Những người mở hội
Mới đó, mà đã đi được tới kỳ thứ 6 của lễ hội di sản Quảng Nam. Mới đó, mà sự kiện văn hóa này đã trở thành một vệt ký ức trong dặm dài thời gian làm văn hóa của họ.
|
Đêm Mỹ Sơn huyền thoại.Ảnh: LÊ VẤN |
Những hoạt động khởi đầu
Ông Đinh Hài, Giám đốc Sở VH-TT&DL giữ một hơi thật sâu, để kịp lùi ký ức của mình về hơn 15 năm trước. Khi lần đầu tiên, Quảng Nam có một lễ hội văn hóa xuyên suốt nhiều địa phương, nhiều ngày, và rất nhiều hoạt động. Cũng lần đầu tiên, người dân Quảng Nam biết đến lễ hội cộng đồng. Đó là lễ hội tôn vinh vùng đất, những câu chuyện, dấu ấn dân gian, với tên gọi Quảng Nam – Hành trình di sản. Ông Hài nói đúng là một cuộc hành trình, vì nó như một chuyến xe văn hóa chạy từ quá khứ đến hiện tại, rồi hướng đến tương lai, để làm nên một vệt tranh màu gửi đến người thưởng lãm. Và chính hành trình này, ngay từ sự bắt đầu, sẽ biết còn phải đến rất nhiều vùng đất nữa, chứ không phải chỉ dừng lại ở hai tên gọi Hội An và Mỹ Sơn - hai Di sản văn hóa thế giới. Và rất nhiều những cái tên đã đi cùng sự kiện này - như bà Hồ Thị Thanh Lâm, ông Nguyễn Đức Tuấn, ông Trần Minh Cả, ông Đinh Hài, ông Võ Phùng… - kể từ lúc nó chỉ đơn thuần mang ý nghĩa quảng bá địa phương, đến lúc Festival Di sản Quảng Nam trở thành một thương hiệu văn hóa - du lịch. Đó là những con người của sự tâm huyết, đã trăn trở dày công để biến một vùng đất nghèo thành đất của du lịch.
Ông Nguyễn Đức Tuấn - nguyên Giám đốc Sở Văn hóa thông tin Quảng Nam - nói, ngay khi được UNESCO công nhận 2 Di sản Văn hóa thế giới, tỉnh Quảng Nam đã nhận ra rằng, du lịch sẽ trở thành một trong những ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh. Và năm 2002, Sở Du lịch thành lập để hiện thực hóa kỳ vọng này. Từ sau năm 2000, khi hai cái tên Mỹ Sơn – Hội An được biết đến nhiều hơn, thì Quảng Nam trở thành một điểm đến như một hành trình không thể thiếu trong chuyến du lịch tới Việt Nam. Ông Tuấn nói: “Trước lúc tổ chức hội thảo 100 năm phát hiện Mỹ Sơn - năm 1998, những người làm văn hóa Hội An đã xây dựng đề án về sản phẩm “đêm rằm phố cổ Hội An”. Bản thân anh Võ Phùng (Giám đốc Trung tâm VHTT TP.Hội An), bây giờ tôi đánh giá là một chuyên gia tổ chức lễ hội. Lúc đó anh Phùng đã suy nghĩ và báo cáo lãnh đạo sở về kế hoạch tổ chức đêm hội. Ngay trong ngày hội thảo là lần tổ chức đầu tiên, mặc dù ở phạm vi nhỏ nhưng khách tham quan đã rất thích thú”.
Từ sự yêu thích này, những người làm văn hóa, du lịch Hội An cũng như Quảng Nam bắt đầu nghĩ về một lễ hội bài bản, đủ sức để kích thích du khách lưu trú ở Hội An. “Và năm 2000, khi Ban chỉ đạo Trung ương về phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống mới, chọn Quảng Nam để ra mắt Ban chỉ đạo, đồng thời tỉnh kết hợp tổ chức trọng thể lễ đón bằng công nhận di sản, thì ngay tối đó, lễ hội Đêm rằm phố cổ được tổ chức hoành tráng tại Hội An, tái hiện đời sống Hội An thế kỷ XX cũng như khởi đầu cho một chuỗi hoạt động sau này của phố cổ” - ông Tuấn kể.
