Hỏi đáp chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế (tiếp theo)
|
(QNO) - Hỏi: Tôi làm công ty được 4 năm và có đóng tất cả bảo hiểm. Giờ tôi nghỉ ngang, tôi có được hưởng quyền lợi gì không và thủ tục thế nào?
Bảo hiểm xã hội (BHXH) tỉnh trả lời như sau:
Nếu bạn đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động đúng pháp luật thì khi nghỉ việc, bạn sẽ được hưởng trợ cấp thôi việc theo Điều 48 Bộ luật Lao động năm 2012 và trợ cấp thất nghiệp.
Trường hợp bạn nghỉ ngang trái luật thì không được hưởng trợ cấp thôi việc, trợ cấp thất nghiệp. Nhưng quyền lợi về BHXH của bạn vẫn được bảo đảm.
Hỏi: Người lao động đóng BHXH liên tục đủ 15 năm có được hưởng lương hưu không?
BHXH tỉnh trả lời như sau:
Điều 54 Luật BHXH quy định về điều kiện hưởng lương hưu như sau:
1. Người lao động quy định tại các điểm a, b, c, d, g, h và i khoản 1 Điều 2 của luật này, trừ trường hợp quy định tại khoản 3 điều này, khi nghỉ việc có đủ 20 năm đóng BHXH trở lên thì được hưởng lương hưu nếu thuộc một trong các trường hợp sau đây:
a) Nam đủ 60 tuổi, nữ đủ 55 tuổi;
b) Nam từ đủ 55 tuổi đến đủ 60 tuổi, nữ từ đủ 50 tuổi đến đủ 55 tuổi và có đủ 15 năm làm nghề hoặc công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm thuộc danh mục do Bộ LĐ-TB&XH, Bộ Y tế ban hành hoặc có đủ 15 năm làm việc ở nơi có phụ cấp khu vực hệ số 0,7 trở lên;
c) Người lao động từ đủ 50 tuổi đến đủ 55 tuổi và có đủ 20 năm đóng BHXH trở lên mà trong đó có đủ 15 năm làm công việc khai thác than trong hầm lò;
d) Người bị nhiễm HIV/AIDS do tai nạn rủi ro nghề nghiệp.
2. Người lao động quy định tại điểm đ và điểm e khoản 1 Điều 2 của luật này nghỉ việc có đủ 20 năm đóng BHXH trở lên được hưởng lương hưu khi thuộc một trong các trường hợp sau đây:
a) Nam đủ 55 tuổi, nữ đủ 50 tuổi, trừ trường hợp Luật Sĩ quan quân đội nhân dân Việt Nam, Luật Công an nhân dân, Luật Cơ yếu có quy định khác;
b) Nam từ đủ 50 tuổi đến đủ 55 tuổi, nữ từ đủ 45 tuổi đến đủ 50 tuổi và có đủ 15 năm làm nghề hoặc công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm thuộc danh mục do Bộ LĐ-TB&XH, Bộ Y tế ban hành hoặc có đủ 15 năm làm việc ở nơi có phụ cấp khu vực hệ số 0,7 trở lên;
c) Người bị nhiễm HIV/AIDS do tai nạn rủi ro nghề nghiệp.
3. Lao động nữ là người hoạt động chuyên trách hoặc không chuyên trách ở xã, phường, thị trấn tham gia BHXH khi nghỉ việc mà có từ đủ 15 năm đến dưới 20 năm đóng BHXH và đủ 55 tuổi thì được hưởng lương hưu.
4. Chính phủ quy định điều kiện về tuổi hưởng lương hưu đối với một số trường hợp đặc biệt; điều kiện hưởng lương hưu của các đối tượng quy định tại điểm c và điểm d khoản 1, điểm c khoản 2 điều này.
Như vậy, ngoài số năm đóng BHXH, còn có độ tuổi của người lao động khi nghỉ hưu. Nếu bạn có 15 năm đóng BHXH liên tục khi làm nghề hoặc công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm thuộc danh mục do Bộ LĐ-TB&XH, Bộ Y tế ban hành hoặc có đủ 15 năm làm việc ở nơi có phụ cấp khu vực hệ số 0,7 trở lên thì đủ điều kiện nghỉ hưu khi từ đủ 55 tuổi đến 60 tuổi (với nam) và từ đủ 50 tuổi đến 60 tuổi (với nữ).
Hỏi: Tôi nghỉ việc từ tháng 12.2016 đến nay chưa nhận được sổ BHXH nên không đi đăng ký thất nghiệp để hưởng trợ cấp thất nghiệp được. Tôi phải làm sao?
