Festival di sản và thương hiệu du lịch Quảng Nam
Festival di sản đã trở thành một thương hiệu đặc trưng của du lịch Quảng Nam. Qua mỗi kỳ festival, Quảng Nam không chỉ quảng bá, giới thiệu điểm đến, thu hút các nhà đầu tư mà còn tạo cơ hội bảo tồn các di sản, tăng thu nhập cho người dân, doanh nghiệp, đồng thời thúc đẩy sự cộng đồng trách nhiệm của doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững của du lịch Quảng Nam.
MỘT TRIỆU KHÁCH FESTIVAL
Festival Di sản Quảng Nam lần thứ VI - 2017 sắp đến được kỳ vọng thu hút khoảng 1 triệu lượt khách tham quan và lưu trú. Để hiện thực hóa mục tiêu này, ngành du lịch tỉnh và một số địa phương cùng các doanh nghiệp đã triển khai nhiều giải pháp tích cực.
|
Thông qua festival di sản sẽ quảng bá các giá trị văn hóa, du lịch, điểm đến Quảng Nam với du khách và nhà đầu tư, hướng đến thúc đẩy du lịch Quảng Nam phát triển.Ảnh: VĨNH LỘC |
Trong buổi làm việc với các thành viên Ban Tổ chức Festival Di sản Quảng Nam lần thứ VI năm 2017 để nghe báo cáo công tác chuẩn bị, Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Văn Thu khẳng định, festival là một sự kiện lớn của tỉnh, mang tầm quốc tế, không chỉ quảng bá tinh hoa di sản văn hóa, thúc đẩy phát triển ngành du lịch mà còn là cơ hội thu hút các nhà đầu tư lớn đến tìm hiểu thị trường tiềm năng Quảng Nam. Đặc biệt, festival lần này đặt ra mục tiêu phấn đấu thu hút khoảng 1 triệu lượt khách tới tham dự, tham quan và lưu trú trên địa bàn tỉnh.
Tăng cường khuyến mãi
Để hoàn thành chỉ tiêu này, ngay từ cuối năm 2016 công tác truyền thông, quảng bá giới thiệu festival đến du khách, doanh nghiệp, báo chí tại Quảng Nam, Đà Nẵng và hai đầu đất nước đã được triển khai mạnh mẽ. Tỉnh đã họp báo công bố Festival Di sản Quảng Nam lần thứ VI - 2017 tại Tam Kỳ và Hà Nội; xây dựng phim, cung cấp thông tin festival cho gần 200 công ty du lịch tại Đà Nẵng; in ấn tập gấp giới thiệu lễ hội tại các hội chợ, triển lãm du lịch trong và ngoài nước… Đặc biệt, trong 5 ngày diễn ra lễ hội (9-14.6) các điểm di sản thế giới như Đô thị cổ Hội An, Khu đền tháp Mỹ Sơn và Cù Lao Chàm đều miễn phí vé tham quan. Ngoài ra, khách theo tour cũng được giảm giá suất ăn; giảm giá mua sắm tại một số shop, cửa hàng… Riêng một số điểm du lịch phía nam và phía tây của tỉnh như Tam Kỳ, Phú Ninh… cũng sẽ có chương trình khuyến mãi, giảm giá như tặng voucher phòng ngủ một đêm khách sạn 4 sao tại Tam Kỳ cho 100 khách đầu tiên đăng ký tour đến phía nam và phía tây của tỉnh; giảm đến 20% giá các dịch vụ nhà hàng hải sản tại bãi biển Tam Thanh; giảm đến 20% dịch vụ spa tại khu nghỉ dưỡng biển Tam Thanh; giảm 30% giá vé tham quan cùng tất cả dịch vụ trong Khu du lịch sinh thái hồ Phú Ninh. Bên cạnh đó, cũng sẽ tính giá ưu đãi đặc biệt cho tất cả tour trọn gói đến các điểm du lịch thuộc 3 huyện Đông Giang, Nam Giang và Tây Giang…
Với các doanh nghiệp du lịch và hãng hàng không, phần lớn cũng đã tích cực hưởng ứng chính sách kích cầu du lịch của tỉnh. Nhiều đơn vị lưu trú tại Hội An đã bắt đầu triển khai các chương trình khuyến mãi như giảm giá phòng 25 - 40%; tặng quà, voucher… nhằm tích cực thu hút khách đến. Cụ thể, khách sạn Đèn Lồng giảm giá phòng 20 - 40% tùy vị trí phòng, hay Hoi An Travel giảm 20% giá cho những khách tham quan theo tour hành trình di sản tại làng rau Trà Quế, Cù Lao Chàm. Ngoài ra, có thể kể đến một số đơn vị lữ hành trong và ngoài tỉnh như Công ty TNHH Dịch vụ du lịch Hoa Hồng (Hội An); Công ty CP Du lịch Việt Nam - Vitours (Đà Nẵng); Công ty CP Du lịch thương mại quốc tế Năm Châu (Hà Nội)… cũng đều có chính sách khuyến mãi trong dịp này.
