Dấu chân những người giữ rừng - Bài 2: Theo bước lực lượng "biệt phái"

Phóng sự của THÀNH CÔNG - ALĂNG NGƯỚC 24/05/2017 10:51

Từ Huế, những cán bộ của Trạm Kiểm lâm Núi Mang được “biệt phái” đến một vùng đất mới với nhiệm vụ đặc biệt: canh giữ cho vùng lõi Vườn quốc gia Bạch Mã, khu vực thuộc địa phận huyện Đông Giang của Quảng Nam. Nhận nhiệm vụ ngay trong lòng “điểm nóng”, tình yêu với rừng đã giúp họ vững tâm, bước tiếp những chuyến tuần tra…

  • Dấu chân những người giữ rừng - Bài 1: Gác cổng rừng thiêng
Đội tuần tra dùng ruột ô tô bơm căng để bơi qua lòng hồ. Ảnh: NGƯỚC - CÔNG
Đội tuần tra dùng ruột ô tô bơm căng để bơi qua lòng hồ. Ảnh: NGƯỚC - CÔNG

Đi vào vùng lõi

Giữa tháng 5, cái nắng vùng cao phả hầm hập xuống ngọn đồi nơi Trạm Kiểm lâm Núi Mang (thuộc Hạt Kiểm lâm Vườn quốc gia Bạch Mã, Thừa Thiên Huế) đóng chân. Mùa này là khoảng thời gian cao điểm phòng chống cháy rừng. Đúng hẹn, chúng tôi đến để kịp theo chân trong đợt tuần tra của cán bộ trạm. Trước giờ xuất phát, Phó Trưởng trạm Nguyễn Cao Cường đề nghị “tối giản” hành trang, chỉ mang theo thuốc men, cùng vài tư trang cần thiết nhất cho chuyến đi. Điểm tập kết để xuất phát lần này nằm ngay cạnh lòng hồ thủy điện Sông Kôn 2. Cùng đi với đoàn là một số người dân thuộc nhóm hộ được giao khoán quản lý bảo vệ rừng. Nhìn quanh, không một chiếc thuyền. Phó Trưởng trạm Cường chỉ tay về tốp anh em đang hì hục bơm mấy chiếc ruột xe tải cỡ lớn, giải thích: “Thuyền đấy. Từ chỗ này, phải bơi qua lòng hồ mới vào đến vùng lõi. Khoảng một tiếng đồng hồ. Anh em chuẩn bị nhé!”.

