Trợ giúp pháp luật cho người dân

PHƯƠNG NAM - CHÂU NỮ 26/05/2017 08:24

Bên cạnh trợ giúp pháp lý (TGPL) lưu động tại cơ sở, vùng sâu, vùng xa, cán bộ làm công tác TGPL ở Quảng Nam còn tham gia bào chữa trong các phiên tòa, góp phần nâng cao nhận thức về pháp luật cho người dân.

TGPL miễn phí ở cơ sở, đặc biệt là vùng sâu, vùng xa là việc làm thường xuyên của Trung tâm TGPL tỉnh và chi nhánh ở các địa phương. Chẳng hạn, hàng năm Chi nhánh TGPL số 7 (Đại Lộc) phối hợp với Phòng Tư pháp, Phòng TN-MT, Phòng LĐ-TB&XH huyện tổ chức các đợt TGPL lưu động nhằm giải đáp pháp luật miễn phí cho bà con ở các xã vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện.

Trợ giúp viên pháp lý tư vấn pháp luật cho người dân. Ảnh: C.N
Trợ giúp viên pháp lý tư vấn pháp luật cho người dân. Ảnh: C.N

Trước khi tiến hành các đợt TGPL lưu động, chi nhánh phối hợp với địa phương đến từng hộ khảo sát nhu cầu TGPL, sau đó tổng hợp, định hướng nội dung tư vấn, giải đáp thắc mắc, đồng thời lồng ghép tuyên truyền pháp luật theo chuyên đề cho người dân. Bà Nguyễn Thị Hồng Thắm - công tác tại Chi nhánh TGPL số 7 chia sẻ: “Sau các đợt TGPL lưu động, người dân hiểu và biết nhiều về công tác TGPL nên khi có những vướng mắc về pháp luật cần giải đáp đã tìm đến chi nhánh ngày càng đông, trong đó có cả những người ở khá xa như xã Đại Sơn, Đại Tân cũng tìm đến...”.

Quảng Nam là một trong những tỉnh đầu tiên xây dựng đề án kiện toàn tổ chức, cán bộ, nâng cao năng lực hoạt động của Trung tâm TGPL; đồng thời thành lập 7 chi nhánh TGPL của trung tâm tại 7 huyện, thành phố của tỉnh. Hàng năm, Trung tâm TGPL thực hiện trợ giúp hơn 1.000 trường hợp, trên 30 đợt TGPL lưu động đến vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc ít người, kịp thời phổ biến các chủ trương chính sách của Đảng, giải tỏa vướng mắc pháp luật, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng cho người nghèo, gia đình chính sách.

Cùng với việc TGPL lưu động, Trung tâm TGPL tỉnh và các chi nhánh trực thuộc còn có nhiều hình thức TGPL miễn phí cho người nghèo, gia đình chính sách, người già cô đơn không nơi nương tựa như tư vấn pháp luật tại nơi làm việc, tư vấn qua điện thoại, thư tín, tư vấn bằng văn bản, cử luật sư bào chữa tại tòa khi có yêu cầu, kiến nghị giải quyết các vụ việc đã có hiệu lực pháp luật để bảo vệ quyền lợi cho người dân...  Theo ông Nguyễn Trí Bảy - cán bộ Trung tâm TGPL tỉnh, không phải người dân nào cũng nắm được các thông tin về quyền được TGPL của mình nên tại các buổi TGPL lưu động ở các xã, trợ giúp viên pháp lý tư vấn trực tiếp cho người dân trên tất cả lĩnh vực như hôn nhân gia đình, hình sự, dân sự, chính sách ưu đãi người có công với cách mạng..., đồng thời lồng ghép tuyên truyền về quyền được TGPL để các đối tượng được hiểu và thực hiện quyền của mình một cách tốt nhất. Ông Nguyễn Trí Bảy cho rằng, trợ giúp viên pháp lý ngoài kiến thức pháp luật và kinh nghiệm cần có sự nhiệt tình, trách nhiệm. Trong quá trình tư vấn, người tư vấn phải thể hiện tính khách quan, trung thực và tránh thái độ cửa quyền, hời hợt.

Ngoài các hoạt động TGPL quen thuộc như đã kể, từ năm 2016 đến nay, thực hiện chủ trương đổi mới công tác TGPL theo hướng tham gia tố tụng tại phiên tòa, Trung tâm TGPL tỉnh đã cử trợ giúp viên pháp lý tham gia tố tụng hơn 300 vụ việc. Thực tế thời gian qua cho thấy, hoạt động bào chữa tại tòa của hầu hết các trợ giúp viên pháp lý luôn gắn liền với việc tuyên truyền, giáo dục pháp luật đối với người phạm tội và cả những người dân có mặt tại tòa. Việc bào chữa cho bị cáo còn vừa để bảo đảm tính công bằng, chính xác của pháp luật; qua đó giải thích, phân tích cho bị cáo biết hành vi sai trái của mình để ăn năn, hối lỗi. “Có như vậy, hoạt động TGPL mới góp phần vào việc phổ biến, giáo dục pháp luật, bảo vệ công lý, bảo đảm công bằng xã hội, phòng ngừa, hạn chế tranh chấp và vi phạm pháp luật” - một trợ giúp viên pháp lý nói.

PHƯƠNG NAM - CHÂU NỮ

PHƯƠNG NAM - CHÂU NỮ