi công san lấp mặt bằng trong hành lang ATGT đường bộ; ra quyết định xử phạt 111 triệu đồng. Riêng năm 2016, người có trách nhiệm còn xử phạt tuần đường thiếu sâu sát, báo cáo không kịp thời hành vi vi phạm của người dân trên tuyến ĐT614, ĐT615.
Thời gian qua, Công ty CP Công trình GTVT Quảng Nam cùng địa phương tiến hành rà soát, thống kê phân loại đất, công trình, cây cối nằm trong đất của đường bộ hoặc đất hành lang ATGT đường bộ theo thời gian vi phạm để xây dựng kế hoạch bồi thường, hỗ trợ thu hồi đất. Tuy nhiên, nhiều tồn tại hiện hữu đang gây cản trở cho quá trình triển khai lập lại trật tự hành lang ATGT đường bộ. Theo Chánh Thanh tra Sở GTVT Võ Quang Lâm, lực lượng chức năng trong lúc tuần tra, kiểm soát phát hiện các hộ khai thác keo trồng ven QL đã mở đường nhánh trái phép, song khó xử lý do không xác định chính xác đối tượng cầm đầu. Hầu hết quyết định xử phạt đều được đối tượng vi phạm, nhất là tổ chức, doanh nghiệp chấp hành. Song đến lúc buộc khắc phục hậu quả thì họ lại không tuân thủ. “Chúng ta phải tiến hành cưỡng chế, lực lượng có đủ công an, viện kiểm sát… Nhưng kinh phí đâu để thực hiện?” - ông Võ Quang Lâm đặt vấn đề.
Mới đây, Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã có văn bản đề nghị các Cục Quản lý đường bộ, Sở GTVT quản lý ủy thác QL chưa có quy chế thì tham gia dự thảo quy chế để xây dựng, tổ chức ký kết với chính quyền các cấp thực hiện ngăn chặn, xử lý vi phạm hành lang ATGT đường bộ. Nếu đã có thì cần thiết rà soát lại quy chế, hoặc tham khảo quy chế do Tổng cục Đường bộ Việt Nam dự thảo để sửa đổi bổ sung và tiến hành ký kết.
CÔNG TÚ