Tổng hợp nhiều giải pháp
Có thể thấy, việc hiện thực hóa con số 1 triệu lượt khách tham quan, lưu trú tại Quảng Nam dịp festival là điều có thể đạt được nếu các giải pháp trên phát huy hiệu quả. Theo ông Đinh Hài – Giám đốc Sở VH-TT&DL, ngoài những chương trình kích cầu và các chế độ ưu đãi từ phía nhà nước và doanh nghiệp thì nhiều giải pháp tổng hợp cũng được triển khai đồng loạt thời gian trước và trong lễ hội. Ông Hài nói: “Thứ nhất, chú trọng việc tăng tính hấp dẫn của các sản phẩm. Thứ hai, làm tốt công tác truyền thông. Thứ ba, phối hợp với các công ty du lịch, công ty vận chuyển. Đồng thời cũng có chính sách về giá vận chuyển, kể cả những chuyến xe miễn phí tham quan nội tỉnh… để tạo điều kiện cho khách. Ngoài ra, để có một triệu lượt khách ở đây không phải chỉ là khách lưu trú, tham quan du lịch mà còn phải kể tới khách tham dự các hoạt động và quần chúng nhân dân nữa. Do đó, mình phải làm thế nào cho nó hấp dẫn để đạt được mục tiêu này”.
Theo tính toán, chỉ riêng việc miễn phí tham quan Đô thị cổ Hội An trong 6 ngày diễn ra festival đã trị giá khoảng 5 tỷ đồng, chưa kể số tiền miễn vé tại Cù Lao Chàm và Mỹ Sơn. Ông Phan Hộ - Giám đốc Ban Quản lý di sản văn hóa Mỹ Sơn cho biết, không chỉ miễn vé tham quan khu đền tháp ngày khai mạc, tối 10.6 tại đây cũng diễn ra chương trình “Đêm huyền thoại Apsara” do đội văn nghệ dân gian Chăm Mỹ Sơn phối hợp với Đoàn nghệ thuật Chăm Ninh Thuận biểu diễn như là một sản phẩm du lịch mới lạ phục vụ khách. “Hy vọng đây sẽ là một sản phẩm du lịch hấp dẫn để thu hút khách đến Mỹ Sơn cũng như festival di sản lần này” - ông Hộ chia sẻ. Theo ông Võ Văn Vân - Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Quảng Nam, do ý thức được mục tiêu festival lần này nên hầu hết doanh nghiệp, nhất là thành viên hiệp hội đều nhiệt tình hưởng ứng với tinh thần trách nhiệm cao nhất nhằm hiện thực hóa chỉ tiêu đón 1 triệu lượt khách. Do đó, bên cạnh chương trình khuyến mãi mùa thấp điểm thì các đơn vị cũng triển khai chế độ khuyến mãi riêng cho festival. “Hầu hết đơn vị đều đã đăng ký giảm giá cho doanh nghiệp lữ hành gửi khách theo tour với mức giảm 10 - 15% để chung tay đưa khách đến Quảng Nam dịp festival càng nhiều càng tốt. Hy vọng với sự vào cuộc và cộng đồng trách nhiệm của hiệp hội và doanh nghiệp du lịch, mục tiêu đón 1 triệu lượt khách tham quan, tham dự festival sẽ trở thành hiện thực ” - ông Vân nói.
DOANH NGHIỆP ĐỒNG HÀNH
Festival vừa là cơ hội đồng thời cũng thể hiện trách nhiệm của doanh nghiệp với quê hương. Thông qua lễ hội các doanh nghiệp du lịch Quảng Nam không chỉ kết nối với đối tác mà còn thể hiện trách nhiệm với cộng đồng khi tự bỏ tiền đứng ra tổ chức nhiều sự kiện văn hóa du lịch tầm cỡ.
