Du ngoạn Tây Ninh

VĨNH LỘC 06/05/2017 09:45

Một không gian thấm đẫm tâm linh hay những vết tích chiến tranh vẫn còn hiện diện trong khu rừng già của chiến khu xưa sẽ là những ấn tượng đầy cảm xúc của du khách khi đến với vùng đất Tây Ninh.

Dù không phải là điểm đến nổi trội trên bản đồ du lịch Việt Nam nhưng cái tên Tây Ninh với các địa danh như núi Bà Đen, tòa thánh Cao Đài, khu căn cứ Trung ương Cục miền Nam… vẫn tạo được ấn tượng mạnh mẽ của du khách về một vùng đất đầy mê hoặc.

Điện Linh Sơn và chùa thờ Bà Đen trên núi Bà Đen. Ảnh: V.LỘC
Điện Linh Sơn và chùa thờ Bà Đen trên núi Bà Đen. Ảnh: V.LỘC

Từ núi Bà Đen…

Cao 986 mét so với mực nước biển, núi Bà Đen được xem là một trong những địa danh linh thiêng nhất vùng Đông Nam Bộ. Theo sách “Gia Định Thành Thông Chí”, tên gốc của núi Bà Đen là Bà Dinh. Những bậc kỳ lão địa phương thì cho rằng tên gốc là núi Một. Đến khoảng nửa thế kỷ 18 mới xuất hiện tên gọi núi Bà Đênh, sau gọi trại dần thành núi Bà Đen. Cũng có người gọi là núi Điện Bà. Năm 1790, Bà Đen được chúa Nguyễn Ánh (sau này là vua Gia Long) sắc phong làm Linh Sơn Thánh Mẫu, đúc tượng thờ trong Linh Sơn Điện. Dù có nhiều truyền thuyết và tên gọi khác nhau nhưng núi Bà Đen từ lâu đã là ngọn núi thiêng trong tâm thức của người dân Tây Ninh cũng như cả vùng Đông Nam Bộ. Những ngày lễ tết, núi Bà Đen trở thành điểm hội tụ của du khách từ khắp nơi hành hương tìm về lễ bái, cầu xin phúc lộc, bình an.

Ngày trước muốn lên chùa viếng hương khách phải lội bộ qua nhiều bậc cấp đá, nhưng bây giờ điều kiện thuận lợi hơn khi hệ thống cáp treo đã được đưa vào sử dụng, khách cũng có thể đi xuống bằng máng trượt dài gần 1.200m. Chỉ tốn khoảng hơn 5 phút ngồi cabin cáp treo ngắm phong cảnh thành phố Tây Ninh và hồ Dầu Tiếng từ trên cao, du khách sẽ đặt chân lên đỉnh. Điện thờ Bà Đen trên đỉnh nằm khiêm tốn bên trái ngôi Linh Sơn Tiên Thạch tự (chùa Bà Đen, nơi vừa thờ Phật vừa thờ Bà Đen). Tại đây lúc nào cũng đông người lễ bái cầu xin, từ tình duyên, gia đạo đến buôn bán làm ăn. Tương truyền Bà rất hiển linh nên trong điện lúc nào cũng khói hương thành kính. Nhiều người từ TP.Hồ Chí Minh, Đồng Nai cũng đã lặn lội đến núi Bà ở lại dài ngày để cầu xin phúc lộc, tất cả đều được nhà chùa lo ăn miễn phí. Ngoài điện và chùa Bà Đen, trên núi còn có một số ngôi chùa khác như: chùa Phật với tượng Phật nhập Niết bàn, chùa Hang (Linh Sơn An Phước tự), chùa Hạ, chùa Trung (Linh Sơn Phước Trung tự), chùa Vân Sơn. Đan xen với hệ thống chùa là rất nhiều hang động được các tăng ni, phật tử sửa chữa làm nơi thờ tự như động Thanh Long, động Ông Hổ, động Ba Cô, động Ba Tuần, động Thiên Thai, động Ông Tà, hang Gió... Dưới chân núi là Khu Du lịch văn hóa núi Bà với nhiều điểm vui chơi, giải trí, nhà hàng, nhà nghỉ.

... đến khu căn cứ Trung ương Cục miền Nam

Được xây dựng trong những năm kháng chiến chống quân xâm lược, căn cứ Trung ương Cục miền Nam được ví như thủ đô của phong trào cách mạng miền Nam. Đến thăm khu căn cứ, du khách trở về ký ức với các câu chuyện một thời bom đạn, nơi cuộc sống, chiến đấu của quân và dân miền Nam được tái hiện khá rõ qua các hiện vật, hình ảnh, nhất là các công trình, di tích được phục dựng và lưu giữ khá nguyên vẹn, từ lối đi, hệ thống giao thông hào, hầm trú ẩn… đến những ngôi nhà lợp lá trung quân làm nơi ở, sinh hoạt làm việc của các lãnh đạo miền lúc bấy giờ như Nguyễn Văn Linh, Nguyễn Chí Thanh, Võ Văn Kiệt… Đặc biệt, tham quan Căn cứ Trung ương Cục miền Nam, ngoài cảm nhận về một giai đoạn lịch sử, du khách như được trở về với thiên nhiên, nơi cảnh quan, cây rừng còn khá nguyên sơ. Trong đó, không ít loại cây quý hiếm to lớn ôm như cẩm lai, dầu rái, kơnia… Những ngày lễ tết, khu căn cứ trở thành điểm đến của hàng nghìn người từ khắp nơi tới tham quan, nghỉ ngơi như một loại hình du lịch sinh thái về nguồn.

Du lịch Tây Ninh sẽ là thiếu sót nếu không đến Tòa thánh Tây Ninh, một công trình tôn giáo của đạo Cao Đài với kiến trúc khá đẹp và độc đáo. Tham quan tòa thánh, du khách sẽ hiểu rõ hơn về những triết lý tôn giáo qua những hình ảnh, biểu tượng mà các tín đồ Cao Đài đã tôn thờ bao năm qua, nhất là sự hội tụ của các tôn giáo. Ngoài ra, đến Tây Ninh khách cũng có thể tham quan hồ Dầu Tiếng, trữ lượng nước gần 1,5 tỷ khối, được xem là hồ nước nhân tạo lớn nhất vùng Đông Nam Bộ. Hoặc, có thể ghé cửa khẩu Mộc Bài, cửa khẩu quốc tế đường bộ lớn nhất phía Nam trên tuyến biên giới đất liền Việt Nam – Campuchia, đặc biệt là mua sắm tại hệ thống siêu thị miễn thuế nơi đây….

Tây Ninh, điểm đến hấp dẫn và đầy lôi cuốn luôn chờ đợi lữ khách phương xa, một chuyến hành phương nam sẽ không phải là điều khó khăn với những ai có lòng đam mê và ưa xê dịch. Còn chần chờ gì nữa, hãy vác ba lô và lên đường.

VĨNH LỘC

VĨNH LỘC