Dấu chân những người giữ rừng - Bài 1: Gác cổng rừng thiêng

Phóng sự của THÀNH CÔNG - ALĂNG NGƯỚC 23/05/2017 09:20

Phía bạt ngàn xanh của bao cánh rừng Trường Sơn, có dấu chân lặng lẽ của lực lượng kiểm lâm viên - những người giữ rừng, miệt mài với cuộc tuần tra. Nhân kỷ niệm 44 năm Ngày truyền thống lực lượng Kiểm lâm (21.5), những ngày cuối tháng 5 vừa qua, chúng tôi có dịp trở thành bạn đồng hành trong các chuyến tuần tra bảo vệ rừng, chứng kiến và được nghe bao câu chuyện về tình yêu của họ, với màu xanh của rừng…

Kiểm lâm viên Trạm chốt chặn rừng lim Lăng - Zuôih trên đường tuần tra. Ảnh: ALĂNG NGƯỚC
Kiểm lâm viên Trạm chốt chặn rừng lim Lăng - Zuôih trên đường tuần tra. Ảnh: ALĂNG NGƯỚC

BÀI 1: GÁC CỔNG RỪNG THIÊNG

Ngoài con đường tuần tra do chính cán bộ kiểm lâm của Trạm chốt chặn rừng lim Lăng - Zuôih, thuộc Hạt Kiểm lâm rừng phòng hộ Bắc Sông Bung mở, cả cánh rừng lim bạt ngàn trên địa bàn huyện Tây Giang rất ít dấu vết của con người. Suốt nhiều năm, lực lượng kiểm lâm viên cần mẫn canh giữ, chốt chặn vị trí trọng yếu, thầm lặng bảo vệ rừng.

Đêm lặng giữa lòng hồ

Chiếc phà cập bờ Khe Vinh (xã Ta Bhing, huyện Nam Giang). Đón chúng tôi là Trạm trưởng Nguyễn Thành Long, cùng 2 kiểm lâm viên của Trạm chốt chặn rừng lim Lăng - Zuôih. Vội vã vận chuyển đồ đạc lên phà, Trạm trưởng Long giục cả đoàn nhanh chân để kịp trở vào lán trại, khi phía núi mây đen đã bắt đầu vần vũ. “Trời này, dễ có gió lớn. Nếu không tranh thủ, có thể sẽ gặp sóng lớn giữa lòng hồ, rất nguy hiểm” - anh Long nói lớn, để át đi tiếng máy phà. Đã nhiều năm cầm lái chiếc phà này kể từ sau khi tốt nghiệp lớp thuyền trưởng, Trạm trưởng Long thuộc từng gốc cây, vách đá ngầm dưới lòng hồ. Chiếc phà lướt đi, băng qua những vạt rừng đẹp như tranh ven lòng hồ. Từ Khe Vinh ngược vào đến lán vừa vặn một tiếng đồng hồ. Căn lán nhỏ nằm ngay mép nước. Từ chốt điểm này, lực lượng kiểm lâm có thể kiểm soát cả đường bộ lẫn đường thủy đến rừng lim. Góc rừng, tiếng ếch bắt đầu vang theo ánh chiều chập choạng.

Khi chúng tôi đang thực hiện bài viết này, Trạm trưởng Nguyễn Thành Long điện thoại báo tin, từ kinh phí của địa phương, Trạm chốt chặn rừng lim Lăng - Zuôih đã được hỗ trợ xây trạm gác kiên cố nằm trên đỉnh đồi gần nơi đặt lán cũ. Ngoài ra, trạm cũng được cấp máy phát điện và ti vi. Chúng tôi chia sẻ tin vui lớn này với anh em ở trạm, khi mùa mưa đang đến rất gần.

