Những ân tình giản dị

THÀNH CÔNG 08/05/2017 09:38

Những chuyến đi và về từ Việt Nam cứ lặng lẽ làm đầy thêm tình yêu trong họ, bao người con ở “xứ sở kim chi”. Từ mọi lứa tuổi, mọi ngành nghề, họ gặp gỡ và chia sẻ với nhau tình yêu đất nước này, như tên gọi giản dị “Hội những người Hàn Quốc yêu Việt Nam (VEVAMO)”. Điểm đến trong hành trình của họ lần này, là đất Quảng, với những mảnh đời bất hạnh mang tên chất độc da cam…

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Thanh (bên phải) tiếp và làm việc với đoàn VESAMO, do ông Chang Ho Ick - Chủ tịch VESAMO dẫn đầu.  Ảnh: T.C
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Thanh (bên phải) tiếp và làm việc với đoàn VESAMO, do ông Chang Ho Ick - Chủ tịch VESAMO dẫn đầu. Ảnh: T.C

Từ tình yêu với Việt Nam

VESAMO hiện có hơn 100 hội viên, là tổ chức tập hợp các nhân sĩ và doanh nghiệp có tình cảm với Việt Nam, được thành lập năm 2002 tại Busan, Hàn Quốc. Với tuyên bố “VESAMO sẽ luôn ở bên cạnh và tham gia tích cực vào việc hỗ trợ, giúp đỡ những người Việt Nam khi đến Hàn Quốc để họ có thể cảm nhận được nền văn hóa và tình cảm chân thành của người Hàn Quốc dành cho Việt Nam”, trong nhiều năm qua, VESAMO đã luôn đồng hành, hỗ trợ du học sinh, người lao động và cô dâu Việt Nam. Hội cũng đã đảm đương tốt vai trò làm cầu nối, không ngừng thúc đẩy các hoạt động giao lưu giữa các học giả, các doanh nghiệp hai nước.

Con hẻm nhỏ nằm ở khối phố 6 phường An Mỹ (TP.Tam Kỳ) rộn ràng hẳn lên trong một ngày nắng oi đầu tháng 5. Đoàn khách lạ sải những bước chân vội về phía căn nhà cuối hẻm. Ở đó, một căn nhà nhỏ đang được dựng lên, vừa chỉ xong phần xây dựng cơ bản. Sau những câu chào bằng tiếng Việt chưa sõi, nhiều người trong số họ bắt đầu len về phía cuối ngôi nhà, tìm lấy dụng cụ lăn sơn và bắt đầu sơn mảng tường vừa mới được lót một lớp sơn trắng. Họ, là thành viên của VEVAMO, đến đây sau hành trình gần 4.000km, từ Hàn Quốc. Đây là căn nhà nhân ái đầu tiên, do VESAMO hỗ trợ xây dựng tại Việt Nam, dành tặng cho gia đình nạn nhân chất độc da cam. Nhìn những con người xa lạ ướt đẫm mồ hôi trong cái nắng hè cần mẫn quét sơn cho ngôi nhà của mình, chị Lê Thị Hồng Trang không khỏi xúc động. Là nạn nhân chất độc da cam thế hệ thứ hai, sức khỏe yếu, bị thương tật ở chân lại phải nuôi thêm một con nhỏ, chị Trang sống nhờ nhà cha mẹ ruột bằng nghề may, thu nhập hết sức bấp bênh. Được VESAMO hỗ trợ 2.000USD, chị Trang mạnh dạn vay mượn thêm từ người thân, xây dựng căn nhà cấp 4 ở phần đất ngay sát căn nhà của cha mẹ ruột. “Được ủng hộ một số tiền lớn, nay lại được chính những người đã quyên góp giúp đỡ mình sang thăm, tôi thật sự xúc động. Căn nhà này, vừa được làm nên từ tấm lòng thiện tâm, vừa từ chính bàn tay của họ, gia đình tôi thật sự rất biết ơn!” - chị Trang bộc bạch.

