Khó ở phòng khám biên giới
Phòng khám đa khoa Chà Vàl (cơ sở 2 của Trung tâm Y tế huyện Nam Giang) là nơi phụ trách khám chữa bệnh cho người dân thuộc 8 xã biên giới. Tuy nhiên, cơ sở vật chất, kỹ thuật cũng như con người ở đây đang thiếu rất nhiều so với nhu cầu của người dân.
Quá tải
Những ngày trong tiết trời giao mùa, chúng tôi có mặt tại Phòng khám đa khoa Chà Vàl trong chuyến công tác dài ngày ở miền núi. Rất đông bệnh nhân tập trung trước phòng để chờ khám. Anh Un Giàng (thôn La Bơ B, xã Chà Vàl, Nam Giang) vừa khám xong, nói: “Mấy hôm nay đau bụng quá. Lên khám, bác sĩ bảo bị rối loạn tiêu hóa, cho thuốc uống. Dặn là không được uống rượu nữa”. Còn chị Bnướch Bút (xã Đắc Pring) đến từ rất sớm, lấy số thứ tự để chờ khám cho hai đứa con của mình. “Chị bị đau rồi đứa em cũng đau theo. Nôn ọe miết, lại không ăn được gì nên vợ chồng mình đưa lên cho bác sĩ khám. Cũng may đường sá giờ thuận tiện hơn trước, đi khoảng một tiếng đồng hồ là đến phòng khám” - chị Bút nói.
Mỗi ngày điều trị 50 - 70 bệnh nhân nội trú khiến các giường bệnh ở Phòng khám đa khoa Chà Vàl bị quá tải. Ảnh: N.D |
Theo bác sĩ Bnướch Ngân - Trưởng phòng khám đa khoa Chà Vàl, thời gian qua người dân đến khám tại đây rất đông, trung bình mỗi ngày 50 - 70 lượt khám, có hôm cao điểm lên đến hơn 100 lượt. “Nhất là vào thời điểm giao mùa, người bệnh đến khám tăng cao. Chỉ tính riêng điều trị nội trú mỗi ngày cũng hơn 50 bệnh nhân; trong khi đó quy mô của phòng khám chỉ có 40 giường. Việc phải nằm ghép, xen kẽ là điều không thể tránh” - bác sĩ Ngân nói. Trong phòng dành cho bệnh nhân điều trị nội trú, một số em nhỏ nằm chung giường với người lớn. Nhiều người phải trải chiếu dưới nền nhà để làm nơi nghỉ tạm. Cụ Aviết Bông (71 tuổi, xã Chà Vàl) cho biết đã ở đây gần được một tuần. Do phòng khám quá tải nên cụ phải nằm ghép với một người khác. “Già rồi, đau suốt. Nằm chung giường chật chội nhưng cũng đành chịu, chỉ mong mau hết bệnh để được về nhà” - cụ Bông nói.
Chị Vương Thị Cẩm, cán bộ của phòng khám cho biết, do điều kiện ở đây còn thiếu thốn nên rất khó khăn cho người nhà ở lại để chăm nom bệnh nhân. “Nước ở đây cũng đang phải dùng nước suối lấy về từ đầu nguồn chứ chưa có nước sinh hoạt đã qua xử lý. Phòng ở thì cho bệnh nhân còn không đủ huống gì cho người nhà. Vì vậy, chúng tôi luôn cố gắng tạo mọi điều kiện để giúp họ sinh hoạt tốt hơn”. Nói rồi chị Cẩm chỉ tay vào ngôi nhà nhỏ được dựng đơn sơ bằng những phên gỗ, là nơi để cho những người ở xa có thể nấu nướng, phục vụ người nhà. “Ở trên này, người dân đa số là nghèo khó. Nên giúp được gì có thể là làm ngay. Tiếc là cơ sở không đủ...” - chị Cẩm cho hay.
Chờ cơ sở mới
Phòng khám đa khoa Chà Vàl được xây dựng từ năm 1994, hiện phục vụ cho hơn 13.000 người dân 8 xã Chơ Chun, La Êê, La Dêê, Đắc Tôi, Đắc Pring, Đắc Pre, Zuôih và xã Chà Vàl. “Ở mỗi xã đều đã có trạm y tế, nhưng những trường hợp cấp cứu, bệnh nặng đều phải chuyển lên đây. Nếu bệnh nặng lại phải chuyển xuống Trung tâm Y tế huyện hay các bệnh viện tuyến trên. Vì vậy, số người về đây khám chữa bệnh rất đông, nhất là khi y học hiện đại đã làm cho bà con tin tưởng. Vì vậy, nếu được nâng cấp, sửa chữa trang thiết bị sẽ góp phần tạo thuận lợi cho việc khám chữa bệnh của người dân, góp phần hạn chế việc chuyển tuyến đối với các trường hợp có thể kiểm soát” - ông A viết Sơn - Phó Chủ tịch UBND huyện Nam Giang cho biết.
Theo ông Chơrum Thanh Vòm - Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Nam Giang, qua nhiều lần kiến nghị, UBND tỉnh cũng như Sở Y tế đã có kế hoạch nâng cấp, sửa chữa phòng khám với đầy đủ tiện nghi để phục vụ người dân. “Vừa qua, đã có đơn vị lên đo đạc, kiểm tra tình hình cũng như chuẩn bị công tác bồi thường, giải tỏa mặt bằng để xây dựng. Đây là điều rất đáng mừng mà nhiều năm nay người dân vẫn luôn mong chờ” - ông Vòm nói. Cũng theo ông Vòm, hiện nay phòng khám mới chỉ có 4 bác sĩ thường trực đảm nhận việc khám chữa bệnh nên rất khó cho anh em. Trung tâm Y tế huyện cũng đã đề nghị bổ sung thêm ít nhất 2 bác sĩ để đảm bảo công tác khám chữa bệnh tốt hơn. Trao đổi về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Hai - Giám đốc Sở Y tế cho biết, đang hoàn tất các thủ tục liên quan như: khảo sát địa hình, nhu cầu thực tế... để tiến hành nâng cấp cho phòng khám. “Việc nhanh hay chậm cũng còn tùy thuộc vào nhiều yếu tố nữa. Nếu giải quyết nhanh thì phòng khám sẽ sớm được xây dựng, nâng cấp” - ông Hai cho hay.
NGUYỄN DƯƠNG