Tận dụng cơ hội
Hai sự kiện nhận được quan tâm của nhiều doanh nghiệp du lịch tại Festival Di sản Quảng Nam lần thứ VI - 2017 chính là Diễn đàn du lịch miền Trung - Tây Nguyên và Hội nghị xúc tiến đầu tư các sản phẩm du lịch Quảng Nam. Dự kiến, sẽ có hơn 200 đại biểu đại diện các cơ quan trung ương, địa phương, báo chí, doanh nghiệp và các tổ chức quốc tế tham dự. Riêng về phía doanh nghiệp đã có gần 80 công ty lữ hành, lưu trú, vận chuyển, các nhà đầu tư trong và ngoài tỉnh tham gia. Theo ông Huỳnh Tấn Quốc - Phó Tổng giám đốc Công ty Hùng Cường (đơn vị quản lý Khu du lịch sinh thái hồ Phú Ninh), hội nghị sẽ là cơ hội cho nhà đầu tư và các doanh nghiệp địa phương kết nối xây dựng những sản phẩm mới cho tương lai, nhất là phía nam của tỉnh. “Với tư cách cá nhân, tôi mong muốn khu vực phía nam sẽ có nhiều nhà đầu tư hơn nữa để có thêm những sản phẩm du lịch hấp dẫn, kết nỗi thành chuỗi, vì lúc đó chắc chắn hồ Phú Ninh cũng sẽ hưởng lợi. Tất nhiên, để làm được điều này cần nhiều yếu tố, ngoài nhà đầu tư thì chính sách, sự quan tâm của lãnh đạo tỉnh cũng như địa phương là quan trọng. Tôi cho rằng Diễn đàn du lịch miền Trung - Tây Nguyên và Hội nghị xúc tiến đầu tư các sản phẩm du lịch Quảng Nam là 2 sự kiện rất ý nghĩa cho doanh nghiệp trong chuỗi các hoạt động festival lần này” - ông Quốc nói.
Tham gia Festival tơ lụa sẽ giúp doanh nghiệp khẳng định được thương hiệu cũng như góp phần cộng đồng trách nhiệm với lễ hội. Ảnh: VĨNH LỘC |
Nhiều doanh nghiệp mong muốn qua hội nghị xúc tiến, sẽ có một sự đổi mới, phát triển nhằm tạo ra những sản phẩm du lịch đột phá cho phía nam nói riêng và Quảng Nam nói chung, mang lại những hiệu quả cụ thể. Ông Lê Ngọc Tường – Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL - cho rằng, bên cạnh các mục tiêu về giao lưu văn hóa, giới thiệu tiềm năng du lịch, quảng bá điểm đến…, nhiều hoạt động tại festival đều hướng đến doanh nghiệp và sự phát triển du lịch Quảng Nam vì vai trò của doanh nghiệp rất quan trọng. “Quảng Nam làm festival một phần cũng vì doanh nghiệp. Tại đó, doanh nghiệp không chỉ được hưởng lợi mà cũng đã tích cực tham gia các hoạt động lễ hội với tinh thần trách nhiệm cao nhất. Có thể khẳng định, một sự kiện mà có sự tham gia của nhiều doanh nghiệp thì điều đó chứng tỏ sự đồng tình của họ, và doanh nghiệp cũng đã ý thức được việc tổ chức festival sẽ đem lại ích lợi cho cộng đồng doanh nghiệp nên đã nhiệt tình tham gia, vì nếu không thì họ đã đứng ngoài cuộc” - ông Tường nói.
Doanh nghiệp “lo” sự kiện
Festival năm nay sẽ có 5/23 sự kiện do doanh nghiệp đứng ra lo toàn bộ hoặc một phần kinh phí, Nhà nước chỉ hỗ trợ về mặt bằng, an ninh trật tự, y tế, điện nước, khách mời tham dự… Nổi bật, có thể kể đến “Festival tơ lụa, thổ cẩm Việt Nam và thế giới”; “Liên hoan ẩm thực quốc tế”; “Festival thuyền kayak các câu lạc bộ toàn quốc mở rộng”… Kinh phí tổ chức những sự kiện này dự trù từ vài trăm triệu đến vài tỷ đồng. Theo ông Lê Thái Vũ - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tơ lụa Quảng Nam, mục đích của đơn vị khi tổ chức Festival tơ lụa, ngoài giúp mang đến sự đa dạng hoạt động cho festival và kêu gọi đầu tư vào sản phẩm tơ lụa, thổ cẩm Quảng Nam, còn hướng đến thúc đẩy giao thương nghề lụa, từ đó định hình sản phẩm tơ lụa của Quảng Nam và Việt Nam theo hướng phù hợp nhằm phát triển, cạnh tranh với thế giới. “Chúng tôi tổ chức sự kiện này, trước mắt là khẳng định thương hiệu công ty, sau đó cũng là cách thể hiện trách nhiệm với cộng đồng qua việc dùng lợi nhuận mình làm ra để kết nối với các làng nghề trong nước, nhất là những làng nghề lụa ở Quảng Nam, góp phần phục hưng nghề lụa, do đó festival tơ lụa năm nay được nhiều nhà chuyên môn và du khách quan tâm, ủng hộ” - ông Vũ chia sẻ.
