Cảnh sát biển đồng hành với ngư dân

HÀ QUẢNG 31/05/2017 09:03

Hưởng ứng mô hình “Cảnh sát biển (CSB) đồng hành với ngư dân”, thời gian qua, Bộ Tư lệnh Vùng CSB 2 (đóng tại Tam Quang, Núi Thành) đã không ngừng nỗ lực giúp đỡ ngư dân, cứu nạn trên biển cũng như hỗ trợ trên đất liền.

Tàu CSB 2016 thuộc Bộ Tư lệnh Vùng CSB 2 lai dắt tàu cá gặp nạn vào bờ.  Ảnh: NHÂN HẬU
Tàu CSB 2016 thuộc Bộ Tư lệnh Vùng CSB 2 lai dắt tàu cá gặp nạn vào bờ. Ảnh: NHÂN HẬU

Ở đầu ngọn sóng

Vùng CSB 2 được giao quản lý vùng biển từ đảo Cồn Cỏ (tỉnh Quảng Trị) đến Cù Lao Xanh (tỉnh Bình Định). Thực hiện chức năng, nhiệm vụ được giao, cán bộ, chiến sĩ Vùng CSB 2 thường xuyên tuần tra, kiểm soát, ngăn chặn, xua đuổi tàu thuyền nước ngoài xâm phạm vùng biển Việt Nam. Đồng thời tổ chức cứu hộ, cứu nạn thành công nhiều lượt tàu với hàng trăm ngư dân bị nạn trên biển… Đại tá Lê Huy Sinh - Chính ủy Vùng CSB2 chia sẻ: “Bên cạnh tuần tra kiểm soát, việc hỗ trợ ngư dân vươn khơi bám biển là nhiệm vụ “sống còn” của CSB. Bởi chúng tôi biết, sự hiện diện của ngư dân trên biển không chỉ đóng vai trò quan trọng cho sự phát triển kinh tế mà còn khẳng định chủ quyển biển đảo của Tổ quốc. Mỗi tàu, thuyền đánh bắt hải sản của ngư dân với lá cờ đỏ sao vàng tung bay trong gió là những cột mốc sống khẳng định chủ quyền trên biển. Các tổ, đội đánh bắt hải sản như những “làng, bản” trên biển, là tai mắt cho các cơ quan chức năng kịp thời xử lý khi có tình huống xảy ra trên biển”.

Là người đã cùng ngư dân dũng cảm bảo vệ tàu và cờ Tổ quốc khi bị lực lượng tàu cá nước ngoài tấn công trên vùng biển Việt Nam vào năm 2013, chủ tàu cá Bùi Văn Phải (xã An Hải, huyện Lý Sơn, Quảng Ngãi) cho biết: “Đánh bắt ở Hoàng Sa là ngư trường truyền thống lâu đời của cha ông chúng tôi. Cho nên với bất kỳ lý do gì, chúng tôi vẫn tiếp tục vươn khơi bám biển, vừa để phát triển kinh tế vừa bảo vệ chủ quyền của đất nước. Tuy nhiên, trong điều kiện thời tiết bất lợi, hoặc sự cố phát sinh trên biển, chúng tôi rất cần sự hỗ trợ kịp thời của lực lượng chức năng mà trong đó có CSB”. Đáp ứng mong muốn của ngư dân, Bộ Tư lệnh Vùng CSB 2 đã thường xuyên chỉ đạo cán bộ, chiến sĩ tổ chức huấn luyện, hành quân trên vùng biển được phân công; kịp thời thông tin cho ngư dân đánh bắt trên biển các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước. Đồng thời tăng cường tuần tra kiểm soát, nhất là vùng biển xa, vùng biển giáp ranh, thực hiện tốt nhiệm vụ cứu hộ, cứu nạn để ngư dân yên tâm bám biển. Đến nay, lực lượng Vùng CSB 2 đã tổ chức cứu hộ, cứu nạn thành công 57 tàu, thuyền với 715 ngư dân và thuyền viên bị nạn trên biển.

Giữ yên bình hậu phương

Không những hỗ trợ, giúp đỡ ngư dân ở những vùng biển xa đất liền, lực lượng CSB Việt Nam còn thường xuyên quan tâm, hỗ trợ người thân của ngư dân trên đất liền để họ yên tâm vươn khơi bám biển. Hàng năm Vùng CSB 2 lập kế hoạch, huy động từ sự đóng góp của cán bộ, chiến sĩ cũng như từ nhiều nguồn lực khác để thăm hỏi, động viên, tặng quà, khám chữa bệnh, cấp thuốc miễn phí, làm nhà tình nghĩa, phụng dưỡng Bà mẹ Việt Nam anh hùng, tặng học bổng cho học sinh, gia đình chính sách, hộ ngư dân nghèo ở các xã đảo, xã ven biển. Đại tá Đào Hồng Nghiệp - Tư lệnh Vùng CSB 2 nói: “Để ngư dân yên tâm bám biển, chúng ta phải tạo điều kiện cho gia đình họ ngay trong đất liền, vì đây chính là hậu phương của ngư dân. Hậu phương có vững chắc, ngư dân mới yên tâm vươn khơi bám biển dài ngày”. Đại tá Đào Hồng Nghiệp cho biết, đến nay Vùng CSB 2 đã phối hợp với các ngành chức năng, nhà tài trợ huy động hàng tỷ đồng hỗ trợ ngư dân trên đảo, khu vực ven biển từ Quảng Trị đến Bình Định. Giữ bình yên hậu phương cũng là vấn đề then chốt xây dựng vững mạnh “thế trận lòng dân” trên biển.

Cán bộ, chiến sĩ Bộ Tư lệnh Vùng CSB 2 giới thiệu về tàu CSB. Ảnh: VINH ANH
Cán bộ, chiến sĩ Bộ Tư lệnh Vùng CSB 2 giới thiệu về tàu CSB. Ảnh: VINH ANH

Thường xuyên tham gia công tác tư vấn sơ cấp cứu cũng như đến tận hiện trường để hỗ trợ ngư dân gặp nạn, Đại úy Trương Trường Quang - Trưởng ban Chủ nhiệm quân y Vùng CSB 2 thổ lộ: “Khi tham gia đánh bắt trên biển mà gặp sự cố về sức khỏe thì công tác sơ cấp cứu ban đầu rất quan trọng. Việc ngư dân thực hiện tốt công tác sơ cấp cứu trong lúc chờ lực lượng chức năng đến hiện trường góp phần cực kỳ quan trọng trong cứu chữa của lực lượng chuyên môn sau đó. Chính vì vậy, chúng tôi thường xuyên tuyên truyền, phổ biến cho ngư dân kiến thức cơ bản xử lý đối với những bệnh thường gặp, các cách thức sơ cấp cứu người gặp tai nạn, bệnh đột xuất khi đánh bắt trên biển”.

Đặc biệt, để triển khai hiệu quả mô hình “CSB đồng hành với ngư dân”, Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Vùng CSB 2 tiến hành khảo sát các đảo ven bờ, các đảo có căn cứ hậu cần nghề cá, qua đó giao cho các đơn vị thuộc Bộ Tư lệnh vùng thống nhất với địa phương xây dựng quy chế phối hợp hoạt động và tổ chức kết nghĩa. Thông qua công tác kết nghĩa, lực lượng CSB sẽ sâu sát hơn, thực sự là chỗ dựa vững chắc cho ngư dân trên biển và hậu phương của họ ở đất liền.

HÀ QUẢNG

HÀ QUẢNG