Hai thanh gỗ nẹp chặt hai mặt chiếc ruột xe tải bơm căng - thường được gọi là bích xi. Cứ hai người một chiếc, cùng tư trang, đều tay chèo vượt lòng hồ. Cảm giác rợn ngợp qua nhanh, những chiếc bích xi trôi êm trên mặt nước, là trải nghiệm thú vị đầu tiên của hành trình. Cập bến, Phó Trưởng trạm Nguyễn Cao Cường điểm danh thành viên tổ tuần tra, sau đó chia đồ đạc, phân công anh em cõng vào rừng. Con đường mòn len lỏi qua các sườn đồi, có đoạn dốc đứng, đầu gối gần chạm mặt. Chúng tôi đến một căn lán tạm. Đây là điểm nghỉ chân quen thuộc của tổ trước khi chia quân đi tuần tra theo hình xương cá. Bếp lửa chỉ là 3 viên đá đã ám khói đen, vết tích của nhiều tháng ròng làm nơi nấu nướng. Trong khi một tốp bắt đầu soạn nồi niêu chuẩn bị bữa trưa, tốp còn lại căng bạt, cột chặt lại những thanh gỗ cũ để làm nơi mắc võng. Khoảng nghỉ ngơi giữa rừng là thời gian anh em cùng ăn trưa, sau đó tranh thủ mươi phút trò chuyện, rồi phân công từng nhóm lên rừng. Từ căn lán này, hai nhóm, tất thảy mười sáu người, chia làm hai hướng, tiến sâu vào rừng. Chúng tôi theo tốp của Phó Trạm trưởng Nguyễn Cao Cường, băng qua khe suối nhỏ, rồi ngược lên sườn đồi. Không còn đường mòn, cả tốp phải xẻ rừng, tỏa ra các hướng để tuần tra. Bất kỳ dấu vết xâm hại như đặt bẫy, chặt hạ cây, hoặc các lán trại, nếu phát hiện, đều được báo cáo cho trưởng nhóm để xử lý. Cây cối rậm rịt, nhiều đoạn anh em phải phát dọn để tìm lối đi. Khu này là rừng nguyên sinh, nằm trong vùng lõi khu bảo tồn, có giá trị đa dạng sinh học rất lớn. “Việc tuần tra, không chỉ để ngăn chặn sự xâm nhập bất hợp pháp của con người, mà còn nhằm nắm tình hình, phòng chống cháy rừng, thu thập thông tin phục vụ nghiên cứu. Một chuyến đi, vì thế có khi kéo dài cả tuần lễ” - anh Cường nói với chúng tôi. Câu chuyện bị cắt ngang, khi anh Alăng Liêu phát hiện một con rắn lớn bò ngang và hô to cảnh báo. Được một phen giật thót, nhưng Liêu vẫn cười, giải thích đây là chuyện “cơm bữa” khi đi rừng. Không phát hiện dấu hiệu bất thường, cả đoàn được lệnh tập trung về lán, khi góc núi phía tây đã nghe tiếng sấm rền vang. Mùa này, chiều dễ có mưa dông. Nếu không về kịp trước trời mưa, có thể bị lũ cắt bất ngờ. Những lúc nghe tiếng sấm, là bằng mọi giá phải cắt “giăng”, tức là mở đường băng qua vực giữa hai ngọn núi, để tránh lũ. Đã nhiều lần, cán bộ kiểm lâm như anh Cường đành ngồi bó gối chờ lũ rút hàng tiếng đồng hồ trong mưa rét, dù lán trại chỉ còn cách không xa phía bên kia bờ. Những lần đó, hoặc là nhai mì tôm sống, hoặc ăn cơm do anh em bên kia bờ gói ném sang, cùng có khi đành nhịn đói chờ nước rút. “Lũ đến rất nhanh. Cách duy nhất là chờ. Liều mình băng qua không được đâu” - anh Cường nói.

Giữ xanh những cánh rừng

Được thành lập vào năm 2009, trong những ngày cam go nhất của cuộc chiến giữ rừng, Trạm Kiểm lâm Núi Mang như một chốt trấn giữ hơn 3.000ha rừng nguyên sinh, trải dài qua 3 tiểu khu vùng lõi Vườn quốc gia Bạch Mã. Thời điểm đó, đây chính là “lãnh địa” của lâm tặc. Người tứ xứ kéo về, đưa thợ vào rừng dựng lán, chặt hạ gỗ. Họ còn thuê cả người địa phương tham gia vào việc cưa xẻ, vận chuyển gỗ lậu. Cả vùng, râm ran nạn phá rừng. Đóng chân tại địa bàn, cán bộ kiểm lâm của trạm ngay lập tức chạm mặt với các đối tượng lâm tặc đầy manh động. Chỉ chưa đầy một năm sau khi thành lập, đã xảy ra cuộc đụng độ giữa cán bộ đơn vị với một nhóm phá rừng. Không chỉ chửi bới, đe dọa lực lượng, nhóm đối tượng này còn tấn công và cướp súng, khiến kiểm lâm viên Võ Trọng Hảo - nguyên Trạm trưởng Trạm Kiểm lâm Núi Mang bị trọng thương. Có đợt, các đối tượng mang hung khí vào tận trạm kiểm lâm, dọa chém cán bộ làm nhiệm vụ. Nhưng sự hung hãn đó không làm lực lượng của trạm chùn bước. Cùng với chính quyền địa phương, những cuộc tuần tra vẫn tiếp diễn, cương quyết xử lý đối với những hành vi vi phạm.