Liên hoan ẩm thực quốc tế cũng do doanh nghiệp tự bỏ tiền túi ra tổ chức. Bà Trịnh Diễm Vy - Chủ tịch Công ty TNHH Tổ chức sự kiện ẩm thực Hội An - cho biết, chi phí tổ chức liên hoan dự kiến khoảng 1 tỷ đồng, chủ yếu của đơn vị. “Nếu nói hiệu quả của liên hoan ẩm thực trong festival di sản lần này, thì sẽ không thể đong đếm được. Về phía doanh nghiệp thì sẽ quảng bá tên tuổi, nhất là trong việc đóng góp cho nền ẩm thực địa phương, ẩm thực Việt. Còn về phía Hội An và tỉnh Quảng Nam cũng có được những sản phẩm tốt thu hút khách. Tóm lại, tất cả đều vì một festival phong phú, hấp dẫn, nhất là để ẩm thực Hội An, Quảng Nam lan tỏa nhiều hơn” - bà Vy nói. Tương tự, Giải đua thuyền kayak, quy tụ khoảng 120 vận động viên trong và ngoài nước, kinh phí hơn 800 triệu đồng, trong đó 50% kinh phí tổ chức là do Công ty Hùng Cường hỗ trợ. Theo ông Huỳnh Tấn Quốc - Phó Tổng giám đốc Công ty Hùng Cường, thông qua hoạt động này, doanh nghiệp sẽ được nhiều cái lợi như quảng bá hình ảnh, quảng bá sản phẩm, đặc biệt tạo ra hiệu ứng về việc kết hợp du lịch và thể thao, tạo tiền đề cho mô hình du lịch thể thao sau này.
Ngoài ra, còn có thể kể đến sự hỗ trợ, giảm giá vé vận chuyển từ các hãng vận tải, hãng hàng không. Đặc biệt, sự ủng hộ gần 600 phòng ở từ các đơn vị lưu trú tại Hội An và Tam Kỳ. Ông Lê Ngọc Tường khẳng định: “Qua những kỳ festival, doanh nghiệp đã dần ý thức trong việc cùng với Nhà nước xây dựng sản phẩm, giới thiệu hình ảnh du lịch Quảng Nam, nên tôi nghĩ về lâu dài Nhà nước cũng nên lui dần ra trong việc tổ chức các sự kiện tương tự, mà chỉ đóng vai trò định hướng, hỗ trợ” - ông Tường nói.
ĐỊNH VỊ THƯƠNG HIỆU
Qua 6 kỳ tổ chức, Festival Di sản Quảng Nam trở thành một thương hiệu du lịch của tỉnh với quy mô và chất lượng ngày càng cao. Festival đã góp phần định vị thương hiệu du lịch Quảng Nam trong lòng du khách trong và ngoài nước.
Nếu lễ hội lần đầu tiên vào năm 2003 với tên gọi Quảng Nam - Hành trình di sản là sự khởi đầu nhằm hướng đến kết nối hai di sản văn hóa thế giới là Đô thị cổ Hội An và Khu đền tháp Mỹ Sơn, thì đến Lễ hội Quảng Nam - Hành trình di sản lần thứ 3 (2007), nội dung và quy mô lễ hội đã có sự thay đổi. Với chủ đề “Quảng Nam - Hội ngộ di sản văn hóa Đông Dương”, lần đầu tiên những giá trị văn hóa gắn với di sản 2 nước Lào và Campuchia như Watphou, Luangprabang, Angkor đã được giới thiệu đến người dân và du khách tại Quảng Nam. Tuy vậy, sự chuyển biến mang tính bước ngoặt chính là lễ hội lần thứ 5 (2013), đây cũng là lần đầu tiên lễ hội có sự thay đổi với tên gọi mới “Festival Di sản Quảng Nam”. Cùng với đó, định kỳ tổ chức cũng thay đổi, từ 2 năm thành 4 năm một lần; không gian lễ hội cũng mở rộng lên các huyện miền núi phía tây của tỉnh. Đến Festival Di sản lần thứ VI - 2017, đã thực sự trở thành kỳ lễ hội có quy mô lớn kể cả không gian và sự kiện hoạt động, thu hút sự tham gia của hàng nghìn diễn viên, khách mời đến từ 23 quốc gia và vùng lãnh thổ cùng hơn 30 đoàn nghệ thuật, khách mời trong nước.