BHXH tỉnh trả lời như sau:
Khoản 2, 3 Điều 47 Bộ luật Lao động 2012 quy định: Trong thời hạn 7 ngày làm việc, kể từ ngày chấm dứt hợp đồng lao động, hai bên có trách nhiệm thanh toán đầy đủ các khoản có liên quan đến quyền lợi của mỗi bên; trường hợp đặc biệt, có thể kéo dài nhưng không được quá 30 ngày. Người sử dụng lao động có trách nhiệm hoàn thành thủ tục xác nhận và trả lại sổ BHXH và những giấy tờ khác mà người sử dụng lao động đã giữ lại của người lao động.
Khoản 3, Điều 49 Luật Việc làm quy định về điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp: 3. Đã nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp tại trung tâm dịch vụ việc làm theo quy định tại khoản 1 Điều 46 của luật này;
Điều 46 Luật Việc làm quy định hưởng trợ cấp thất nghiệp quy định: Trong thời hạn 3 tháng, kể từ ngày chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc, người lao động nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp tại trung tâm dịch vụ việc làm do cơ quan quản lý nhà nước về việc làm thành lập.
Do đó, bạn đã quá thời gian để đăng ký thất nghiệp để hưởng trợ cấp thất nghiệp. Thời gian chưa hưởng trợ cấp thất nghiệp sẽ được bảo lưu.
Hỏi: Tôi tham gia BHXH được một thời gian, trong quá trình chuyển nhà tôi bị mất sổ BHXH, vậy tôi phải làm sao để cấp lại sổ BHXH?
BHXH tỉnh trả lời như sau:
Để được cấp lại số BHXH, bạn cần làm hồ sơ xin cấp lại sổ BHXH như sau:
- Đơn trình báo mất sổ BHXH có xác nhận của cơ quan công an nơi xảy ra vụ việc hoặc chính quyền địa phương nơi cư trú.
- Đơn đề nghị cấp lại sổ BHXH (theo mấu số 06/SBH) có xác nhận của chính quyền địa phương nơi cư trú.
- Giấy xác nhận quá trình đóng BHXH của cơ quan BHXH liên quan.
- Giấy xác nhận chưa được giải quyết trợ cấp 1 lần tại cơ quan BHXH địa phương nơi cư trú.
- Tờ khai cấp sổ (nếu đã bị mất thì phải liên hệ đơn vị cũ hoặc cơ quan BHXH nơi cấp sổ để sao y).
- Bản sao chứng minh thư nhân dân (có chứng thực).
Cơ quan BHXH sẽ căn sứ vào hồ sơ lưu trữ quá trình tham gia BHXH của bạn để cấp lại sổ cho bạn.
Hỏi: Tôi là giáo viên, sinh ngày 10.11.1965, tham gia công tác giảng dạy và đóng BHXH từ tháng 9.1986 đến nay. Vì sức khỏe yếu tôi muốn giám định sức khỏe giảm 61% để được nghỉ hưu trước tuổi. Dự định ngày nghỉ ngày 10.11.2017 (đóng BHXH liên tục 31 năm 1 tháng 10 ngày). Vậy, nếu được nghỉ thì tôi sẽ hưởng lương hưu hằng tháng là bao nhiêu %? Ngoài lương hưu tôi được hưởng trợ cấp nào khác không?
BHXH tỉnh trả lời vấn đề này như sau:
Theo thông tin của bạn cung cấp, bạn sinh ngày 10.11.1965, nếu đến ngày 10.11.2017 bạn có 31 năm 1 tháng đóng BHXH mà bị suy giảm khả năng lao động 61% trở lên thì đủ điều kiện hưởng lương hưu hằng tháng từ ngày 1.12.2017. Mức lương hưu hằng tháng của bạn được tính như sau:
Số năm đóng BHXH của bạn là 31 năm 1 tháng, số tháng lẻ là 1 tháng được tính là 0,5 năm, nên số năm đóng BHXH để tính hưởng lương hưu của bạn là 31,5 năm.
- 15 năm đầu tính bằng 45%;
- Từ năm thứ 16 đến năm thứ 31,5 là 16,5 năm, tính thêm: 16,5 x 2 = 33%.
- Tổng 2 tỷ lệ trên là: 45% + 33% = 78% (chỉ tính tối đa bằng 75%). Bạn nghỉ hưu trước tuổi 60 theo quy định là 8 năm nên tỷ lệ hưởng lương hưu tính giảm: 8 x 2 = 16%.
Như vậy, tỷ lệ hưởng lương hưu hằng tháng của bạn là 75% - 16% = 59%. Ngoài ra, do bạn có thời gian đóng BHXH cao hơn số năm tương ứng với tỷ lệ hưởng lương hưu 75% (cao hơn 30 năm) nên còn được hưởng trợ cấp một lần khi nghỉ hưu là: 1,5 năm x 0,5 tháng mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH.
BẢO HIỂM XÃ HỘI QUẢNG NAM