Vượt suối trên đường tuần tra. Ảnh: NGƯỚC - CÔNG
Vượt suối trên đường tuần tra. Ảnh: NGƯỚC - CÔNG

Từ một điểm nóng, khu vực rừng ở vùng lõi Vườn quốc gia Bạch Mã phía Đông Giang dần lắng dịu. Bây giờ, trong các cuộc tuần tra, đã hiếm thấy bóng dáng những kẻ phá rừng. Kiểm lâm viên Lê Văn Minh chia sẻ, những người mà anh em gặp trong rừng chủ yếu là dân địa phương đi bứt mây, bắt cá. “Khi gặp người dân, chúng tôi đều tuyên truyền, nhắc nhở bà con không được vi phạm các quy định về bảo vệ rừng. Đi rừng nhiều, chỉ cần nhìn qua một căn lán có thể biết ngay của người dân đi đánh cá suối, hái nấm, bứt mây, hay là của các đối tượng đặt bẫy, phá rừng. Phát hiện vi phạm, anh em sẽ xử lý ngay” - anh Minh chia sẻ.

Sau tất cả những gian lao, niềm vui giản dị của người cán bộ giữ rừng ở nơi này là “đặc quyền” được chiêm ngưỡng những cảnh đẹp dọc đường tuần tra. Ít nơi nào đẹp bằng rừng nguyên sinh. Kiểm lâm viên Pơloong Gíp mở điện thoại, khoe với chúng tôi những bức hình mà anh ghi lại được dọc các hành trình. Đó là một ngọn thác hùng vĩ, một gốc cây kỳ thú bên bờ suối, hoặc một khóm đỗ quyên trắng giữa rừng. “Đời kiểm lâm sướng như tiên/ Du lịch quanh năm chẳng mất tiền”, Gíp đùa vui bằng câu thơ mà anh em vẫn hay truyền miệng với nhau về nghề của mình. Thi thoảng, lên đến một điểm cao nơi có sóng điện thoại “đi lạc”, anh em tranh thủ vài phút cho cuộc điện thoại về nhà. Đó cũng là nguồn kết nối duy nhất, khi anh em phải lặng lẽ hành quân theo những chuyến tuần tra nối tiếp nhau. Những chuyến đi dài, mất hẳn liên lạc với gia đình, mọi lo toan dành lại hết cho vợ con và người thân. “Nghề mà, biết sao được. Kể cả chính người thân của mình nhiều khi cũng giấu đi những chuyện buồn, những mất mát ở nhà, để anh em tập trung, toàn tâm cho công việc. Có đợt, người nhà đau ốm nặng, mà đến khi được nghỉ phép về thăm mới biết. Nhưng rồi đến lịch trực, cũng đành gửi gắm người quen, rồi vội vã lên đường” - Gíp bộc bạch.

Những tháng năm gắn bó với miền quê xứ người, với từng cánh rừng, món quà mà các anh nhận được là sự thương yêu của bà con, đồng bào. Trong lúc trở về, tình cờ chúng tôi gặp kiểm lâm viên Lê Văn Trèn - trước đây từng công tác tại Trạm Kiểm lâm Núi Mang - khi anh trở lại thăm vùng đất nơi mình có nhiều năm gắn bó. Ở nơi này, Trèn đã không ít lần cùng bà con đi tuần tra giữ rừng, hoặc xuống làng tuyên truyền, vận động. Khi đã luân chuyển sang đơn vị mới, anh vẫn giữ mối liên lạc với nhiều người, rồi tranh thủ thăm lại anh em cán bộ trạm cùng bà con. Cuối chiều, chúng tôi cùng ngồi với anh em của trạm, miên man trong những câu chuyện, kỷ niệm với rừng. Hình như, trong họ, miền rừng này đã là một quê hương…

----------------
Bài 3: Ân nhân của động vật hoang dã

Năm năm, hơn 700 cuộc tuần tra với xấp xỉ 31 nghìn ngày đêm trong rừng, Hạt Kiểm lâm Rừng đặc dụng Sao La đã thực hiện nhiều cuộc giải cứu thú rừng. Đặc biệt là sự kiện ghi nhận được hình ảnh của sao la - loài “kỳ lân châu Á”.

Phóng sự của THÀNH CÔNG - ALĂNG NGƯỚC

Phóng sự của THÀNH CÔNG - ALĂNG NGƯỚC