Dấu chân những người giữ rừng - Bài cuối: Đổi lấy màu xanh

Phóng sự của THÀNH CÔNG - ALĂNG NGƯỚC 26/05/2017 08:47

Trong cuộc chiến giữ rừng, ngoài lực lượng kiểm lâm, còn có sự tham gia của người dân. Trong số họ, có những người trước kia từng xâm phạm rừng xanh khi làm thuê cho các đầu nậu gỗ, nay quay trở lại giữ rừng. Đó cũng là cách họ “tạ lỗi” với đại ngàn, gìn giữ màu xanh cho mai sau.

  • Dấu chân những người giữ rừng - Bài 3: Ân nhân của động vật hoang dã
  • Dấu chân những người giữ rừng - Bài 2: Theo bước lực lượng "biệt phái"
  • Dấu chân những người giữ rừng - Bài 1: Gác cổng rừng thiêng

Trả nợ… rừng

Chừng mười lăm năm về trước, những cánh rừng dọc các xã vùng cao Đông Giang trở thành một trong những địa bàn “sôi động” nhất, “nóng” về nạn phá rừng. Khi đường được mở, những chuyến xe ngược xuôi có thêm vai trò tuồn gỗ lậu về xuôi, kéo theo cuộc đổ bộ của nhiều đầu nậu gỗ. Mỗi đầu nậu còn lập cho mình một đội quân khai thác gỗ rừng. Và không ai khác, chính những người dân bản địa, trong cơn khó nghèo của đời sống vùng cao ngày ấy, đã trở thành người làm thuê, tự tay chặt hạ những cánh rừng. Đông đảo hơn, phải kể đến những người tứ xứ dạt về, đóng trại hàng tháng trời để khai thác gỗ. Rừng mất dần, ngay trước mắt những người con ở vùng cao…

Phút nghỉ ngơi của tổ tuần tra bảo vệ rừng. Ảnh: NGƯỚC - CÔNG
Phút nghỉ ngơi của tổ tuần tra bảo vệ rừng. Ảnh: NGƯỚC - CÔNG

Đó là quãng ký ức buồn luôn ám ảnh trong tâm trí những người già thời ấy, như ông Alăng Phương (ở thôn Pà Zĩ, xã A Ting, Đông Giang). Ngày đó, ông Phương làm cán bộ của xã. Nhưng, những khó khăn về công tác quản lý bảo vệ, cũng như sự phức tạp của tệ nạn phá rừng khiến các cuộc xâm lấn trái phép cứ dai dẳng, ngày càng tiến sâu hơn về phía rừng nguyên sinh. Sức tàn phá ghê gớm của lâm tặc tứ xứ đã triệt hạ nhanh chóng những cánh rừng già, chỉ để lại từng gốc cây trơ trọi. Đến khi, chính những người dân bản địa phải chật vật tìm kiếm từng cây gỗ để dựng nhà, dựng gươl, họ mới chợt nhận ra, rừng đã không còn. Có bận, phải đi mất cả ngày trời mới tìm được thân cây chỉ lớn bằng một người ôm. Nỗi lo về tương lai, về cuộc sống của cháu con sau này, trở thành niềm thôi thúc để ông Phương và nhiều người nữa, cùng tham gia giữ rừng.

Vết sẹo dài ngang mặt - dấu tích trong lần ông Nai bị lâm tặc tấn công vào tháng 9.2014. Ảnh: NGƯỚC - CÔNG
Vết sẹo dài ngang mặt - dấu tích trong lần ông Nai bị lâm tặc tấn công vào tháng 9.2014. Ảnh: NGƯỚC - CÔNG

