Hướng đi cho MICE Quảng Nam
MICE (du lịch kết hợp hội nghị, hội thảo, triển lãm, tổ chức sự kiện…) được xem là loại hình du lịch cao cấp, kén khách và có mức chi tiêu cao. Những năm qua, MICE đã trở thành cái tên khá quen thuộc của nhiều địa phương, doanh nghiệp tại miền Trung, trong đó có Quảng Nam. Tuy nhiên, phát triển MICE như thế nào, có cần tập trung đầu tư MICE thành một thương hiệu của Quảng Nam hay chỉ cần đón đầu lượng khách này từ các thị trường lân cận, là vấn đề đang được đặt ra.
CŨ NGƯỜI MỚI TA
Dù kén khách, nhưng MICE vẫn đang là hướng đi hấp dẫn của ngành du lịch và nhiều doanh nghiệp lưu trú ở Quảng Nam, Đà Nẵng trong vài năm trở lại đây.
Dù kén khách, loại hình MICE - du lịch kết hợp - vẫn đang là hướng đi hấp dẫn với ngành công nghiệp không khói. Ảnh: TẤN CHÂU |
Du lịch cao cấp
MICE là từ viết tắt của Meeting (hội họp), Incentive (khen thưởng), Convention (hội nghị, hội thảo) và Exhibition (triển lãm). Thống kê của Tổ chức Du lịch thế giới cho thấy, loại hình du lịch MICE đem lại doanh thu cao gấp khoảng 6 lần loại hình du lịch thông thường, bởi các đối tượng của du lịch MICE phần lớn là khách hạng sang hoặc du lịch công vụ. MICE bắt đầu du nhập vào Việt Nam khoảng những năm 90 của thế kỷ trước, ban đầu MICE được Vietnam Airlines và một số đơn vị khai thác khách của các khách sạn uy tín ở Hà Nội và TP.Hồ Chí Minh như Rex, Majestic… phối hợp tổ chức. Nhận thấy hiệu quả cao cùng những tiềm năng to lớn còn để ngỏ từ MICE, một số địa phương, đô thị lớn ở nước ta bắt đầu tiếp cận loại hình du lịch cao cấp này. Do có lợi thế lớn từ cơ sở hạ tầng cộng với vị trí trung tâm địa chính trị, kinh tế nên Hà Nội và TP.Hồ Chí Minh là những “đầu tàu” ở Việt Nam về du lịch MICE. Dần dần một số địa phương khác như Nha Trang, Hạ Long, Đà Nẵng… cũng bắt đầu “nhập cuộc” nhằm khai thác lợi ích từ mảng thị trường màu mỡ này.
Tại miền Trung, Đà Nẵng được biết tới như là điểm đến nổi bật của du lịch MICE. Với lợi thế về cảng biển, sân bay quốc tế, cửa ngõ đi đến các di sản thế giới ở miền Trung, đặc biệt sự ra đời của hàng loạt khu nghỉ dưỡng cao cấp mang thương hiệu quốc tế nổi tiếng như IHG, Accor, Hyatt, Marriott... cùng các dịch vụ giải trí đẳng cấp thế giới; các khu vui chơi giải trí có thưởng dành cho người nước ngoài; hệ thống sân golf 18 lỗ đạt tiêu chuẩn quốc tế (Da Nang Golf Club, Bà Nà Hills Golf, Laguna Lang Co, Montgomerie Links…) cùng nhiều sự kiện lễ hội văn hóa, thể thao tầm cỡ đã giúp tạo nên những sản phẩm du lịch có giá trị nổi bật, thu hút ngày càng nhiều sự quan tâm của du khách, góp phần phát triển thương hiệu du lịch Đà Nẵng. Đặc biệt, là thành phố lớn nhất miền Trung - Tây Nguyên, nhất là việc được vinh danh qua các giải thưởng lớn về du lịch liên tiếp những năm qua như: Top 10 điểm đến hấp dẫn nhất châu Á (Tạp chí Smart Travel Asia); Top 10 điểm đến nổi bật của thế giới (TripAdvisor bình chọn); Điểm đến sự kiện lễ hội hàng đầu châu Á năm 2016 (Tổ chức Giải thưởng Du lịch Thế giới WTA vinh danh)... là điều kiện cơ bản để Đà Nẵng phát triển thành một trung tâm hội nghị, hội thảo quốc tế, tạo cơ hội để thúc đẩy loại hình du lịch MICE