Thành viên của VESAMO có đủ lứa tuổi, đủ ngành nghề. Và thứ duy nhất gắn kết họ: Tình yêu với Việt Nam. Họ muốn đóng góp chút gì đó cho tình hữu nghị giữa hai nước, cho chính người dân Việt Nam, từ tình yêu đó. Ông Chang Ho Ick - Chủ tịch kiêm Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học - kỹ thuật Dongwon, cũng là Chủ tịch VESAMO, miệt mài với dụng cụ quét sơn để hoàn thiện mảng tường mới, dù mồ hôi đã tuôn đẫm lưng áo. “Đây là lần đầu tiên tôi đến với Quảng Nam. Khi được nghe giới thiệu về truyền thống anh hùng của người dân nơi đây, và cả những mất mát, hy sinh qua hai cuộc kháng chiến, tôi hết sức xúc động. Không chỉ tôi, mà những thành viên VESAMO được góp một bàn tay nhỏ cho ngôi nhà của chị Trang hôm nay, đều thấy vui vì mình làm được một chút gì đó cho chị, người đã phải chịu nhiều thiệt thòi vì chất độc da cam” - ông Ick chia sẻ. Khi mảnh vải che tấm biển “Nhà nhân ái số 1” được chị Trang gỡ xuống, chính thức khánh thành ngôi nhà, trong nụ cười và tiếng vỗ tay rất giòn của đông đảo thành viên VESAMO và người dân xung quanh cùng đến dự, có cả những giọt nước mắt đầy cảm xúc…

Thành viên của VESAMO đến thăm, quét sơn Nhà nhân ái số 1 do VESAMO hỗ trợ kinh phí xây dựng tại TP.Tam Kỳ.Ảnh: T.C
Thành viên của VESAMO đến thăm, quét sơn Nhà nhân ái số 1 do VESAMO hỗ trợ kinh phí xây dựng tại TP.Tam Kỳ.Ảnh: T.C

Sẻ chia nỗi đau da cam

Trong lần thứ 15 sang thăm Việt Nam theo chương trình truyền thống hàng năm, VESAMO đề xuất được triển khai các hoạt động hỗ trợ, chia sẻ với nạn nhân chất độc da cam tại Quảng Nam. Lần này, VESAMO đã tài trợ tổng cộng 10.000USD cho các hoạt động giúp đỡ nạn nhân chất độc da cam trên địa bàn tỉnh, bao gồm hỗ trợ xây nhà nhân ái, tặng quà cho 35 nạn nhân chất độc da cam và thăm, tặng quà cho Trung tâm Bảo trợ nạn nhân chất độc da cam/dioxin và trẻ khuyết tật. Bà Nguyễn Thị Thu Trang - Tổng Thư ký Trung ương Hội Hữu nghị Việt - Hàn cho hay, các thành viên VESAMO đã tự vận động quyên góp nguồn kinh phí tài trợ, sau đó trực tiếp đến thăm, giúp đỡ và trao tặng các phần quà tận tay gia đình nạn nhân. “Từ năm 2015, VESAMO bắt đầu phối hợp với Hội Hữu nghị Việt - Hàn và chính quyền các địa phương triển khai hỗ trợ cho nạn nhân chất độc da cam tại Việt Nam, với tổng kinh phí đã thực hiện khoảng 50.000USD, tại Hà Nội, TP.Hồ Chí Minh, Thái Bình, Ninh Bình và lần này là Quảng Nam. Đây cũng chính là việc làm ý nghĩa nhằm củng cố tình đoàn kết, hữu nghị, thể hiện tình yêu của những người Hàn Quốc với Việt Nam bằng hành động thiết thực, sẻ chia với những mảnh đời bất hạnh là nạn nhân của chất độc da cam” - bà Trang nói.

Hành trình của VESAMO, là hành trình của tình yêu, của sự sẻ chia và cả tình hữu nghị giữa hai đất nước Việt - Hàn. Đón tiếp thịnh tình và đánh giá cao những hoạt động ý nghĩa của VESAMO tại Quảng Nam lần này, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Thanh bày tỏ kỳ vọng những hoạt động của VESAMO sẽ là nguồn động viên lớn cho các gia đình nạn nhân chất độc da cam, lan tỏa tình hữu nghị giữa VESAMO với quê hương Quảng Nam. “Chúng tôi rất mong những hoạt động ý nghĩa này sẽ được nối dài, đến gần hơn với nhiều gia đình nạn nhân chất độc da cam, kịp thời giúp đỡ, san sẻ những nỗi đau của họ. Quảng Nam cũng kỳ vọng VESAMO sẽ là cầu nối trong các hoạt động giao lưu văn hóa, tìm hiểu xúc tiến đầu tư giữa Quảng Nam với các địa phương của Hàn Quốc nói riêng, giữa hai nước Việt - Hàn nói chung trong thời gian đến” - ông Thanh nhấn mạnh.

THÀNH CÔNG

THÀNH CÔNG