Cột mốc chủ quyền ở Quế Lâm
Việc xây dựng mô hình cột mốc chủ quyền đảo Trường Sa trong khuôn viên Trường TH & THCS Quế Lâm II (huyện Nông Sơn) nhằm tăng cường công tác giáo dục truyền thống về ý thức bảo vệ chủ quyền biển đảo Tổ quốc cho các em học sinh.
Chị Nguyễn Thị Hồng - Phó Bí thư Đoàn xã Quế Lâm cho hay, công trình mô hình cột mốc chủ quyền đảo Trường Sa được khánh thành năm 2016 từ nguồn kinh phí đóng góp của đoàn viên thanh niên xã Quế Lâm, Chi đoàn Công an huyện và nguồn kinh phí xã hội hóa của địa phương với tổng giá trị hơn 14 triệu đồng. Đây là công trình thanh niên tiêu biểu của hai đơn vị thể hiện sự gắn kết, quan tâm đến thế hệ học sinh khi còn ngồi trên ghế nhà trường. Trong quá trình thực hiện gặp không ít khó khăn vì đường sá xa xôi nhưng bằng sự nhiệt tình, quyết tâm của lực lượng đoàn viên thanh niên trẻ, công trình được hoàn thành theo kế hoạch.
Chi đoàn Công an huyện Nông Sơn, Đoàn xã Quế Lâm và lãnh đạo nhà trường dịp khánh thành mô hình cột mốc Trường sa.Ảnh: T.THU |
Cũng theo chị Hồng, việc tìm hiểu mô hình gặp khó khăn vì bản thân chưa một lần đặt chân đến Trường Sa. Vì vậy, chị và cộng sự dành nhiều thời gian để nghiên cứu, tìm hiểu mô hình thông qua tài liệu sách báo, internet. Tuy nhiên, do nguồn kinh phí hạn hẹp nên thiết kế mô hình có chiều cao 3,2m, đế vuông 1,2x1,2m, in hình trống đồng Đông Sơn, vật liệu bằng nhôm, thép, trên đỉnh cắm cờ Tổ quốc, các tọa độ địa lý ghi rõ ràng. Bên ngoài cột mốc được ốp đá và thiết kế 4 bánh xe nhỏ để dễ dàng di chuyển nhằm bảo quản tốt nhất trong quá trình sử dụng. Giờ đây, mỗi lần đến thăm Trường TH & THCS Quế Lâm II, từ xa đã nhìn thấy mô hình cột mốc chủ quyền đảo Trường Sa. Trên cột mốc, lá cờ đỏ sao vàng tung bay phấp phới trong bầu trời xanh thẳm như nhắc nhở thế hệ trẻ luôn hướng về biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.
Thầy giáo Nguyễn Văn Trung - Hiệu trưởng Trường TH & THCS Quế Lâm II bày tỏ, biểu tượng được đặt trong sân trường đã truyền cảm hứng mạnh mẽ cho giáo viên và học sinh trong việc dạy học, tìm hiểu về chủ quyền biển đảo. Đặc biệt giúp các em học sinh đam mê, hứng khởi hơn với môn Lịch sử, Địa lý và sưu tầm tư liệu, bằng chứng liên quan đến biên giới, hải đảo của Việt Nam. Trước đây các em chỉ biết qua sách vở cùng lời kể của thầy cô giáo, nay đã có thể nhìn và hình dung cột mốc Trường Sa ngay từ sân trường. “Công trình là niềm tự hào rất lớn đối với giáo viên cũng như học sinh. Đây chính là không gian lý tưởng để các em cảm nhận rõ hơn sự gần gũi, gắn bó giữa biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc ngoài khơi xa với đất liền ngay trong chính mái trường thân yêu của mình” - thầy Trung nói.
Tranh thủ giờ giải lao để đọc sách ngay dưới cột mốc, em Huỳnh Mai, lớp 8, Liên đội trưởng Trường TH & THCS Quế Lâm II chia sẻ: “Em vô cùng biết ơn các anh chị đoàn viên đã tâm huyết xây dựng công trình này. Cột mốc chủ quyền quần đảo Trường Sa tại sân trường có ý nghĩa giáo dục sâu sắc, luôn nhắc nhở các thế hệ học sinh hướng về Tổ quốc. Đồng thời rút ngắn khoảng cách từ đất liền với hải đảo, giúp chúng em có ý thức hơn trong việc bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng”. Cùng với việc đầu tư xây dựng mô hình cột mốc chủ quyền, Trường TH & THCS Quế Lâm II còn tổ chức nhiều hội thi như: “Em yêu biển đảo Việt Nam”, “Em yêu lịch sử Việt Nam”, “Rung chuông vàng” và các hoạt động ngoại khóa về nguồn, hành trình đi tìm địa chỉ đỏ. Qua đó, góp phần giáo dục truyền thống cách mạng, lòng tự hào dân tộc cho thế hệ trẻ một cách thiết thực, hiệu quả.
THIÊN THU