Xây dựng và phát triển trung tâm văn hóa - thể thao cấp xã: Miền núi gặp khó
Các địa phương, nhất là khu vực miền núi đang gặp khó khăn về nguồn vốn đầu tư xây dựng và việc bố trí đất đai trong việc thực hiện Đề án xây dựng và phát triển trung tâm văn hóa - thể thao (VH-TT) xã, phường, thị trấn theo Quyết định 1196/QĐ-UBND (gọi tắt là Đề án 1196) ngày 6.4.2015 của UBND tỉnh.
Khởi sắc ở đồng bằng
Đại Lộc là một trong những địa phương có sự quan tâm đầu tư, xây dựng các thiết chế văn hóa ở cấp xã, thôn. Thực hiện Đề án 1196, đến cuối năm 2016, toàn huyện có 16/18 xã, thị trấn đã thành lập trung tâm VH-TT. Trong đó có 7 xã có trung tâm VH-TT đạt chuẩn quốc gia về cơ sở vật chất theo tiêu chí nông thôn mới. Riêng năm 2016, Đại Lộc đã xây mới 2 nhà văn hóa xã; xây mới 11 nhà, sửa chữa 6 nhà văn hóa thôn và 18 khu thể thao thôn. Ông Phan Vân Trình - Trưởng phòng VH-TT huyện Đại Lộc cho biết, khi các thiết chế văn hóa tạm bợ ở xã, thôn được đầu tư, xây dựng khang trang góp phần mang lại hiệu quả trong sinh hoạt cộng đồng của người dân.
Ở khu vực đồng bằng, việc đầu tư xây dựng Trung tâm VH-TT cấp xã được quan tâm hơn so với miền núi. TRONG ẢNH: Trung tâm VH-TT phường An Sơn, TP.Tam Kỳ. Ảnh: V.ANH |
Trong đó, phải kể đến sự chỉ đạo tập trung, thống nhất từ huyện đến cơ sở cùng phương châm “Nhân dân làm, Nhà nước hỗ trợ”. “Với phương châm này, nhiều xã, thị trấn đã thực hiện có hiệu quả chủ trương xã hội hóa, kêu gọi nhiều cá nhân, tổ chức và bà con nhân dân địa phương góp công, góp của để hình thành nên các thiết chế VH-TT” - ông Trình nói. Một điểm nhấn khác trong xây dựng thiết chế văn hóa ở Đại Lộc là, tại các nhà văn hóa thôn, các nhóm, câu lạc bộ đã tự nguyện góp tiền mua sắm các trang thiết bị thể thao để người dân đến vui chơi, giải trí.
Trong khi đó tại thị xã Điện Bàn, việc xây dựng và phát triển các trung tâm VH-TT cấp xã cũng đã có sự chuyển biến rõ nét khi Đề án 1196 ra đời. Tính đến cuối năm 2015, toàn thị xã đã thành lập và kiện toàn bộ máy của 20/20 trung tâm VH-TT xã, phường. Trong đó có 13/13 xã về đích nông thôn mới có đầy đủ các thiết chế VH-TT theo quy định, 7 phường còn lại dự kiến đến năm 2020 sẽ đảm bảo đủ cơ sở vật chất để hoạt động. Đến nay, các trung tâm VH-TT cấp xã đã phát huy được sự tự chủ về hoạt động, đóng góp tích cực vào việc tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao và tuyên truyền cổ động trực quan trong các ngày lễ lớn. Ông Nguyễn Quốc Tuấn - Trưởng phòng VH-TT thị xã Điện Bàn chia sẻ: “Trước mắt cần nhân rộng các mô hình hoạt động và khai thác có hiệu quả các thiết chế VH-TT đã được đầu tư. Đồng thời khuyến khích các địa phương mở tài khoản riêng cho trung tâm VH-TT cấp xã và tiến tới nâng cao tính độc lập, tự chủ, chịu trách nhiệm trong hoạt động. Bởi các trung tâm VH-TT xã, phường mặc dù có tư cách pháp nhân, có con dấu riêng nhưng do chưa mạnh dạn mở tài khoản nên vẫn phải lệ thuộc vào nguồn kinh phí theo sự phân bổ của UBND các xã, phường”.