Lán có 7 người, đảm bảo quân số cho một kíp trực. Bữa cơm tối được chuẩn bị, bằng rau trồng quanh lán, cá câu từ lòng hồ và ít thịt muối mang từ nhà lên. Trời sập tối, ánh sáng từ bóng đèn điện duy nhất thắp bằng ắc quy, lờ mờ rọi xuống mâm cơm. Chừng như đã quá quen với cuộc sống ở rừng, bữa cơm vẫn rộn rã những câu chuyện dưới ánh đèn hiu hắt. Trạm trưởng Long kể, nơi này, dù tạm bợ, vẫn tốt hơn nhiều so với những ngày còn ăn ngủ lênh đênh trên phà. Vùng đất này thuộc thôn Pà Đhí (xã Zuôih, Nam Giang), được đơn vị “mượn” của địa phương làm nơi đóng quân. Trước đây, trạm dựng lán sâu trong rừng, thuộc địa phận xã Lăng (huyện Tây Giang). “Thành lập từ tháng 8.2014, đến tháng 10 chiếc phà này được hạ thủy. Từ đó anh em sinh hoạt ngay trên phà. Dựng lán trên bờ cũng mới đây thôi. Khu dân cư gần nhất cách hơn 5 cây số đường rừng, mà cũng phải đi phà mới sang được” - anh Long nói.

Chút rộn rã chóng vánh trôi qua theo bữa cơm tối, trả lại không gian yên ắng như thường lệ, ở góc rừng này. Một ngày ở rừng, công việc tuần tra dường như đã chiếm hết thời gian của anh em ở trạm. Đêm. Thú vui gần như duy nhất là lên phà, ôm cần câu cá. Mọi hoạt động cứ thế chìm trong lặng yên. Kiểm lâm viên Pơloong Láo giăng chiếc võng, chuẩn bị chỗ ngủ. Chúng tôi nhìn đồng hồ, chưa đến 8 giờ tối. Ánh sáng từ chiếc điện thoại hắt lên, hiện rõ nụ cười trên khuôn mặt của Pơloong Láo. Trên màn hình điện thoại, hình ảnh về vợ và đứa con trai mà anh lưu lại trong những dịp về thăm nhà lần lượt lướt qua. Đó cũng là niềm vui giản dị cuối ngày, trước khi Pơloong Láo chìm vào giấc ngủ. Ngoài kia, gió xào xạc thổi, phía lòng hồ.

Quản lý lâm phận hơn 13.000ha rừng, trong đó có cánh rừng lim quý hiếm với hơn 300 cây có đường kính gốc rất lớn, Trạm chốt chặn rừng lim Lăng - Zuôih được thành lập với mục tiêu bảo vệ nghiêm ngặt “kho báu” này. Vì thế, cán bộ của trạm hầu như không ngày nào vắng mặt. Biên chế chỉ có 9 người, mỗi kíp trực đã phải huy động 7 thành viên, kéo dài suốt một tuần. Sau mỗi kíp trực, có 2 cán bộ được thay ra để lo việc giấy tờ, tiếp tế xăng dầu, thực phẩm. Luân phiên như thế, công việc cứ lặng lẽ ngày này nối tháng khác. Đều công tác xa nhà, những ngày phép, anh em phải vượt hàng trăm cây số, tranh thủ về với gia đình, vợ con. Như câu chuyện của Pơloong Láo, vợ con ở tận xã Trà Kót (Bắc Trà My), mỗi lần về thăm, anh phải vượt gần 600 cây số cả đi và về. Còn lại là chuỗi ngày triền miên với rừng, với căn lán nhỏ bên mênh mông lòng hồ thủy điện Sông Bung 2. Cũng như Pơloong Láo, hầu hết anh em đều chung cảnh xa nhà, xa vợ con. Nhẩm tính sơ, một năm, đã mất chín tháng sống với rừng…

Dưới bóng rừng lim

Chúng tôi thức giấc, bởi tiếng lao xao của đàn cá từ dưới lòng hồ tìm lên tận mép nước trước lán trại. Sau bữa sáng đạm bạc, chúng tôi theo chân cán bộ kiểm lâm, bắt đầu chuyến tuần tra rừng. Chiếc phà ngược nguồn, đi sâu về phía suối Lăng. Cán bộ kiểm lâm cho biết, từ đây, mất khoảng chừng một giờ đồng hồ băng bộ là đến khu rừng lim. Ngoài con đường tuần tra chỉ vừa một người đi, xung quanh hầu như không có vết dấu của con người. Chúng tôi băng qua những đoạn suối trong vắt nước ngập đến thắt lưng, luồn theo con đường mòn lau lách rậm rịt. Dốc nối dốc, con đường tuần tra len lỏi xuyên qua những ngọn đồi, hướng về phía rừng lim.