Du khách đến Quảng Nam tăng cao sau mỗi kỳ lễ hội nhờ thương hiệu festival di sản.Ảnh: VĨNH LỘC |
Ông Đinh Hài - Giám đốc Sở VH-TT&DL khẳng định, có thể mọi sự so sánh đều khập khiễng, nhưng phải nhìn nhận qua 6 lần tổ chức, Festival Di sản Quảng Nam đã có một thương hiệu riêng và được nhiều người quan tâm chờ đợi. Do đó, việc bây giờ là phải làm thế nào cho lễ hội tốt hơn và có tác dụng thiết thực hơn với người dân, doanh nghiệp và du khách. “Mỗi kỳ festival đều có mục đích, ý nghĩa và quy mô khác nhau, nhưng chủ yếu cũng xoay quanh các di sản. Chỉ khác là không gian lễ hội và quy mô hoạt động đã lớn hơn, các đoàn tham dự cũng nhiều hơn. Qua đó khẳng định thương hiệu festival di sản cũng trở nên rõ nét hơn” - ông Hài nói. Cũng theo ông Hài, nếu những kỳ tổ chức lễ hội trước chủ yếu gói gọn trong 2 di sản thế giới Mỹ Sơn và Hội An thì đến festival di sản lần này không gian lễ hội đã được mở rộng ra 7 địa phương là Tam Kỳ, Hội An, Phú Ninh, Duy Xuyên, Điện Bàn, Tây Giang và Nam Trà My với các hoạt động đặc trưng từ rừng đến biển nhằm giới thiệu đến du khách và các nhà đầu tư biết rằng Quảng Nam không chỉ có các di sản thế giới mà còn có các di sản thiên nhiên núi rừng, biển, đảo…
Thống kê cho thấy, sau mỗi kỳ fesival, cùng với việc hình thành những điểm đến, sản phẩm du lịch mới, thì lượng khách tham quan cũng có sự tăng trưởng cao. Đơn cử như năm 2012 lượng khách đến Quảng Nam chỉ gần 2,9 triệu lượt, qua năm 2013 (năm diễn ra Festival Di sản lần thứ V) số khách tham quan, lưu trú đã tăng lên 3,4 triệu lượt, vượt 20,64% so với cùng kỳ. Con số này tiếp tục gia tăng qua từng năm để đến năm 2016 đạt hơn 4,1 triệu lượt khách. Riêng trong festival lần này Quảng Nam đặt ra mục tiêu đón 1 triệu lượt khách tham quan, tham dự lễ hội, như một sự khẳng định về thương hiệu festival di sản riêng có của xứ Quảng. Đặc biệt, qua festival, thương hiệu du lịch Quảng Nam nói chung và di sản Hội An, Mỹ Sơn nói riêng hiển nhiên trở thành điểm đến không thể bỏ qua của du khách trên hành trình khám phá miền Trung.
Theo ông Trần Lực - Phó Giám đốc Saigontourist, chi nhánh Đà Nẵng, hầu hết khách tàu biển của đơn vị khi cập cảng Đà Nẵng đều có mong muốn tham quan di sản thế giới Hội An vì thương hiệu Hội An quá hấp dẫn, dù thời gian của khách tàu biển không nhiều. “Festival di sản đã và đang là một thương hiệu nổi tiếng, riêng có của Quảng Nam. Tuy vậy, để xây dựng festival di sản trở thành một thương hiệu du lịch mạnh, ngoài hoàn thiện, làm tốt các sản phẩm hiện có, trong tương lai cũng nên tính toán thời điểm, thời gian tổ chức hợp lý, có hoạt động trọng điểm, tránh dàn trải” - ông Lực chia sẻ.
VĨNH LỘC