Đến ý tưởng về festival
Trong khi đó, ông Đinh Hài lại nhớ đến câu chuyện về lần hợp tác đầu tiên từ những năm 2000, cũng là động thái bắt đầu cho chuỗi những hoạt động liên vùng sau này, của những địa phương có di sản hoặc có nền móng về phát triển du lịch. “Trước khi có Lễ hội Hành trình di sản, thì ngành văn hóa Quảng Nam đã phối hợp với hãng hàng không Vietnam Airline và TP.Đà Nẵng, TP.Huế làm sự kiện: Hội An - Hành trình từ quá khứ. Đây cũng là hoạt động tác động đến hình ảnh địa phương sau khi tách tỉnh cũng như sau khi được nhận bằng công nhận Di sản văn hóa” - ông Hài nói. Và theo ông, từ sự kiện này, chính quyền Quảng Nam đã bắt đầu nghiên cứu đến việc giới thiệu và quảng bá địa phương, đưa điều này trở thành mối quan tâm chung của nhiều ngành. Năm 2002, Sở Du lịch thành lập, ông Đinh Hài làm giám đốc, thì cũng là lúc để lãnh đạo tỉnh “đặt hàng” sở về một lễ hội mang tính quảng bá những giá trị văn hóa truyền thống lẫn văn hóa mới của địa phương. “Năm 2003, Sở Du lịch lúc đó chỉ có 20 người, còn rất non trẻ nhưng đã đảm đương một sự kiện văn hóa lớn đầu tiên của tỉnh. Lần đầu tiên thì chỉ tổ chức hạn hẹp trong phạm vi 2 Di sản văn hóa. Và chúng ta đã nhận được sự giúp đỡ rất lớn từ Bộ VHTT, Tổng cục Du lịch, Bộ Ngoại giao lúc bấy giờ. Họ hỗ trợ mọi thứ rất nhiệt tình” - ông Hài nói.
Đêm ở Hội An - địa phương tạo nền cho lễ hội Quảng Nam - Hành trình di sản. Ảnh: LÊ VẤN |
Chính sự khát khao về quảng bá hình ảnh, đầu tiên là những hình ảnh di sản, như cái cách mà trước đó, Huế và Hạ Long - Quảng Ninh đã làm, khiến người Quảng Nam không thể ngồi yên. Ông Võ Phùng - Giám đốc Trung tâm VHTT Hội An - cho rằng, lễ hội là một phần tất yếu không thể tách rời trong văn hóa, nhất là đối với Hội An, nơi có không gian phố cổ và rất nhiều những dấu ấn văn hóa dân gian. Mỹ Sơn thì càng phải cần một lễ hội, để kể lại sinh động câu chuyện của một nền văn hóa ngàn năm. Chính điều đó, ông Phùng nói, đã khiến Quảng Nam ngay từ những năm 2000 đã xác định phải làm một câu chuyện về lễ hội. “Riêng với Hội An, hiện tại, một số lễ hội dường như đã trở thành “thương hiệu” gắn liền với di sản, để mỗi khi nói đến du khách đều mặc nhiên hiểu đó là Hội An, như lễ hội lồng đèn hay Đêm rằm phố Hội. Và ngoài việc thỏa mãn nhu cầu tâm linh hay văn hóa của người dân còn là một sản phẩm du lịch hấp dẫn phục vụ khách. Ở đó người dân và du khách cùng hòa vào lễ hội để tận hưởng và trải nghiệm những cảm xúc chân thật chứ không đơn thuần chỉ là trình diễn” - ông Phùng nói.
Chính từ sự khơi mở ở một địa phương như Hội An, đã “kích thích” những nhà quản lý cấp cao hơn. Năm 2003, người Quảng Nam bắt đầu có cho riêng mình một lễ hội mới, ở vị thế của một lễ hội cấp quốc gia. “Quảng Nam - Hành trình di sản” khởi đi từ đó. Tiếp sau đó, năm 2005, lễ hội lại bắt đầu với những câu chuyện mới, bằng chính nguồn lực nội sinh của văn hóa dân gian. Ông Đinh Hài nhớ lại, qua 2 lần tổ chức đầu tiên, Quảng Nam đã gây được dấu ấn với những người làm du lịch chuyên nghiệp cũng như du khách các nơi. Để đến năm 2006, Năm Du lịch Quốc gia Việt Nam lần thứ II đã được giao cho tỉnh Quảng Nam đăng cai.
Những hình ảnh văn hóa đặc sắc của Quảng Nam, theo một hành trình, dần dần được lật giở, để mang đến cho du khách cũng như cư dân địa phương những “buổi tiệc” văn hóa nghệ thuật đặc sắc. Nói như ông Lê Văn Thanh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, thì đến bây giờ, festival đã làm đúng như những gì mà một lễ hội hướng tới, đó là quảng bá hình ảnh địa phương, kích cầu du lịch và tạo nên một sự nối kết giữa tất cả giá trị văn hóa vùng miền. Điều này, khởi đi từ tầm nhìn của những người đầu tiên làm nên chuyện hội hè này.
QUÂN LÊ