"Lột xác" để du lịch phát triển

ALĂNG NGƯỚC 24/05/2017 08:37

Bên cạnh nỗ lực đầu tư, xây dựng các điểm du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng gắn với “đặc sản” văn hóa truyền thống của đồng bào Cơ Tu, huyện Đông Giang tiếp tục nghiên cứu để tìm hướng “lột xác” các sản phẩm du lịch đặc trưng vốn có, nhằm tạo cơ hội quảng bá và thu hút du khách.

Đánh thức tiềm năng

Sau thời gian bị “bỏ quên”, khu di tích lịch sử Dốc Gợp (nằm trong quần thể hang Gợp, thuộc địa phận xã Ma Cooih) nay đang trở thành địa chỉ du lịch sinh thái mới cho nhiều du khách. Với vẻ đẹp hoang sơ, đầy quyến rũ ẩn mình dưới trập trùng mây núi, hang Gợp được đánh giá là một trong những điểm tham quan du lịch độc đáo của huyện Đông Giang trong tương lai. Vì thế, việc quy hoạch hình thành các sản phẩm đặc trưng từ hang Gợp đang được chính quyền địa phương nghiên cứu tìm hướng đánh thức, tạo cơ hội kết nối theo các tour du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái gắn với văn hóa truyền thống của đồng bào vùng cao.

Với cảnh quan thiên nhiên kỳ thú, hang Gợp được kỳ vọng sẽ trở thành “đòn bẩy” giúp du lịch ở Đông Giang có cơ hội “lột xác”. Ảnh: V.R
Với cảnh quan thiên nhiên kỳ thú, hang Gợp được kỳ vọng sẽ trở thành “đòn bẩy” giúp du lịch ở Đông Giang có cơ hội “lột xác”. Ảnh: V.R

Bà Ating Tươi - Phó Chủ tịch UBND huyện Đông Giang cho biết, cùng với việc đẩy mạnh phát triển các điểm du lịch cộng đồng, địa phương đang kêu gọi đầu tư cho một số công trình, hạng mục tại các khu du lịch văn hóa, du lịch sinh thái có tiềm năng phát triển mạnh mẽ như hang Gợp (xã Ma Cooih); khu du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng phía tây Bà Nà - Bạch Mã (xã Tư); suối nước nóng tại thôn Bhơ Hôồng 1 (xã Sông Kôn)… Bởi đây là những điểm du lịch độc đáo, có cơ hội phát triển lớn và mang tính đặc trưng của vùng. Trong đó, hang Gợp, dù chưa được đầu tư khai thác nhưng đã trở thành điểm đến lý tưởng của nhiều du khách, với khối đá lớn, cùng hệ thống hang động, thạch nhũ, không gian “giếng trời” và các khu thác nước tắm mát quanh khu vực. Ngoài ra, gần hang Gợp còn có thác 7 tầng, với vẻ đẹp còn nguyên sơ, hấp dẫn để phát triển du lịch sinh thái tại địa phương miền núi. “Hiện nay, một số điểm du lịch cộng đồng tại Đông Giang như Bhơ Hôồng 1, Đh’rôồng hay đồi chè Trung Mang đã có những hoạt động cụ thể nhằm đón chân du khách. Mặc dù tiềm năng rất lớn nhưng tại các điểm du lịch khác trên địa bàn huyện vẫn chưa được khai thác đúng mức, khiến nhiều tiềm năng còn bỏ ngỏ, chưa thực sự phát huy giá trị” - bà Tươi cho biết.  

Để các điểm du lịch của địa phương được đánh thức, theo bà Tươi, cần có sự chung tay từ các nhà đầu tư, cũng như các dự án của tỉnh, giúp du lịch ở miền núi có cơ hội được “lột xác”. Trong chuyến đi khảo sát nhằm xúc tiến việc quy hoạch phát triển du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái tại Đông Giang mới đây, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh đã đến khu sinh thái hang Gợp và một số thắng cảnh của địa phương. Cho rằng định hướng khai thác tiềm năng du lịch là một trong những dự án động lực để phát triển vùng miền núi phía tây của tỉnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh nhấn mạnh, huyện Đông Giang cần tiếp tục xây dựng quy hoạch chi tiết để hình thành chuỗi điểm liên kết giữa các vùng trên địa bàn, điểm nhấn là làng du lịch Bhơ Hôồng 1 (xã Sông Kôn) và làng dệt thổ cẩm Đh’rôồng (xã Tà Lu). Đồng thời lưu ý địa phương cần tiếp tục khai thác các sản phẩm du lịch, gắn với các giải pháp nhằm bảo vệ nguyên trạng các điểm mới phát hiện và tập trung định hướng phát triển du lịch gắn với đảm bảo đời sống người dân, cũng như bảo tồn văn hóa của đồng bào Cơ Tu.

