"Chạy" tài trợ
Giải Đua thuyền truyền thống Phát thanh truyền hình Quảng Nam lần thứ XX năm 2017 diễn ra giữa tuần qua tại cảng cá An Hòa xã Tam Giang (huyện Núi Thành) xuất hiện một nhà tài trợ mới: Tổng công ty Bia rượu - nước giải khát Hà Nội.
Nếu chúng tôi nhớ không lầm, đây là nhà tài trợ chính thứ 3 trong chặng đường 20 năm qua của giải, sau Công ty Điện tử Samsung và Tổng công ty Bia rượu - nước giải khát Sài Gòn. Theo một vị đại diện nhà tài trợ, dù thị phần tại Quảng Nam chưa lớn nhưng chính sự tăng trưởng ấn tượng với hơn 300% trong năm qua đã giúp doanh nghiệp quyết định tài trợ cho giải đua thuyền tỉnh Quảng Nam nhằm thông qua hoạt động này để đưa bia Hà Nội và các sản phẩm của công ty đến gần hơn với nhiều người dân xứ Quảng.
Giải Đua thuyền truyền thống Phát thanh truyền hình Quảng Nam năm 2017.Ảnh: ANH SẮC |
Với một giải đấu có quy mô và sức lan tỏa lớn như giải Đua thuyền truyền thống Phát thanh truyền hình Quảng Nam hay giải Việt dã truyền thống Báo Quảng Nam thì việc thu hút những nhà tài trợ lớn, có tên tuổi trên thị trường không quá khó, song thực tế cũng không phải là câu chuyện dễ dàng. Như giải Việt dã truyền thống Báo Quảng Nam chẳng hạn. Sau nhiều năm rơi vào tình cảnh “ăn đong” ở giai đoạn đầu tiên, giải mới có được nhà tài trợ ổn định như bây giờ, giúp cho quy mô và tầm vóc vượt ra ngoài một giải đấu phong trào của tỉnh. Giải đua thuyền truyền thống Phát thanh truyền hình Quảng Nam cũng vậy. Năm nay, thu hút 21 thuyền đua đến từ các địa phương có truyền thống đua thuyền gồm Duy Xuyên, Hội An, Đại Lộc, Điện Bàn, Thăng Bình, Tam Kỳ và Núi Thành, tạo nên một giải đấu hấp dẫn và là ngày hội của cư dân vùng sông nước cả tỉnh.
Có thể nói, ngoài giải Việt dã truyền thống Báo Quảng Nam và giải Đua thuyền truyền thống Phát thanh truyền hình Quảng Nam, các giải thể thao còn lại của tỉnh khá vất vả trong việc “chạy” tài trợ. Vì vậy không ngạc nhiên khi danh tính nhà tài trợ thường không ổn định, có giải đấu năm trước công ty A còn năm nay doanh nghiệp B đứng tên tài trợ. Thậm chí, một số giải thể thao nhiều năm qua vẫn tổ chức “chay” vì không thể kêu gọi được doanh nghiệp nào nhận lời đồng hành. Theo một cán bộ ngành TDTT, trong điều kiện nguồn kinh phí phân bổ cho ngành hạn hẹp như hiện nay, rõ ràng từ tỉnh đến các địa phương phải tích cực tìm kiếm thêm nguồn tài trợ để đảm bảo các hoạt động hàng năm. Nếu có thêm được nhà tài trợ thì giải đấu có điều kiện để tổ chức quy mô hơn, rồi giải thưởng cho vận động viên cũng khá hơn. Còn nếu không thì ngân sách vẫn phải chi ra để làm nhưng phải “cắt chỗ này, xén chỗ kia”; thậm chí, một số giải đấu khó có thể “sống” được chứ chưa nói đến chuyện mở rộng quy mô, nâng cao chất lượng.
Đẩy mạnh xã hội hóa các hoạt động thể thao là chủ trương đúng và cần thiết, song thực tế nhu cầu quảng bá của doanh nghiệp thông qua thể thao, nhất là thể thao phong trào cấp tỉnh, huyện còn khá nhỏ. Vì thế, ngoại trừ một số ít đơn vị tài trợ cho giải thể thao xuất phát từ nhu cầu thật sự, còn lại phần lớn là “tình thương mến thương” thông qua sự quen biết hay niềm đam mê của ông chủ doanh nghiệp chứ không phải là mong muốn thông qua việc tài trợ để đưa thương hiệu của mình đến với nhiều người. Chẳng hạn, nhiều năm qua giải bóng đá vô địch tỉnh Quảng Nam luôn nhận được sự đồng hành của Công ty CP Pha Din. Đây là doanh nghiệp nằm ở tỉnh Quảng Ngãi song lại rất yêu thích bóng đá phong trào của tỉnh Quảng Nam và đến nay đã gắn bó 8 năm. Hoặc giải cờ tướng tỉnh Quảng Nam hàng năm lại được doanh nghiệp của một cựu kỳ thủ tài trợ.
ANH SẮC