Ông Nguyễn Xuân Bình - Phó Giám đốc Sở Du lịch Đà Nẵng cho biết, từ năm 2010, Đà Nẵng đã xác định du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn, trong đó chú ý tạo ra sự khác biệt để làm điểm nhấn và MICE chính là hướng chiến lược mà Đà Nẵng nhắm đến. “Nếu so sánh về lợi thế vị trí địa lý, hạ tầng đô thị, các khách sạn 4 đến 5 sao cũng như kinh nghiệm tổ chức sự kiện…, có thể nói Đà Nẵng chiếm ưu thế trong khu vực miền Trung và đủ sức cạnh tranh với hai đầu đất nước” - ông Bình khẳng định. Điều này được minh chứng qua bước tiến vượt bậc của MICE ở Đà Nẵng những năm qua, khi địa phương liên tục tổ chức nhiều hội thảo liên quan đến MICE và được doanh nghiệp lữ hành khắp nơi quan tâm, gần đây nhất là tháng 3.2017 khi cùng Quảng Nam đồng tổ chức “Hội thảo năng lực phục vụ du lịch MICE” với sự tham dự của hơn 20 doanh nghiệp đến từ Hà Nội và TP.Hồ Chí Minh, càng khẳng định quan tâm của Đà Nẵng với loại hình du lịch này, góp phần tạo sự lan tỏa ra các địa phương khác, nhất là Quảng Nam.
Quảng Nam với MICE
Tại Quảng Nam, không phải đến bây giờ MICE mới được nhắc đến mà từ những 2000, du lịch công vụ đã bắt đầu manh nha với các sự kiện như Hội nghị quốc tế về bảo tồn di sản Hội An, Mỹ Sơn cùng nhiều hội nghị, hội thảo quốc gia, quốc tế khác. Tuy nhiên, MICE ở Quảng Nam khởi đầu mạnh mẽ nhất trong khoảng hơn thập niên qua, khi nhiều sự kiện tầm cỡ như Tuần lễ cấp cao APEC 2006; Cuộc thi Hoa hậu các dân tộc Việt Nam; Cuộc thi Hoa hậu Hoàn vũ thế giới; Hợp xướng quốc tế… liên tục diễn ra. Trong đó, Hội An, Điện Bàn với những cơ sở lưu trú cao cấp 4-5 sao ven biển như The Nam Hai, Palm Garden, Victoria, Golden Sand, Hoi An Beach Resort… đã trở thành địa điểm lý tưởng để tổ chức các chương trình du lịch MICE, tạo điều kiện thúc đẩy loại hình du lịch này phát triển. Trong đó, một số cơ sở như Hội An Beach Resort, Palm Garden đã trở thành thành viên của Câu lạc bộ MICE Việt Nam gần 10 năm qua, phối hợp với hãng Hàng không Việt Nam tham gia quảng bá sản phẩm tại các hội chợ MICE quốc tế…
Theo ông Hồ Tấn Cường - Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL Quảng Nam, du lịch MICE là loại hình du lịch cao cấp nên rất kén chọn vì địa điểm tổ chức phải đáp ứng được các yêu cầu cụ thể không chỉ về hạ tầng dịch vụ, cơ sở lưu trú mà còn phải đảm bảo về an ninh, an toàn thực phẩm, điểm tham quan tốt, nhất là năng lực, trình độ phục vụ của nhân viên… “Hiện tại, Quảng Nam đủ sức tổ chức các hoạt động du lịch MICE vì đáp ứng được các điều kiện cần thiết như có sân bay Chu Lai, các khu resort ven biển với số lượng phòng họp hàng trăm chỗ ngồi cùng những chuỗi dịch vụ, hạ tầng, vận chuyển, con người... đảm bảo chất lượng. Do đó, không chỉ Hội An hay Điện Bàn mà kể cả Tam Kỳ cũng đều có cơ hội phát triển MICE với nhiều điểm tham quan như hồ Phú Ninh, Tượng đài Mẹ VNAH cùng các khách sạn đáp ứng được yêu cầu của MICE như Bàn Thạch, Mường Thanh…” - ông Cường phân tích.