Đón nhận cơ hội phát triển

Theo lộ trình đầu tư phát triển du lịch tại huyện Đông Giang giai đoạn 2016 - 2020, địa phương có 5 dự án xây dựng đã và đang kêu gọi nguồn vốn đầu tư từ các doanh nghiệp để khai thác. Ngoài dự án nâng cấp homestay tại xã Sông Kôn, nhiều dự án mới có khả năng phát triển du lịch như dự án khu du lịch nghỉ dưỡng, sinh thái, thể thao phía tây Bà Nà - Bạch Mã (xã Tư); khu du lịch - kinh tế lòng hồ thủy điện A Vương; khu du lịch sinh thái Dốc Gợp (xã Ma Cooih)… cũng sẽ được đầu tư mở rộng, tạo cơ hội phát triển du lịch miền núi theo hướng liên kết vùng theo trục đường Hồ Chí Minh và quốc lộ 14G.

Tuy nhiên, bà Ating Tươi cũng cho rằng, mặc dù địa phương có lợi thế và tiềm năng để phát triển du lịch, nhưng do điều kiện kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn, việc đầu tư khai thác các sản phẩm du lịch từ cộng đồng, sinh thái chưa triệt để vì thiếu nguồn lực. Đó là “rào cản” trong phát triển du lịch của địa phương, suốt một thời gian khá dài. “Cùng với ngân sách của địa phương, chúng tôi đang kêu gọi các nhà đầu tư, các doanh nghiệp đến khảo sát và xúc tiến khai thác các sản phẩm du lịch đặc trưng của Đông Giang trong thời gian tới. Song song với đó, chúng tôi cũng tìm cách kết nối liên vùng, nhằm hình thành nên chuỗi liên kết theo trục đường Hồ Chí Minh, từ huyện A Lưới (Thừa Thiên Huế) sang tận các huyện Tây Giang, Nam Giang và Phước Sơn, với sản phẩm du lịch đa dạng và độc đáo, phục vụ tốt cho du khách” - bà Tươi nói. Hiện địa phương triển khai xây dựng mặt bằng khu công viên văn hóa Cơ Tu tại thị trấn P’rao, trong tương lai sẽ trở thành điểm dừng chân lý tưởng cho du khách trên hành trình đến với Đông Giang, thông qua các tour du lịch cộng đồng.

Ông Nguyễn Bằng - nguyên Bí thư Huyện ủy Đông Giang chia sẻ, bên cạnh tiềm năng về các điểm du lịch sinh thái độc đáo gắn với văn hóa truyền thống của đồng bào Cơ Tu, địa phương còn có lợi thế về giao thông đi lại - “cửa ngõ” nối Đông Giang với TP.Đà Nẵng theo tuyến quốc lộ 14G, cũng như các huyện Tây Giang, Nam Giang theo trục đường Hồ Chí Minh. Do vậy, để đón đầu cơ hội phát triển du lịch liên vùng, cần có sự hợp sức từ các địa phương với các chuỗi giá trị sản phẩm độc đáo, phong phú và không thể tách rời nhau. “Các sản phẩm về du lịch sinh thái, du lịch văn hóa giữa các địa phương, các vùng cần tránh bị trùng lặp nhau, khiến giảm tính hấp dẫn sản phẩm du lịch của toàn vùng. Bên cạnh đó, cần thay đổi tư duy về chiến lược phát triển du lịch, cũng như điều chỉnh cơ chế chính sách để thu hút đầu tư, tạo cơ hội phát triển mới” - ông Bằng nhấn mạnh.

ALĂNG NGƯỚC

ALĂNG NGƯỚC