Nỗ lực khống chế dịch bạch hầu
Chỉ một thời gian ngắn sau khi bùng phát (tháng 1.2016), một lần nữa dịch bệnh bạch hầu lại tái phát khiến 1 người ở Tây Giang tử vong. Báo Quảng Nam có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Văn Văn - Phó Giám đốc Sở Y tế để thông tin rõ hơn về dịch bệnh này.
|
Hiện nay Trung tâm Y tế huyện Tây Giang đang rà soát để tiêm phòng bệnh bạch hầu cho người dân. Ảnh: NGUYỄN DƯƠNG |
PV: Thưa ông, vào đợt dịch lúc trước với sự tham gia của Viện Pasteur Nha Trang đã tiến hành tiêm phòng vắc xin, phun thuốc khử trùng tiêu độc trên diện rộng. Vậy tại sao đến nay lại xuất hiện trường hợp mắc bệnh trong một thời gian ngắn như thế?
Ông Nguyễn Văn Văn: Thực chất, trực khuẩn bạch hầu luôn tồn tại ở trong cộng đồng, kể cả vùng đồng bằng. Nó chỉ phát tán khi cơ thể người bệnh bị suy nhược, yếu. Chính vì vậy, nó có thể tái phát bất kỳ lúc nào. Hơn nữa, những bệnh nhân vừa phát hiện có liên quan đến bạch hầu là những đối tượng có thể lọt vào nhóm chưa được tiêm chủng đầy đủ trong quá khứ. Không phải ai cũng được tiêm chủng đầy đủ, bạch hầu có thể sót lại ở những người không được tiêm chủng và sẽ bị nhiễm bệnh. Trước đây và hiện tại cũng chưa có thể tiêm chủng đủ 100% người dân nên rất khó.
Hiện nay, Sở Y tế đã chỉ đạo Trung tâm Y tế huyện Tây Giang tiến hành tiêm vét, quan điểm là phải tiêm đầy đủ 100%, không bỏ sót đối tượng nào. Bên cạnh đó, không phải cứ tiêm phòng rồi là không thể bị mắc bệnh. Vắc xin chỉ có thể kháng khuẩn được khoảng 95% với bệnh, còn lại 5% vẫn có thể mắc bệnh bất cứ lúc nào. Loại vắc xin này cũng có hiệu quả trong vòng 10 năm, sau đó thì hoàn toàn vô tác dụng. Vì vậy, các cơ sở y tế khuyến cáo cứ 10 năm thì nên đi tiêm phòng lại loại vắc xin này.
PV: Có thông tin cho rằng, những ca bệnh này phát hiện từ sớm (từ ngày 24.4) nhưng đến nay mới được thông báo. Có chuyện “giấu dịch” ở đây hay không, thưa ông?
Tiếp nhận 3 trường hợp có triệu chứng bệnh bạch hầu Từ ngày 20 đến 24.4, Trung tâm Y tế huyện Tây Giang tiếp nhận 3 trường hợp có triệu chứng bệnh bạch hầu. Trong số 3 ca bệnh được phát hiện có 2 ca kết quả xét nghiệm dương tính với bệnh bạch hầu. Cụ thể, ca bệnh đầu tiên được ghi nhận xuất hiện tại thôn Zrượt (xã Ch’Ơm) vào ngày 23.4. Bệnh nhân là Zơ Râm Mai Nhất Ba (người Cơ Tu, 17 tuổi) nhập viện với các triệu chứng sốt, ho, đau họng; bệnh nhân thứ 2 là Pơ Loong Thị Đao (15 tuổi, thôn Aroi, xã Ga Ry). Đao có biểu hiện bệnh vào ngày 20.4 khi đang học tại Trường THCS nội trú Lý Tự Trọng (xã A Xan). Đến ngày 25.4, khi bệnh nặng thêm, Đao được đưa đến Trung tâm Y tế huyện và được điều trị cách ly, điều trị kháng sinh mạnh các triệu chứng của bệnh bạch hầu; bệnh nhân thứ 3 có biểu hiện mắc bệnh bạch hầu là Pơ Loong Thúi (17 tuổi, trú thôn Aroi, xã Ga Ry). Trước đó, vào tháng 1.2017, tại Tây Giang xuất hiện ổ dịch bạch hầu tại Trường THPT huyện khiến 2 học sinh tử vong. Theo Sở Y tế, từ ngày 21 đến 28.4, lúc đang triển khai tiêm phòng cho những người dân trong độ tuổi 5 - 40 tuổi tại Tây Giang thì xảy ra 2 ca dương tính với bạch hầu. Đến ngày 8.5, toàn huyện có gần 11.000 người dân đã được tiêm chủng phòng bệnh bạch hầu (đạt tỷ lệ 91,5%). Toàn huyện còn khoảng 1.000 người chưa được tiêm chủng, do vậy Trung tâm Y tế huyện Tây Giang đã phân công cán bộ phối hợp với y tế thôn bản rà soát để tiêm vét, dự kiến đến ngày 11.5 sẽ hoàn thành. |
Ông Nguyễn Văn Văn: Trước tiên xin khẳng định rằng chúng tôi không giấu dịch. Đây là việc hệ trọng, liên quan đến cả cộng đồng nên không thể làm ẩu được. Ngay khi tiếp nhận thông tin, chúng tôi đã trực tiếp lên đến nơi để kiểm tra, lấy mẫu máu gửi cho Viện Pasteur Nha Trang xét nghiệm. Sau 4 ngày từ khi gửi mẫu đi, Viện Pasteur Nha Trang điện thoại thông báo là có 2 trường hợp dương tính với bạch hầu và hướng dẫn điều trị theo hướng này. Tuy nhiên, để thông báo dịch thì cần phải có văn bản thông báo chính thức từ nơi này, nhưng đến nay vẫn chưa có. Dự kiến ngày 15.5 tới sẽ có thông báo chính thức. Tuy nhiên, chúng tôi cũng đã làm đúng theo trình tự của Bộ Y tế yêu cầu. Đối với loại bệnh bạch hầu này thuộc nhóm bệnh loại B, cứ 24 giờ là phải cập nhật thông tin cho Bộ Y tế biết và theo dõi tình hình. Cái này phía y tế dự phòng đã làm đầy đủ.
Còn việc chưa thông báo rộng rãi là bởi đây là thời điểm mà các em học sinh đang chuẩn bị thi học kỳ. Rút kinh nghiệm từ lần trước, khi thông tin rộng rãi thì các em hoảng sợ, bỏ học, trốn về nhà khiến cho việc kiểm soát tình hình khó hơn. Vì vậy, chúng tôi cứ làm bình thường, kiểm soát mọi tình hình để các em yên tâm.
PV: Xin ông cho biết nỗ lực của ngành y tế trong việc khống chế dịch bệnh?
Ông Nguyễn Văn Văn: Nếu để nói chỗ này an toàn hay không an toàn thì rất khó. Vì như đã nói ở trên, loại bệnh này luôn ở trong cộng đồng. Nhưng để khống chế không cho dịch bệnh bùng phát, lây lan trên diện rộng thì chúng tôi đang nỗ lực hết sức. Ngoài việc phun thuốc tiêu trùng khử độc ở những nơi có người mắc bệnh cho đến tuyên truyền người dân để họ hiểu rõ hơn chúng tôi đều đang làm rất quyết liệt. Ngoài ra, việc đảm bảo 100% người dân được tiêm phòng vắc xin loại bệnh này cũng được gắt gao thực hiện.
PV: Xin cám ơn ông!
NGUYỄN DƯƠNG (thực hiện)