Có khoảng 300 cây lim hàng trăm năm tuổi, có đường kính gốc lớn đang được bảo vệ nghiêm ngặt ở khu vực này.
Có khoảng 300 cây lim hàng trăm năm tuổi, có đường kính gốc lớn đang được bảo vệ nghiêm ngặt ở khu vực này.

Nghỉ chân bên bờ suối, kiểm lâm viên Alăng Yvân chỉ tay về phía đỉnh đồi, những tán lim vươn cao, dày đặc khắp một vùng. Cảm giác, khoảng cách chỉ chừng một cái với tay, nhưng để đến được khu rừng lim là cả một hành trình gian nan. Chúng tôi bám lấy từng nhánh cây, đoạn dây leo, ngược dốc. Nhiều đoạn, anh em kiểm lâm phải dừng lại giúp sức để băng qua một gốc cây lớn. Mùn đóng từng lớp dày dưới chân. Hiếm hoi mới thấy sợi nắng xuyên qua tán lá dày trên đỉnh đầu. Gốc lim đầu tiên mà chúng tôi chạm mặt, nằm ở lưng chừng đồi, thẳng đứng, gốc to đến 4 người ôm. Từng mảnh vỏ cây sần sùi ôm lấy gốc. Đoạn đồi này, lim mọc dày, hàng chục gốc cây khổng lồ nằm chỉ cách nhau chừng vài mét. Kiểm lâm viên Bùi Ngọc Thạch cho hay, mỗi gốc lim này có tuổi đời hàng trăm năm. “Chỉ cần chặt hạ một cây đã đủ bị khởi tố. Bởi đây là loại gỗ quý hiếm, thuộc nhóm 2A nằm trong danh sách được bảo vệ nghiêm ngặt. Loài cây này thường mọc dày, nằm lưng chừng các sườn núi dốc. Khu vực này nằm gần suối Lăng, rất thuận tiện cho việc vận chuyển. Vậy nên, nếu lơ là, chỉ cần một tuần, lâm tặc có thể chặt trụi cả vạt lim này” - kiểm lâm viên Thạch nói.

Những gốc lim ở rừng này đều được đánh số, là cơ sở cho việc kiểm đếm, quản lý hiện trạng. Cứ thế, những cuộc tuần tra nối tiếp, theo số hiệu kiểm đếm của từng gốc lim. Để đến được cánh rừng xa nhất, có những chuyến đi, cán bộ trạm phải ngủ lại trong rừng, suốt vài ba ngày. Hành trình ấy cứ tuần tự lặp lại, chỉ với mục đích duy nhất, là không một cây gỗ lim nào phải đổ xuống, vì bàn tay của lâm tặc. Trưởng trạm Nguyễn Thành Long tâm sự, chỉ cần phát hiện một bếp lửa, một vết phát dọn - dấu tích sự hiện diện của con người - ở trong cánh rừng này, là anh em phải căng mình rà soát. Chỉ đến khi biết chắc chắn đó chỉ là những người địa phương đi bứt mây, hái nấm, hoặc đánh bắt cá, thì những căng thẳng mới giảm đi phần nào. “Chúng tôi luôn dặn nhau phải tập trung cao độ cho việc bảo vệ rừng lim này. Bất kể ngày đêm, cả đường sông lẫn đường rừng, mọi sự xâm nhập đều phải được phát hiện, nắm bắt kịp thời. Ngay cả dịp lễ tết, anh em vẫn chia ca túc trực, đảm bảo giữ an toàn tuyệt đối cho rừng lim” - anh Long bộc bạch.

Chúng tôi cẩn trọng từng bước đi dưới tán rừng lim nguyên sinh. Bởi dưới chân mình là vô số những mầm lim con đang lặng lẽ vươn lên từ lớp mùn dày. Màu xanh vẫn được gìn giữ, từng ngày, bằng chính giọt mồ hôi và tình yêu của anh em cán bộ Trạm chốt chặn rừng lim Lăng - Zuôih, với rừng…

---------------
Bài 2: Theo bước lực lượng “biệt phái”

Được “biệt phái” canh giữ vùng lõi Vườn quốc gia Bạch Mã khu vực thuộc địa phận huyện Đông Giang, tình yêu với rừng đã giúp họ vững tâm, bước tiếp những chuyến tuần tra…

Phóng sự của THÀNH CÔNG - ALĂNG NGƯỚC

Phóng sự của THÀNH CÔNG - ALĂNG NGƯỚC