Hệ lụy từ... mặt bằng
Lâu nay, giải phóng mặt bằng luôn là khâu “khó nhằn” nhất trong quá trình triển khai, thực hiện dự án. Nếu khâu này bị ách tắc, thiệt hại không chỉ gây ra cho nhà đầu tư mà kéo theo rất nhiều hệ lụy.
Sở Giao thông vận tải đã, đang là chủ đầu tư 6 dự án về hạ tầng giao thông, từ huyện miền núi Tây Giang (đường vào trung tâm xã A Xan, nối xã Ch’Ơm đến cửa khẩu phụ Tây Giang) xuôi về Điện Bàn (ĐT605, ĐT607), Hội An (ĐT608), hoặc vào Duy Xuyên (ĐT610), Thăng Bình (đường nối đường 129 đến quốc lộ 1, đường nối quốc lộ 1 đến nút giao thông đường cao tốc). Mỗi công trình triển khai, ít hay nhiều đều vướng phải “điểm nghẽn” về giải phóng mặt bằng. Đến thời điểm này, ngành chức năng và đại diện chủ đầu tư (Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh) đã yên tâm khi tuyến ĐT610, đoạn nối Nông Sơn - Duy Xuyên hoàn thành, đưa vào sử dụng liên thông cùng cầu Giao Thủy. Tuyến ĐT605 không còn vướng mắc nào đáng kể. Tuy nhiên, một số dự án khác lại nằm ngoài diện may mắn như trên. Chẳng hạn, nhiều điểm ách tắc chưa được tháo gỡ tại hai dự án nằm trên địa bàn huyện Thăng Bình. Nửa năm trời, có nhà thầu nhận mặt bằng với chiều dài vỏn vẹn khoảng hai trăm mét nhưng gặp nút thắt mặt bằng nên phải thi công cầm chừng. Đất của người dân chưa giải tỏa xong, nằm án ngữ giữa 2 đoạn tuyến được bàn giao. Để qua lại, đơn vị thi công phải chi tiền thuê đất làm đường, nếu không muốn trang thiết bị “đắp chiếu”.
Mặt trái của ách tắc về giải phóng mặt bằng còn dẫn đến nhiều hệ lụy khác. Những hạng mục thi công trước sẽ không phát huy hiệu quả, do phải chờ nhiều vị trí khác khớp nối. Công trình còn kéo dài, thất thoát về nguồn lực đầu tư, nhất là nguồn lực vô hình là điều khó tránh khỏi. Rõ ràng, các hạng mục thi công không đồng bộ đâu có thể kết dính hoàn hảo về quy trình kỹ thuật. Vướng dai dẳng về mặt bằng, nhiều công trình hạ tầng giao thông đang vấp phải những lực cản khó khai thông do thay đổi về chích sách liên quan. Vụ việc hàng trăm người dân khu vực khối Quảng Lăng 2, phường Điện Nam Trung (Điện Bàn) dùng vật cản ngăn chặn lưu thông trên tuyến ĐT607 vào ngày 17.5 là minh chứng. Gần 2 năm qua, từ khi tuyến đường ĐT607 được tiến hành nâng cấp, đoạn đường chạy qua khu vực khối Quảng Lăng 2, phường Điện Nam Trung chỉ mới có 1 làn đường được hoàn thiện. Phần còn lại bên trái tuyến “đứng bánh” khiến người dân ven đó khổ sở vì bụi bặm, tiếng ồn, nhếch nhác, mất an toàn giao thông. Đại diện chủ đầu tư khẳng định, sự cố này không phải do nhà thầu thiếu năng lực hoặc hao hụt kinh phí xây dựng, mà mấu chốt nằm ở khâu giải phóng mặt bằng. Chính quyền thị xã Điện Bàn cũng thừa nhận, phương án bồi thường, hỗ trợ cũ người dân đã chấp thuận đền bù. Song do chậm trả tiền, trong thời gian này Luật Đất đai 2013 mới có hiệu lực nên họ đề nghị chi trả theo giá mới dẫn đến việc chậm trễ phải xin ý kiến của UBND tỉnh.
Đề cập giải phóng mặt bằng, Sáu tôi nhớ lại chuyện một số hộ dân xã Tam Ngọc (Tam Kỳ) cản trở thi công dự án đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi vì cho rằng giá cả bồi thường chưa tương xứng, sai lệch. Công an đã vào cuộc điều tra. Và có cán bộ đã trả giá cho việc “đi đêm” với thành phần xấu, ăn chia tiền không thuộc về mình. Quả thật, dự án muốn thi công xong thì tất yếu mặt bằng cần phải hoàn thành trước.
SÁU CÒI