Hướng dẫn viên du lịch bản địa

QUẾ HÀ 05/06/2017 09:09

Sở hữu hai di sản văn hóa thế giới cùng nhiều di sản văn hóa phi vật thể, vật thể, nhiều di tích, danh thắng, nên du lịch Quảng Nam hàng năm thu hút đông đảo du khách trong và ngoài nước. Hiện nay, loại hình du lịch cộng đồng đang ngày càng hấp dẫn, vì vậy phát triển đội ngũ hướng dẫn viên du lịch là người địa phương sẽ tạo ra động lực mới trong lĩnh vực này. Bởi, người dân bản địa có được những kinh nghiệm và kiến thức truyền thống được đúc kết từ bao đời. Bên cạnh đó, là những người được hưởng lợi trực tiếp từ các di sản do thiên nhiên và tổ tiên để lại, vì vậy họ sẵn sàng cộng tác tích cực, đôi khi không cần lợi nhuận.

Lâu nay, nhiều danh lam, thắng cảnh, di tích lịch sử ở Quảng Nam cũng đã có hướng dẫn viên du lịch là người địa phương đồng hành. Như ở rừng dừa Bảy Mẫu (Hội An) có ông Trần Chóng, từng hoạt động tại căn cứ cách mạng này. Khi làm hướng dẫn viên du lịch, ông có thể giúp du khách hiểu rõ cuộc sống chiến đấu ở vùng căn cứ này trong những năm kháng chiến. Hay khi tham quan Hòn Kẽm Đá Dừng (Hiệp Đức), du khách sẽ nghe được những câu chuyện như cổ tích, mang hơi hướm huyền thoại, như sự tích về Vũng Tăm, Ba Hang, Cổ Ngựa, Nước Mắt, Gành Tiên, Khe Nghiêng, Đá Dựng… Vừa chèo thuyền vừa làm hướng dẫn viên, chính người dân nơi đây sẽ đưa du khách trở về với thế giới cổ tích, thần tiên vừa ngắm non nước hữu tình… Đến với làng bản vùng cao các huyện Tây Giang, Đông Giang, du khách được chính đồng bào Cơ Tu bản địa vừa hướng dẫn tham quan, kiêm “đầu bếp”, đồng thời là người làm ra sản phẩm thủ công truyền thống. Chính họ sẽ giúp du khách trải nghiệm công việc hàng ngày của đồng bào như dệt thổ cẩm, làm các nhạc cụ truyền thống, nấu rượu, bắt cá, gói bánh… Sử dụng người bản địa làm hướng dẫn viên du lịch là cách làm sáng tạo, sinh động để thu hút khách tham quan.

Quảng Nam là vùng đất lý tưởng cho các loại hình du lịch nghỉ dưỡng, sinh thái, văn hóa - tâm linh, du lịch mạo hiểm... Phần lớn điểm đến trên địa bàn tỉnh gắn với các vùng biển đảo, vùng miền núi, nông thôn, nơi có nhiều di tích, danh lam, thắng cảnh. Người dân bản địa là nguồn lực lao động dồi dào có thể tham gia hoạt động du lịch, dịch vụ. Tuy nhiên, việc sử dụng hướng dẫn viên du lịch người địa phương gặp nhiều khó khăn. Trước hết là sự chưa tương xứng giữa trình độ năng lực của họ với yêu cầu đòi hỏi của công việc. Bởi ngoài vai trò là nhân chứng sống hiểu biết về phong tục, tập quán nơi sinh sống,  họ cần phải hiểu sâu về văn hóa, lịch sử, có khả năng giao tiếp, và điều không thể thiếu là thông thạo ngoại ngữ...

Những giá trị truyền thống, những nghệ nhân dân gian, làng nghề, những nhân chứng sống ngày càng hiếm. Nếu không có một chiến lược giữ gìn và truyền nghề, đến một lúc nào đó lớp trẻ chỉ biết đến văn hóa, lịch sử qua sách vở. Vì vậy cần phải quan tâm bổ túc cho hướng dẫn viên du lịch người địa phương những kiến thức về văn hóa làng nghề. Và cũng nên gắn chương trình xây dựng nông thôn mới với phát triển du lịch cộng đồng, đây là điều cần ưu tiên đầu tư. Sự kết hợp này sẽ tạo nên bộ mặt mới cho nông thôn, góp phần xây dựng môi trường văn hóa, văn minh ở các làng quê, tăng thu nhập của người dân… Khi người dân làm du lịch thông qua công việc chăn nuôi, trồng trọt, phát triển làng nghề truyền thống, kết hợp với làm dịch vụ du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng... sẽ đảm bảo sự hài hòa giữa phát triển du lịch với việc bảo vệ môi trường, di sản văn hóa. Đó chính là cách thức phát triển bền vững.
Trải nghiệm đời sống cùng người dân địa phương là xu hướng du lịch đang được du khách ưa thích. Trong xu thế đó, phát triển đội ngũ hướng dẫn viên du lịch bản địa sẽ làm cho loại hình du lịch này thêm hấp dẫn, đem lại hiệu quả cao hơn.

QUẾ HÀ

_____________________

Tác phẩm dự thi "Đồng hành với di sản Quảng Nam"

QUẾ HÀ