"Những bông hoa đời thường"
Trích một phần trong nguồn thu nhập từ việc kinh doanh hằng ngày hoặc tiết kiệm tiền để giúp đỡ cho những cụ già neo đơn là việc làm đầy nghĩa tình mà nhiều chị em phụ nữ ở xã Tam Lãnh (huyện Phú Ninh) đã thực hiện trong nhiều năm nay.
Chị Thắm mang những món hàng thiết yếu trong quầy tạp hóa của mình đến giúp đỡ bà Lúc. Ảnh: Đ.DƯƠNG |
Về thăm nhà bà Lê Thị Lúc (77 tuổi, trú thôn An Bình, xã Tam Lãnh), chúng tôi được chứng kiến những việc làm giản dị nhưng đầy ân tình của chị em phụ nữ nơi đây. Vừa trao cho bà Lúc một túi đồ gia vị bao gồm nước mắm, muối, mì chính và thêm một lốc sữa, chị Nguyễn Thị Lệ Thắm (chủ một cửa hàng tạp hóa tại Tam Lãnh) cho biết, bà Lúc gia cảnh khốn khó, tuổi thì cao nhưng phải sống một mình trong căn nhà ọp ẹp không người chăm sóc. Đặc biệt, năm 2015 sau lần bị té ngã, bà Lúc yếu dần, không thể tự mưu sinh, lại chịu cảnh đau nhức khi trái gió trở trời. Người thân trong gia đình của bà chỉ còn lại một đứa cháu gái đã có chồng và có hai con nhỏ, hoàn cảnh khó khăn nên chị Thắm đã chủ động đem những món đồ dùng cần thiết có trong cửa hàng tạp hóa của mình tới để giúp đỡ bà Lúc. Chị Thắm nói: “Bà Lúc trước đây còn có thể làm lụng, bán bánh ít kiếm tiền, nhưng sau lần ngã gãy 6 xương sườn thì không còn làm gì được nữa, con cái lại không có nên tôi giúp được gì cho bà thì giúp”.
Không chỉ nhận được sự giúp đỡ của chị Thắm, từ khi thấy hoàn cảnh của bà Lúc quá khó khăn, Hội LHPN xã Tam Lãnh đã vận động những hội viên trong thôn, những chị nào bán hàng gì thì giúp đỡ bà Lúc món hàng đó, từ hàng ăn thức uống cho đến may mặc, thuốc tây… “Trước đây Hội LHPN xã Tam Lãnh cũng đã có rất nhiều hoạt động như lập hũ gạo tiết kiệm, tặng quà… để giúp đỡ chị em nhưng không đem lại kết quả thiết thực với những cụ già neo đơn, nên hội đã chọn cách vận động các phụ nữ trong thôn, ai có gì cho nấy để giúp đỡ những hộ này” - chị Bùi Thị Hà, Chủ tịch Hội LHPN xã Tam Lãnh cho biết. Sau khi vận động giúp đỡ, Chi hội phụ nữ thôn An Bình đã cho ra mắt mô hình “Những bông hoa đời thường” và đến nay có rất nhiều chị em trong thôn đồng lòng mỗi người một việc giúp đỡ bà Lúc.
Không chỉ riêng tại thôn An Bình, những hỗ trợ thiết thực của chị em phụ nữ Tam Lãnh cũng đang làm ấm lòng nhiều hoàn cảnh già yếu ở thôn Đàn Thượng. Mỗi ngày, chị em phụ nữ nơi đây thay nhau chăm sóc cho bà Huỳnh Thị Hờ (79 tuổi). Bà Hờ hoàn cảnh cũng không khác gì bà Lúc. Ở cái tuổi cuối cuộc đời nhưng bà Hờ phải sống một mình, thân già mang nhiều bệnh tật không thể tự lo cái ăn hằng ngày. Thấy hoàn cảnh khó khăn của bà Hờ, Chi hội phụ nữ thôn Đàn Thượng đã ra mắt mô hình tiết kiệm “5 + 1” rồi vận động chị em mỗi người một việc chăm lo cho bà. “Ban đầu hội chỉ vận động những hộ buôn bán, có kinh tế khá giả giúp đỡ cụ nhưng sau này có rất nhiều chị em nhiệt tình tham gia. Giúp cụ tiền bạc cũng không hiệu quả bằng giúp đỡ cụ cái ăn, cái mặc hàng ngày. Hội đã chọn những chị em làm kinh doanh, buôn bán liên quan đến những vật dụng cần thiết hỗ trợ chủ yếu, các chị em còn lại thì có thể bỏ heo tiết kiệm, góp gạo giúp đỡ hay trông nom bà hằng ngày. Ngoài ra, ở thôn còn rất nhiều hoàn cảnh khó khăn khác không kém bà Hờ nên chi hội cũng trích một phần số tiền để giúp đỡ họ những lúc khốn khó” - chị Phan Thị Kim Xinh, Chi hội trưởng Chi hội phụ nữ thôn Đàn Thượng chia sẻ.
Sau khi mô hình “Những bông hoa đời thường” ở thôn An Bình, mô hình tiết kiệm “5 + 1” ở Đàn Thượng ra mắt thì các thôn An Mỹ, An Trung, Bồng Miêu, An Lâu 1 cũng đã vận động chị em hội viên nhận giúp đỡ những người già yếu, neo đơn. “Đây là mô hình mới, rất thiết thực đối với các hộ già neo đơn, nên trong thời gian tới hội sẽ tiếp tục nhân rộng ra trên địa bàn toàn xã” - chị Hà cho biết.
ĐÔNG DƯƠNG