Xe sách lưu động đến vùng cao
Không chỉ nhằm đẩy mạnh tuyên truyền, giới thiệu sách, hoạt động xe thư viện lưu động của tỉnh còn giúp học sinh Trường Phổ thông Dân tộc nội trú - THCS Tây Giang có cơ hội tiếp cận với máy tính và nhiều đầu sách, góp phần phát triển văn hóa đọc trong nhà trường và cộng đồng.
Chiếc ô tô tải màu trắng được thiết kế lại thành một thư viện thu nhỏ. Bên trên thùng xe có khoảng 5.000 đầu sách các loại, từ truyện tranh đến sách tham khảo, sách hướng dẫn sản xuất… được xếp ngăn nắp. Cùng với đó là 10 chiếc máy tính xách tay, trong đó có 2 máy tính dành cho người khiếm thị được kết nối mạng internet phục vụ nhu cầu tra cứu thông tin cũng như giải trí của bạn đọc, một ti vi dùng chiếu phim hoạt hình, một máy chiếu và một máy phát điện. Được biết, xe thư viện lưu động này nằm trong dự án với tên gọi “Ánh sáng tri thức” do Bộ VH-TT&DL vận động Tập đoàn Vingroup tài trợ cho 5 tỉnh/thành, trong đó có Quảng Nam với kinh phí khoảng 1,2 tỷ đồng. Ông Phan Văn Mận - Phó Giám đốc Thư viện tỉnh, cho biết: “Thời gian qua, do sự phát triển công nghệ thông tin của các thiết bị di động, văn hóa đọc ngày càng giảm sút. Mục đích xe chúng tôi nhằm góp phần tạo thói quen đọc sách, mang sách đến vùng sâu vùng xa một cách thiết thực. Đồng thời bước đầu giúp cho các em có điều kiện để tiếp cận sách, báo và công nghệ thông tin”.
Các em học sinh chăm chú đọc sách từ xe thư viện lưu động. |
Chuyến xe thư viện lưu động của tỉnh đến với Trường Phổ thông Dân tộc nội trú THCS Tây Giang là “sự kiện” của thầy trò nơi đây. Em Arất Nguyễn Thành Minh, lớp 8/2, chia sẻ: “Đây là lần đầu tiên ô tô thư viện lưu động đến trường chúng em, mang theo nhiều cuốn sách hay. Lâu nay, muốn tìm mua một cuốn sách phục vụ việc học tập, tham khảo rất khó. Chúng em mong có nhiều chuyến xe như vậy hơn nữa để các bạn có cơ hội nắm bắt thông tin quý, học được nhiều điều bổ ích”. Hay như em Trần Thị Bình Yên lớp 6/1 cảm nhận rằng: “Khi xe sách tới trường, em rất vui vì được đọc rất nhiều câu chuyện hay, thú vị và bồi dưỡng cho em nhiều kiến thức tốt. Em và các bạn cũng được tiếp xúc với máy tính rất thú vị”.
Những năm qua, huyện Tây Giang đã quan tâm nhiều đến lĩnh vực đầu tư thư viện, hiện các trường trên địa bàn cũng đã có phòng thư viện riêng. Tuy nhiên do điều kiện là huyện miền núi còn nhiều khó khăn không thể đáp ứng đầy đủ sách báo cũng như máy tính cho học sinh. Thầy Nguyễn Thanh Triều - Hiệu trưởng Trường Phổ thông Dân tộc nội trú - THCS Tây Giang cho biết, đặc thù của trường phần lớn là học sinh nội trú. Vì vậy, sau giờ học, rất cần các hoạt động giải trí, vui chơi lành mạnh cho các em. “Tuy nhiên trong điều kiện của trường nói riêng và khó khăn của huyện nói chung, lượng sách, báo thư viện vẫn chưa đảm bảo. Hoạt động thư viện lưu động rất thiết thực, góp phần cung cấp thêm kiến thức cho các em. Qua đó các em sẽ có động lực học tập tốt hơn nữa.
Có thể thấy, việc tổ chức đọc sách trên những “chuyến xe tri thức” đã góp phần rất lớn vào việc khơi gợi niềm yêu thích và đam mê đọc sách trong cộng đồng. Đồng thời giúp hình thành văn hóa đọc, qua đó rút ngắn khoảng cách cảm thụ văn hóa cho người dân cũng như học sinh ở vùng sâu vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số như huyện Tây Giang.
HIỀN THÚY