Phát hiện cá Trung Quốc bơm tạp chất
Cảnh sát Brazil vừa phát hiện đường dây quy mô lớn chuyên nhập khẩu và bán cá được bơm nước và thuốc tăng trọng có xuất xứ từ Trung Quốc.
Theo hãng tin AFP, ngày 16.5 cơ quan điều tra của Sở Nông nghiệp tỉnh Santa Catarina, thuộc miền Nam Brazil phát hiện nhiều cơ sở kinh doanh trong tỉnh bán các loại cá từ Trung Quốc được bơm nước và các chất để tăng trọng không rõ nguồn gốc. Mặc dù cảnh sát Brazil đã tịch thu toàn bộ số cá trên, người tiêu dùng vẫn lo lắng liệu còn bao nhiêu lượng cá bẩn đang lưu hành trên thị trường nước này. Mauricio Todeschini, một quan chức cảnh sát Brazil cho biết, theo kết quả điều tra, quy trình bơm tạp chất vào cá xuất khẩu thực hiện tại Trung Quốc và vận chuyển trái phép vào Brazil. Trước đó hồi tháng 3, Brazil phát hiện vụ sản phẩm thịt nhiễm bẩn, gây chấn động thế giới sau khi điều tra đường dây nhận hối lộ, cấp giấy chứng nhận cho sản phẩm thịt không đạt chất lượng.
Một chợ cá tại Brazil. Ảnh. Alamy |
Vụ việc mới nhất không chỉ khiến người tiêu dùng Brazil mà nhiều thị trường tiêu thụ thủy hải sản từ Trung Quốc đều lo ngại. Theo thống kê của Liên hiệp quốc, kim ngạch thương mại thủy sản của Trung Quốc vào khoảng hơn 90 tỷ USD và chiếm 50% giao dịch trên toàn thế giới mỗi năm. Hiện Trung Quốc đứng đầu thế giới về xuất khẩu hải sản, cung cấp khoảng 60% cho thị trường toàn cầu. Nhưng trên thực tế, tình trạng lạm dụng chất kháng sinh của nước này đang đe dọa nghiêm trọng sức khỏe người tiêu dùng. Cuối năm ngoái, hãng tin Bloomberg đăng tải một phóng sự điều tra cho thấy hải sản độc hại, chứa đầy kháng sinh từ Trung Quốc là một trong những nguy cơ bùng phát đại dịch vi khuẩn kháng thuốc toàn cầu. Trước đó vào năm 2015, nhà vi sinh học Michael Mulvey, thuộc Phòng thí nghiệm quốc gia vi sinh tại Manitoba, miền tây Canada, là người đầu tiên nhấn mạnh đến nguyên nhân hàng đầu của vi khuẩn kháng thuốc từ thủy sản và chăn nuôi.
Mặc dù Chính phủ Trung Quốc cũng mạnh tay trong việc xử lý, ngăn chặn thực phẩm nhiễm bẩn nhưng đây là vấn nạn nhức nhối, khó kiểm soát rốt ráo. Đơn cử, vào năm ngoái, cá đột ngột “biến mất” tại các chợ và siêu thị Bắc Kinh khi tiểu thương và quản lý siêu thị lo sợ trước cuộc thanh tra toàn diện của chính phủ về an toàn vệ sinh thực phẩm. Với những thực trạng trên, thời gian qua cơ quan chức năng nhiều quốc gia tăng cường giám sát nguồn hàng thủy sản nhập khẩu có nguồn gốc Trung Quốc. Trong đó phải kể đến việc ban hành quy định tất cả lô hàng tôm và hải sản nhập khẩu phải tạm giữ tại cảng chờ xét nghiệm mới được thông qua. Điều đó cho thấy, vẫn còn lỗ hổng để con đường của thực phẩm bẩn tồn tại. Hơn ai hết, người tiêu dùng phải trang bị kiến thức liên quan về cách nhận biết thực phẩm bẩn cũng như có sự phối hợp kiểm soát từ cơ quan chức năng để hạn chế thực trạng trên.
QUỐC HƯNG