Bất an vì THAAD

QUỐC HƯNG 03/05/2017 08:27

Bất chấp tranh cãi về tài chính và gia tăng căng thẳng, hệ thống THAAD của Mỹ bắt đầu hoạt động tại Hàn Quốc.

Hệ thống phòng thủ tên lửa cơ động giai đoạn cuối (THAAD) được xác nhận chính thức vận hành tại huyện Seongju tỉnh bắc Gyeongsang, thuộc miền đông nam Hàn Quốc, cách thủ đô Seoul khoảng 296km. Cả Washington và Seoul đều khẳng định việc triển khai THAAD nhằm đối phó với các mối đe dọa từ chương trình hạt nhân và tên lửa của CHDCND Triều Tiên, là cách tốt nhất để bảo vệ đất nước và người dân Hàn Quốc. Hiện hệ thống mới chỉ ở giai đoạn khởi động sơ bộ và sẽ được nâng cấp để đạt hiệu suất hoạt động toàn diện trong vài tháng tới. Tuy nhiên, đối với cư dân vùng Seongju, THAAD khiến cuộc sống của họ bị xáo trộn bởi có thể ảnh hưởng tiêu cực của nó đối với môi trường, sức khỏe và Seongju sẽ trở thành mục tiêu tấn công của Triều Tiên, gây nguy hiểm cho những người dân.

Người dân vùng Seongju phản đối THAAD. Ảnh: Getty Images
Người dân vùng Seongju phản đối THAAD. Ảnh: Getty Images

Kể từ khi hãng tin Yonhap (Hàn Quốc) dẫn tuyên bố của Tổng thống nước này là bà Park Geun-hye về việc chọn Seongju là địa điểm để lắp đặt THAAD vào tháng 3.2016, hàng chục nghìn người dân của huyện liên tục biểu tình phản đối quyết định trên. Họ lo sợ người dân sống gần khu vực THAAD có nguy cơ phơi nhiễm phóng xạ phát ra từ hệ thống ra-đa rất mạnh của phi đạn THAAD vốn để phát hiện và theo dõi mối đe dọa của đạn đạo ở tầm xa và cao độ. Một lãnh đạo quận Seongju, ông Kim Hang-Gon cho biết, quyết định triển khai THAAD không được lấy ý kiến của người dân Seongju, cũng không có thẩm định độc lập nào về an toàn cho sức khỏe, môi trường và kinh tế. Ngoài ra, phóng xạ từ THAAD có thể gây ô nhiễm cho các sản phẩm nông nghiệp - sinh kế của nông dân vùng Seongju.

Lee Hae-kyung, một cư dân của vùng cho hay, không có lời giải thích nào từ Chính phủ Hàn Quốc khi triển khai THAAD. Việc phô diễn sức mạnh quân sự không phải là biện pháp duy nhất mang lại hòa bình trên bán đảo Triều Tiên, thậm chí nó còn làm phức tạp thêm tình hình hiện nay. Ông Kang (69 tuổi) cho rằng: “Có những chỗ tốt hơn để đặt lá chắn tên lửa, như nơi xa khu vực cư dân. Tôi cho rằng quân đội Mỹ không màng đến lo lắng của người dân tại đây”. Còn cụ bà Baek Gwang-soon, 70 tuổi nói: “Hãy nhìn mảnh đất này đẹp như thế nào. Vài tuần trước đây tôi không biết thông tin gì về THAAD. Thế mà bây giờ nó đã ở trước cửa nhà mình”. Thị trưởng Lee Seok-joo lo ngại rằng Seongju, một mảnh đất yên bình có thể trở thành mục tiêu của Triều Tiên. Do vậy, không ít người dân Seongju còn đến thủ đô Seoul để giương biểu ngữ với nội dung “Không THAAD. Không chiến tranh”.

Việc triển khai THAAD khiến các ứng cử viên tổng thống hàng đầu của Hàn Quốc tranh cãi với nhiều quan điểm khác nhau trong cuộc bầu cử vào ngày 9.5 sắp tới. Trong đó, một số ứng cử viên kêu gọi trì hoãn việc triển khai THAAD cho đến khi chính quyền mới được thành lập và có khả năng xem xét lại quyết định trên. Người phát ngôn Park Kwang-on của ứng cử viên hàng đầu Moon Jae-in thuộc đảng Dân chủ cho rằng, việc triển khai THAAD như vậy là coi thường ý nguyện của người dân cũng như phớt lờ các thủ tục cần thiết.

QUỐC HƯNG

QUỐC HƯNG