Mật khẩu điện thoại sẽ là biểu tượng cảm xúc emoji?
(QNO) - Từ lâu, người ta dùng emoji để thể hiện tâm trạng, cảm xúc, sắc thái… trong email, tin nhắn… Thậm chí toàn bộ nội dung thông tin là những emoji. Còn mã số PIN thường là chuỗi những con số đơn giản, buồn chán. Vì vậy, xu hướng mới là dùng biểu tượng cảm xúc emoji như khuôn mặt cười, hình thú cưng, quyển sách, que kem, giọt mưa… làm mật khẩu cũng là điều khá thú vị.
Emoji passcodes. Ảnh: npr.org |
Báo Dailymail cho biết vào năm 2015, một công ty của Anh đã sử dụng mật mã emoji (emoji passcodes) thay cho mã PIN tại các máy ATM của ngân hàng. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa có nghiên cứu chính thức nào để so sánh sự dễ dàng, dễ nhớ, an toàn hơn giữa emoji và các con số truyền thống. Để tìm hiểu sâu hơn cả trong phòng thí nghiệm lẫn ngoài đời thực, nhóm các nhà nghiên cứu Đức - Mỹ từ Đại học Kỹ thuật Berlin, Đại học Ulm và Đại học Michigan dưới sự lãnh đạo của tiến sĩ Lydia Kraus đã phát triển EmojiAuth là một hệ thống đăng nhập dựa trên cảm xúc dành cho điện thoại thông minh chạy hệ điều hành Android.
Tuy nhiên, khi dùng emoji passcodes thì sẽ nhớ mật khẩu thế nào? Tính an toàn ra sao? Liệu có thêm thoải mái, thú vị khi mở điện thoại theo cách này?
Hầu hết người dùng smartphone sẽ khóa hoặc mở khóa để sử dụng nhiều lần trong ngày. Qua nghiên cứu mới cho thấy biểu tượng cảm xúc dễ nhớ, dễ dùng hơn là con số hoặc chữ cái. Mã PIN thông thường dùng số 0-9 hoặc một số ký tự viết hoa, viết thường, dãy mật mã này khó để gõ trên điện thoại thông minh. Trong khi đó chúng ta có hơn 2.500 emoji hứa hẹn an toàn hơn cho người dùng, nhất là dưới những con mắt tò mò, soi mói.
Thử nghiệm ban đầu với 53 người dùng smartphone android được chia làm hai nhóm. Nhóm thứ nhất gồm 27 người, chọn 12 biểu tượng emoji trong thư viện biểu tượng cảm xúc (hơn 2.500 biểu tượng) để làm mật khẩu. Nhóm thứ hai gồm 26 người dùng mã PIN là dãy số thông thường.
Hai nhóm được đưa vào phòng thí nghiệm, tự chọn mật mã, nhập nhiều lần vào ứng dụng để nhớ, ví dụ mở một bản nhạc, mở một văn bản… Một tuần sau những người này quay trở lại, nhập mật khẩu đã chọn để mở khoá điện thoại thông minh thì cả hai cách đều được thực hiện dễ dàng, trong đó nhóm dùng PIN là các con số có vẻ trội hơn, có thể vì thường ngày họ dùng loại phổ thông này, trong khi đó mã emoji chưa được phát hành rộng rãi. Tuy nhiên nhóm sử dụng emoji cho biết họ vui hơn khi thao tác.
Thử nghiệm thứ hai cho hai nhóm gồm 41 người dùng smartphone dùng mật khẩu PIN và emoji để mở email trên điện thoại android thật và thời gian thử nghiệm là hai tuần. Kết quả cũng tương đương nhau.
Đến thử nghiệm trên thực địa, một số người sẽ nhìn lén qua vai người nhập mật khẩu. Sự khác biệt đã rõ. Với 6 emoji được chọn ngẫu nhiên là khó phá nhất đối với người xem lén qua vai người dùng. Tuy nhiên, cuộc nghiên cứu “trò chơi” thú vị này vẫn được tiếp tục trước khi có kết luận cuối cùng.
TẠ XUÂN QUAN