Tản mạn chuyện nghèo
1. Kết quả điều tra hộ nghèo và cận nghèo ở Quảng Nam trong vài năm qua cho thấy hộ nghèo và cận nghèo khu vực đồng bằng vẫn còn ở mức khoảng 11%, còn ở miền núi con số này đến hơn 34%. Ngay tại nhiều xã ven biển, gần các khu công nghiệp và du lịch lẫn các xã vốn ăn nên làm ra từ những cánh đồng màu mỡ ven sông trước đây thì tỷ lệ hộ nghèo vẫn còn cao. Nghịch lý là bên cạnh nhiều gia đình phấn đấu vươn lên bằng sức lao động và sự giúp đỡ của cộng đồng, thì một số hộ lại không muốn thoát khỏi danh sách nghèo hoặc cận nghèo để… được hưởng các chính sách ưu đãi xã hội, gây ra nhiều bất đồng ý kiến trong các khu dân cư.
Vất vả mưu sinh. Ảnh: PHƯƠNG THẢO |
Tôi có hai câu chuyện liên quan đến cái nghèo của người Quảng. Chú em họ tôi - một nông dân trẻ đã có vợ và hai con, mấy năm trước đây từng đi bán vé số dạo vào những lúc nông nhàn. Anh ta phải đi ra địa bàn huyện khác để “hành nghề”. Một hôm vào bán ở quán cà phê ở thị trấn, có ông khách trung niên nhìn chăm chăm từ đầu đến chân anh ta, rồi nói: Tui không mua vé số, nhưng muốn hỏi bán mỗi tấm vé anh lời bao nhiêu? - Vài trăm! - anh ta nói. Ông khách rút túi ra tờ 2.000 đồng và nói: Tui không mua, nhưng tui tặng anh chừng ni, gọi là chút tình. Anh ta cám ơn và từ chối. Kể từ bữa đó, chú em tôi bỏ không đi bán vé số nữa. Về nhà nằm thao thức nhiều đêm và luôn cảm thấy ánh mắt, câu nói cùng tờ giấy bạc 2.000 đồng của ông khách trung niên cứ lởn vởn trước mặt. “Rõ ràng ông ấy lớn tuổi hơn mình. Rõ ràng ánh mắt ổng nhìn mình với sự khinh miệt. Rõ ràng mình còn khỏe và có thể làm việc khác. Bán vé số là dành cho người già yếu, kẻ tật nguyền, chớ không phải của người vai u thịt bắp như mình… Nhục!”. Chú em tôi bây giờ tuy không giàu, nhưng có tiệm bán thức ăn đầu xóm, mỗi tháng kiếm được hơn 5 triệu đồng. Năm hai vụ lúa, thu hoạch hơn nửa tấn, một vụ đậu phụng, nuôi thêm mấy con bò… Con cái lớn có tiệm kinh doanh riêng…
Một chuyện khác. Vào buổi sáng ngồi quán cà phê với bạn, một chú bé đánh giày đến mời chào. Tôi từ chối nhưng rút túi cho cậu bé 5 ngàn đồng. Chú bé nhìn tôi bằng ánh mắt rất lạ và từ chối: “Cám ơn chú! Cháu đi lao động kiếm tiến chứ không phải đi xin!”. Tôi chưa hết ngạc nhiên thì bạn tôi lên tiếng: “Thằng bé này khẳng khái và biết tự trọng. Lớn, nó sẽ thành đạt cho coi!”. Trên facebook, các bạn tôi thỉnh thoảng cũng kể lại chuyện họ rất lúng túng với những người bán vé số, hàng rong. Không mua, nhưng khi biếu cho những người này 5 - 10 ngàn liền bị họ từ chối, có khi với thái độ khá giận dữ!
2. Dẫn lại mấy trường hợp trên để thấy, bên cạnh một hộ nghèo lâm vào cùng khó bởi gia cảnh neo đơn, nhiều mất mát trong chiến tranh không đủ sức lao động hoặc bệnh tật đổ xuống bất ngờ, thì vẫn còn một số người cứ sống dựa dẫm, chờ sự giúp đỡ của người khác như chờ sung rụng, lại rượu chè cờ bạc bê tha đáng phê phán. Tuy vậy, trong xã hội vẫn còn nhiều người biết tự trọng, không thể chịu cảnh ngửa tay chờ sự trợ giúp và an nhiên ngồi nhìn vợ con đói khổ.
Trong số tỷ lệ hộ nghèo còn cao ở một số địa phương như nói trên, theo nhiều cán bộ từ cơ sở cho biết, nhiều người trong số đó lại “không chịu thoát nghèo”. Họ đã đánh mất lòng tự trọng trước xã hội, người thân và họ hàng chòm xóm và cũng vô tình đánh mất sự tự tin vào bản thân mình. Khi lòng tự trọng bị mất đi, người ta sẽ chỉ còn dựa dẫm vào kẻ khác và đánh mất luôn sự sáng tạo vốn cần thiết để đạt được sự tiến bộ của cá nhân lẫn cộng đồng.
Để hạn chế những trường hợp này trên địa bàn nông thôn, không thể thiếu vai trò hỗ trợ, động viên của họ tộc và sự vận động, làm gương của cán bộ cơ sở cũng như các đoàn thể xã hội, nghề nghiệp trên địa bàn. Tiếc rằng, một lớp cán bộ như vậy ở các địa bàn nông thôn hiện nay lại rất thiếu hoặc nói theo ngôn ngữ thời thượng là vẫn còn “vô cảm”!…
3. Cái nghèo bắt đầu từ nhiều nguyên nhân, chủ quan lẫn khách quan. Có những người nghèo đã vươn lên bằng lòng tự trọng, nhưng không ít kẻ lưng dài vai rộng mà vẫn nghèo bởi lười nhác, rượu chè và cờ bạc. Thực tế là ở nông thôn chuyện trộm gà, bắt chó, khuân trộm thóc lúa vẫn xảy ra ở nơi này nơi khác khiến cho đời sống nới làng quê bỗng dưng xáo trộn…
Nhưng còn một cái nghèo khác thật đáng quan ngại: Nghèo cảm xúc, nghèo tri thức. Những cái nghèo ấy khiến cho các mối quan hệ trở nên xa rời, tình nhân ái cạn kiệt và hơn nữa, tính ích kỷ tỵ hiềm lại có cơ hội phát triển trong một bộ phận cư dân, khiến cho sự hiềm khích gia tăng và lòng tha thứ trở thành khan hiếm. Điều này tuy không phổ biến và có thể làm phiền lòng nhiều người, nhưng đó là sự thật!
Để giải quyết những cái nghèo ấy, văn hóa truyền thống luôn là một chỗ dựa: Tình lân lý và các mối quan hệ họ tộc cần được phát huy!
TRƯƠNG ĐIỆN THẮNG