Chữa bệnh cho bệnh nhân Lào

ĐÔNG DƯƠNG - THANH THẮNG 02/06/2017 07:57

Nhiều năm qua, các y, bác sĩ ở Trung tâm Y tế (TTYT) huyện Nam Giang đã tận tâm cứu chữa miễn phí cho hàng chục bệnh nhân đến từ nước bạn Lào.

Theo bác sĩ Tơ Ngôl Vui - Phó Giám đốc TTYT huyện Nam Giang, sau khi huyện Nam Giang và huyện Đắc Chưng (tỉnh Sê Kông, Lào) kết nghĩa anh em vào năm 2008, TTYT Nam Giang bắt đầu tiếp nhận các bệnh nhân từ nước bạn Lào, chủ yếu là những ca phẫu thuật nặng hoặc ca sinh nở. Bởi theo bác sĩ Vui, ở huyện Đắc Chưng có Trạm Y tế do Quảng Nam tặng nhưng chỉ khám chữa bệnh thông thường, còn bệnh nặng đều phải đưa qua TTYT Nam Giang để chữa trị. “Khi những bệnh nhân này qua đây, ban đầu đội ngũ bác sĩ của mình cũng lúng túng lắm. Vì ở vùng giáp ranh biên giới nên chỉ có một số ít người Lào nói được tiếng Việt.

Bác sĩ Tơ Ngôl Vui đang khám và điều trị cho một bệnh nhân nước bạn Lào. Ảnh: N.T
Bác sĩ Tơ Ngôl Vui đang khám và điều trị cho một bệnh nhân nước bạn Lào. Ảnh: N.T

Trong khi đó, cán bộ tại trung tâm không ai nói được tiếng Lào nên chỉ biết lấy hành động để thay lời nói” - bác sĩ Vui cho hay. Bác sĩ Hiên Thị Nhê, người có hơn 2 năm công tác tại TTYT Nam Giang cho biết thêm, việc chẩn đoán chủ yếu thông qua việc bệnh nhân chỉ vào chỗ bị đau rồi tiến hành khám chữa bệnh. Đến nay,  mọi người quen với việc khám bệnh qua ký hiệu cử chỉ đối với bệnh nhân người Lào. “Như trong lần tôi điều trị cho một bệnh nhân bị gãy chân, phải bó bột trong vòng 1 tháng. Khi đó tôi cần phải dặn họ là không được đụng vào nước nếu không chỗ bó bột sẽ bị nở ra. Vì vậy tôi chỉ vào chỗ bị gãy, sau đó đưa thau nước lại gần và lắc đầu, rồi lại tiếp tục khoanh tròn ngày tháo bột để họ hiểu” - bác sĩ Nhê kể thêm.

Theo thống kê của Trung tâm Y tế huyện Nam Giang, trung bình mỗi năm trung tâm tiếp nhận từ 9 đến 10 bệnh nhân từ nước bạn Lào, riêng năm 2016 là 12 bệnh nhân. Để tạo thuận lợi trong việc khám chữa bệnh, theo bác sĩ Vui, thời gian tới sẽ tìm cách mở lớp dạy tiếng Lào cho đội ngũ y bác sĩ của trung tâm.

Được biết, những bệnh nhân Lào qua TTYT huyện để chữa trị hầu hết là đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng giáp ranh biên giới. Mỗi lần cần khám chữa bệnh, họ phải vượt quãng đường hơn 120km đường nhựa và đường bộ. Vì thế, nhiều ca đến chữa trị thì bệnh tình đã trở nên nguy kịch. “Như bệnh nhân Sun Sa Mít (18 tuổi, ở huyện Đắc Chưng, tỉnh Sê Kông, Lào) bị ngã xe làm gãy kín 1/3 giữa 2 xương cẳng chân, nhưng khi chuyển đến đây đã trong tình trạng nguy kịch vì mất máu quá nhiều. Lúc đó, cả trung tâm tập trung lực lượng vào cứu chữa và tôi là người trực tiếp phẫu thuật. May là sau hơn một tiếng đồng hồ ca mổ cũng thành công. Nếu chậm trễ một tí nữa thôi thì khó mà chữa trị được” - bác sĩ Vui nói.

Tất cả ca phẫu thuật cho bệnh nhân Lào từ bệnh nặng cho đến bệnh nhẹ đều được bác sĩ Vui trực tiếp là người phẫu thuật chính. Như trường hợp của chị Van Đa Lin (26 tuổi, tỉnh Sê Kông, Lào) là một sản phụ mang song thai khi được chuyển đến trung tâm đã bị vỡ nước ối. Khi đó, bác sĩ Vui đã trực tiếp đỡ đẻ cho chị Van Đa Lin. Đến khi “mẹ tròn con vuông”, chị Van Đa Lin đã đặt tên cho con mình là Thạnh Mỹ để tỏ lòng biết ơn. Không những tận tâm khám chữa bệnh mà TTYT huyện Nam Giang còn điều trị miễn phí đối với những trường hợp không có tiền chạy chữa. “Hầu hết đều là miễn phí, ít có ai có tiền để trả viện phí. Trong năm vừa rồi chỉ có gia đình bệnh nhân Sun Sa Mit là chi trả được 15 triệu đồng trên tổng 17 triệu đồng tiền viện phí, còn lại trung tâm miễn phí cho họ. Phần lớn các trường hợp khác đều không có khả năng chi trả” - bác sĩ Vui chia sẻ.

ĐÔNG DƯƠNG - THANH THẮNG

ĐÔNG DƯƠNG - THANH THẮNG