"Cây cổ thụ" giữa đại ngàn

M.PHƯỜNG - TR.NHAN 02/06/2017 09:01

Ở tuổi 87, già Bling Đáp (thôn Abanh 1, xã Tr’Hy), huyện Tây Giang vẫn gương mẫu đi đầu trong phong trào sản xuất ở địa phương, là “cây cổ thụ” giữa đại ngàn để dân làng noi theo.

VƯỢT qua chặng đường dài, lên dốc xuống dốc, chúng tôi lần tìm được nhà già Bling Đáp theo sự hướng dẫn của Chủ tịch Hội Nông dân xã Tr’hy. Căn nhà già Bling Đáp nổi bật giữa làng, khang trang, đầy đủ tiện nghi. Tiếp khách xa, già Đáp cười hiền: “Sắp gần đất xa trời, vợ chồng tôi mới cất được căn nhà này, thành quả của cả đời người. Vợ chồng tôi cũng đã đỡ vất vả nhiều rồi, con cái đã yên bề gia thất, có cuộc sống khấm khá, đó là niềm vui tuổi già rồi còn gì”.

Già Bling Đáp cho cá ăn. Ảnh: TR.NHAN
Già Bling Đáp cho cá ăn. Ảnh: TR.NHAN

Không chỉ người dân thôn Abanh 1, mà nhiều người ở  Tây Giang cũng nể phục già Bling Đáp. Vào những năm 1990, cựu chiến binh người Cơ Tu đã khai hoang và canh tác lúa nước thành công. Không chỉ dạy cách trồng lúa nước, già Đáp còn bày cho người dân trong thôn cách tỉa bắp để phát triển kinh tế. Từ công sức và kinh nghiệm truyền dạy của già Đáp, nhiều vùng đất hoang hóa đã được hồi sinh, những rẫy bắp, những ruộng lúa nước đã xanh trên những cánh đồng ven rừng, khe suối. Cuộc sống nhà nông cũng dần no đủ, êm ấm hơn, không lo thiếu đói. Những năm cuối thập niên 90, già Đáp nghĩ ra cách dẫn nguồn nước suối về phát điện thắp sáng, thay thế đèn dầu, khiến đông đảo người làng đổ đến xem, học hỏi, rồi từ đó, dòng điện đã về làng, xua tan cái u ám, tối tăm nơi bản làng miền núi này. Không chỉ là “cây cao bóng cả”, là tấm gương để bà con học tập, phát triển kinh tế, xóa đói nghèo, già Đáp còn tích cực vận động bà con từ bỏ những hủ tục lạc hậu, tích cực xây dựng nếp sống văn hóa ở khu dân cư, không sinh con thứ ba, để thôn Abanh 1 thoát khỏi cái đói, cái nghèo…

Nay dù tuổi cao sức yếu song già Bling Đáp vẫn hăng say sản xuất, trồng rừng, trồng cây ba kích, sản xuất lúa nước lẫn đào ao thả cá. Người con của núi rừng Tr’Hy dường như chưa bao giờ biết ngơi nghỉ. Năm 2015, một phần ruộng lúa nước ven suối Ca’loon có nguồn nước trong sạch, bốn mùa dâng đầy nước được cải tạo thành ao nuôi cá trắm cỏ, điêu hồng, rô phi… cho năng suất cao. Từ 3 sào nuôi cá, nhờ đầu tư giống, kỹ thuật nuôi thâm canh, mỗi lứa cá sau 6 tháng nuôi, già Đáp thu hoạch khoảng 1,5 tấn cá, với giá bán cho thương lái 70.000 đồng/kg, sau khi trừ chi phí, con giống, già Đáp thu lãi gần 100 triệu đồng. Mỗi năm, xuất bán hai lứa cá, già Đáp thu về gần 200 triệu đồng. Cứ mỗi vụ nuôi, ngoài thức ăn hỗn hợp, già Đáp còn tận dụng lá cỏ và một số phụ phẩm nông nghiệp để nuôi cá. Sau khi thu hoạch cá xong, già cải tạo ao, rắc vôi bột khử trùng để diệt trừ mầm bệnh. Ao đủ rộng, thoáng, có đường thoát nước tốt để giữ cho nước ao sạch sẽ, hạn chế dịch bệnh. Khi thả cá phải tính mật độ cho phù hợp, không quá dày khiến cá chậm lớn, cạnh tranh môi trường sống. Nguồn cá thương phẩm từ ao nuôi của già Đáp không chỉ cung ứng tại chỗ mà còn cung cấp ra ngoài huyện, có giá bán tốt, chủ yếu cung ứng cho mối quen nên không phải lo ngại đầu ra.

Ngoài nuôi cá, già Đáp còn trồng cây ăn quả, nuôi dê với tổng đàn lên cả chục con và nuôi 2 con bò sinh sản, trồng 3ha keo lá tràm, trồng cao su, bời lời đỏ, trồng cây ba kích dưới tán rừng để cải thiện thu nhập gia đình. Với những thành quả xuất sắc đó, nhiều năm liền, già Bling Đáp trở thành điển hình nông dân sản xuất kinh doanh giỏi của xã, của huyện, là gương sáng của của thôn Abanh 1.

M.PHƯỜNG - TR.NHAN

M.PHƯỜNG - TR.NHAN