Thưa thớt miền núi
60% xã, phường, thị trấn có Trung tâm VH-TT đạt chuẩn vào năm 2020 Theo báo cáo, đến cuối năm 2016, trên địa bàn toàn tỉnh mới có 82/244 xã, phường, thị trấn xây dựng, cải tạo nâng cấp Trung tâm VH-TT đảm bảo các điều kiện hoạt động (đạt tỷ lệ 33,6%). Trong đó có 62 trung tâm VH-TT xã được thẩm định đạt chuẩn; 182/244 xã, phường, thị trấn có sân bóng đá phục vụ nhân dân tập luyện, thi đấu; 186/244 xã, phường, thị trấn có trang thiết bị phục vụ công tác tuyên truyền và các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao ở cơ sở. Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Thanh, để thực hiện có hiệu quả Quyết định số 1196 thì Sở VH-TT&DL cần phối hợp với Sở KH&ĐT, Sở Tài chính và các địa phương hoàn thành hồ sơ, thủ tục trình UBND tỉnh quyết định đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị Trung tâm VH-TT cấp xã hằng năm. Trong đó ưu tiên cho các xã vùng sâu, vùng xa (ngoài các xã xây dựng nông thôn mới). Đồng thời phối hợp với các địa phương lập danh mục các xã, phường, thị trấn đầu tư cơ sở vật chất giai đoạn 2017 - 2020, đảm bảo đến năm 2020 có 60% số xã, phường, thị trấn đảm bảo cơ sở vật chất đạt chuẩn và duy trì hoạt động thường xuyên. |
Việc đầu tư xây dựng trung tâm VH-TT cấp xã ở khu vực đồng bằng được quan tâm trong khi ở miền núi dường như ngược lại. Điều này cũng khá dễ hiểu khi hầu hết việc đầu tư xây dựng trung tâm VH-TT chỉ mới tập trung ở các xã xây dựng nông thôn mới, còn nguồn vốn từ Đề án 1196 chưa được bố trí. Đến nay, qua hơn 2 năm thực hiện Đề án 1196 nhưng huyện Nam Trà My và Nam Giang vẫn chưa xây dựng được trung tâm VH-TT xã, Nông Sơn mới chỉ xây dựng được 2 trung tâm, Tây Giang: 2, Phước Sơn: 3… Bên cạnh đó, việc bố trí cán bộ cho trung tâm VH-TT cấp xã hiện nay chủ yếu kiêm nhiệm và thường xuyên thay đổi dẫn đến hiệu quả hoạt động thấp.
Theo Phòng VH-TT huyện Nam Trà My, thực hiện Đề án 1196 của UBND tỉnh, phòng đã tham mưu Đề án xây dựng trung tâm VH-TT cấp xã. Dự kiến đến cuối năm sẽ thành lập 4 trung tâm, trong đó Trung tâm VH-TT xã Trà Mai được chọn làm thí điểm. Tuy nhiên, việc triển khai xây dựng đang gặp khó và chậm trễ bởi yếu tố cơ sở hạ tầng và kinh phí. Ông Phạm Văn Thương - Phó Trưởng phòng VH-TT huyện Nam Trà My cho biết, với địa hình miền núi, tại các khu trung tâm hành chính xã ở Nam Trà My một bên là núi và một bên là vực sâu, nên quỹ đất dành cho việc xây dựng trung tâm VH-TT xã rất hạn chế. Muốn xây dựng phải chọn địa điểm cách xa khu dân cư, trong khi dân cư tại địa phương lại sống thưa thớt, rải rác. Đặc biệt, với địa hình khó khăn như vậy đã kéo theo chi phí cho việc san lấp mặt bằng để xây dựng trung tâm VH-TT và khu thể thao như sân bóng đá, bóng chuyền rất lớn. Trong khi nguồn vốn huy động từ nhân dân không cao, vì đời sống còn khó khăn. “Hiện nay, huyện đang nỗ lực để đẩy nhanh việc xây dựng thiết chế văn hóa thông qua xây dựng khu dân cư tập trung; huy động nguồn vốn đầu tư từ doanh nghiệp và vận động nhân dân góp công san lấp mặt bằng để xây dựng trung tâm VH-TT xã. Tuy nhiên, điều này là khá khó khăn vì huyện còn nghèo, rất cần sự quan tâm đầu tư kinh phí của cấp trên” - ông Thương nói.
VINH ANH