Giữa năm 2014, khi chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng được triển khai rộng khắp tại nhiều xã ở vùng cao, những nhóm hộ quản lý, bảo vệ rừng ra đời. Đây cũng chính là sự kết nối hữu hình cho ý nghĩ cùng chung tay giữ rừng của những người, như lớp ông Phương và cả thế hệ thanh niên hiện tại. “Ban đầu, cuộc sống còn khó khăn, bà con muốn giữ rừng nhưng cũng chưa có điều kiện tập hợp, vì còn phải làm ăn kiếm sống. Kể từ khi nhóm hộ bảo vệ rừng được thành lập, lại được cấp kinh phí, là sự hỗ trợ ý nghĩa nhất để mong ước giữ rừng của người dân thành hiện thực. Bây giờ, đi tuần tra bảo vệ rừng đã trở thành một việc thường xuyên, được tổ chức theo kế hoạch, hành trình bài bản, ngày càng có nhiều người tham gia” - ông Phương nói.

Những chuyến đi đầu tiên, được thực hiện ngay sau khi nhóm hộ quản lý bảo vệ rừng thành lập. Từ một nhóm khoảng hơn 10 người, đến nay đã có 6 nhóm hộ với khoảng 70 thành viên, thực hiện đều đặn 3 chuyến tuần tra mỗi tháng. Trong những cuộc đi đó, họ không chỉ gặp gỡ, tuyên truyền cho người dân ý thức chung tay bảo vệ rừng, bảo vệ động vật hoang dã, mà còn tích cực phát hiện, cùng tham gia đẩy đuổi nhiều đối tượng khai thác lâm sản trái phép. Khoản kinh phí được cấp từ chính sách chi trả dịch vụ bảo vệ rừng có thể thấp hơn nhiều so với các công việc lao động khác, nhưng họ vẫn chấp nhận, vì trên hết là trách nhiệm với chính tương lai của con cháu mình, như lời bộc bạch của nhiều người. Cơlâu Tội - thành viên nhóm hộ bảo vệ rừng thôn Pà Zĩ chia sẻ rằng, nếu bây giờ không bảo vệ, sau này chắc không còn ai nhìn thấy rừng nữa. “Bao đời người Cơ Tu đều sống nhờ rừng. Cái nhà để ở, miếng ăn hằng ngày đều từ rừng. Không giữ được, mai mốt cây cột gươl hư lấy đâu mà thay, mái nhà dột lấy gì mà lợp. Mất rừng, là không sống được” - Cơlâu Tội nói. Chúng tôi nhìn người đang đối diện mình, thấy được vẻ chất phác không chỉ từ trong lời nói, mà cả ánh mắt cương quyết của một người trẻ. Không ai khác, chính họ, đang tìm cách trả nợ cho rừng, cho những mất mát của một thời, ở nơi này.

Nếu chết, cũng chết để giữ rừng

“Bao đời người Cơ Tu đều sống nhờ rừng. Cái nhà để ở, miếng ăn hằng ngày đều từ rừng. Không giữ được, mai mốt cây cột gươl hư lấy đâu mà thay, mái nhà dột lấy gì mà lợp. Mất rừng, là không sống được” - Cơlâu Tội nói… Chúng tôi nhìn người đối diện mình, không ai khác, chính họ đang tìm cách trả nợ cho rừng, cho những mất mát của một thời, ở nơi này.

Chỉ hình dung qua lời kể của những người Cơ Tu mộc mạc giữ rừng, sẽ không hiểu hết được chông gai mà họ đã trải. Cuộc chiến dưới những tán rừng, giữa một bên là người bảo vệ, một bên là các đối tượng bất chấp luật pháp để tàn phá rừng, vẫn chưa ngày nào lắng lại. Trong số vô vàn cuộc đụng độ, người giữ rừng đã từng phải đổ máu, để đổi lấy sự bình yên cho màu xanh của rừng.

Chúng tôi tìm gặp ông Pơloong Nai, một trong những “người hùng”, đã dũng cảm đối mặt trước sự liều lĩnh của lâm tặc. Trong căn nhà gỗ đơn sơ, nằm cạnh tuyến quốc lộ 14G qua xã A Ting (Đông Giang), ông Nai vừa trở về sau hơn 3 ngày cùng bà con tuần tra rừng. Công việc này đã quen với ông từ gần 3 năm nay. Nhiều người trong vùng đã từng tưởng ông sẽ không bao giờ vào rừng nữa, sau cuộc chạm trán định mệnh với lâm tặc vào một ngày tháng 9.2014. Lần đó, khi vừa trở về lán trại sau chuyến tuần tra trong rừng thuộc lưu vực thủy điện Sông Kôn 2, nhóm của ông Nai bất ngờ bị lâm tặc đột kích tấn công. Chúng không ngần ngại dùng rựa chém thẳng vào mặt ông. Sau đó, lâm tặc còn hung hãn bắt trói, đánh trọng thương và dọa “luộc chín” ông Nai cùng một người khác trong tổ tuần tra là Cơlâu Crơi. Đến tận sáng hôm sau, khi có sự chi viện của dân quân và công an địa phương, ông Nai và Crơi mới được giải cứu, vượt rừng đưa đi bệnh viện. Nhưng, khi vết thương vừa lành, ông Nai trở lại với rừng, bằng lời quả quyết: “Tôi không bao giờ sợ. Đi là để giữ rừng. Nếu có chết, cũng chết vì rừng này, đất này”. Câu nói đó được ông Nai lặp lại, trong cuộc trò chuyện với chúng tôi. Trên khuôn mặt người cựu binh già vẫn còn vết sẹo dài vắt ngang má. Sau này, những chuyến tuần tra, chưa bao giờ thiếu vắng ông. Chính sự quả cảm của người đàn ông này làm cho lâm tặc phải kiêng sợ. Rừng cũng ít dần người lạ.

Từ sau sự kiện đó, chưa có cuộc đụng độ nào tương tự xảy ra, nhưng đâu đó trong rừng, vẫn hiển hiện những hiểm nguy không thể lường trước được. Gần đây nhất, khi chúng tôi đang thực hiện loạt bài viết này thì nhận được tin một người dân trong tổ tuần tra, bảo vệ rừng thôn Pà Zĩ phải chuyển về dưới xuôi điều trị do bị rắn độc cắn khi đang tuần tra. Theo lời kể của thành viên trong tổ, anh Pơloong Amlốt khi đang phát dọn bụi rậm để mở đường tuần tra, bất ngờ bị rắn lục tấn công ở đỉnh đầu. Những người còn lại gấp rút cõng anh vượt rừng trở về, nhưng quãng đường quá dài khiến tình trạng trở nên nguy cấp, buộc phải chuyển xuống cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa khu vực miền núi phía Bắc (huyện Đại Lộc).

Rừng thiêng nước độc, dù là những người dân bản địa dày dạn kinh nghiệm đi rừng, nhưng không một ai dám chắc có thể tránh hết mọi ẩn họa. Lẩn khuất sau màu xanh trập trùng của những cánh rừng bạt ngàn phía tây đất Quảng, là biết bao dấu chân lặng thầm trong hành trình tuần tra chỉ để đổi lấy màu xanh ấy. Họ đi - về, rồi lại bắt đầu cho một chuyến đi mới, tiếp nối, lặng lẽ và cần mẫn. Mong cho lúc trở về sau mỗi chuyến đi là sự bình an của đoàn tuần tra, và của cả những cánh rừng…

Xuống núi, ngước lên phía rừng xanh, chúng tôi biết rằng ở đó vẫn luôn có sự hiện diện của lực lượng kiểm lâm và một bộ phận cư dân bản địa - những người giữ rừng kiên gan - để chung tay giữ bình yên, màu xanh cho đại ngàn.

Phóng sự của THÀNH CÔNG - ALĂNG NGƯỚC

Phóng sự của THÀNH CÔNG - ALĂNG NGƯỚC