Bà Nguyễn Thị Thanh Bình - Phó Vụ trưởng Vụ Khách sạn (Tổng cục Du lịch) cho rằng, theo Tiêu chuẩn xếp hạng khách sạn (TCVN 4391:2009), khách sạn đạt hạng 3 sao, 4 sao và 5 sao đều phải có phòng hội nghị hội thảo và các trang thiết bị đạt các tiêu chuẩn để tổ chức hội nghị, hội thảo quy mô, nên Hội An, Quảng Nam có đầy đủ điều kiện đáp ứng được du lịch MICE. “Có nhiều tiêu chí để đánh giá về việc tổ chức du lịch MICE nhưng tùy vào nhóm khách sạn cũng như điều kiện đầu tư cơ sở vật chất mà có thể phát triển được MICE. Tất nhiên, nhiều cơ sở lưu trú ở Hội An hiện nay đều đáp ứng được thị trường khách này” - bà Bình khẳng định. (VĨNH LỘC - QUỐC TUẤN)
CÓ NÊN TẬP TRUNG PHÁT TRIỂN?
Có nên tập trung phát triển loại hình du lịch MICE ở Quảng Nam như một thương hiệu riêng, hay nên liên kết với các tỉnh thành lân cận để cùng phát triển, nhằm khai thác một khía cạnh của MICE mà Quảng Nam có lợi thế so sánh? Ngành du lịch Quảng Nam phải lựa chọn cho mình một phương án hợp lý.
Khách sạn Palm Garden, nơi tổ chức nhiều hoạt động liên quan đến MICE.Ảnh: K.L |
Trong số khoảng 25 khách sạn hạng 4 - 5 sao hiện nay ở Quảng Nam thì Palm Garden được xem là một trong số ít cơ sở lưu trú được chọn tổ chức nhiều sự kiện mang tầm quốc gia và quốc tế. Ông Trương Minh Toàn - Giám đốc kinh doanh tiếp thị Palm Garden Resort - khẳng định, điểm nổi bật của khách sạn ngoài lợi thế về cơ sở vật chất đa dạng, kết hợp không gian vườn xanh mát, đội ngũ nhân viên chuyên nghiệp, còn thể hiện ở số lượng phòng nghỉ lớn, phòng họp nhiều (8 phòng họp sức chứa từ 100 - 300 người), đáp ứng được đoàn khách đông, từng tổ chức những sự kiện lớn, tạo nên thương hiệu cho khu resort này. “Palm Garden đang tiếp tục được Ban tổ chức APEC 2017 xem xét lựa chọn tổ chức Hội nghị các Bộ trưởng Tài chính APEC 2017, tuy chưa có kết quả chắc chắn nhưng điều đó chứng tỏ Palm Garden đã đạt được những tiêu chí và yêu cầu để tổ chức một sự kiện mang tầm quốc tế. Dưới góc độ kinh doanh, việc được chọn tổ chức các sự kiện là một hoạt động MICE hiệu quả. Qua đó, sẽ giúp quảng bá tốt thương hiệu khách sạn vì đây là sự kiện lớn với sự tham dự của những khách hàng VIP đến từ nhiều quốc gia” - ông Toàn nói.
Palm Garden Resort chỉ là một minh chứng cho việc xây dựng chiến lược thu hút MICE của các doanh nghiệp lưu trú Quảng Nam thời gian qua. Ngoài ra, có thể kể đến những khu nghỉ dưỡng như The Nam Hai, Sunrise hay Golden Sand…. Tuy nhiên, theo ông Đỗ Tuấn Anh - Giám đốc Công ty Du lịch VietMart Sài Gòn - để phát triển loại hình du lịch MICE, đòi hỏi điểm đến phải đáp ứng được các yêu cầu khắt khe trên nhiều phương diện, như: sức hấp dẫn và an toàn điểm đến; cơ sở hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật; các dịch vụ phục vụ du lịch MICE và nguồn nhân lực. Đặc biệt, với một sản phẩm du lịch MICE thì bao giờ cũng cần có sự liên kết liên vùng. Trong đó, khách sẽ kết hợp vừa làm việc vừa tham quan du lịch. Bởi vì, thông thường một hội nghị chỉ diễn ra 1 - 2 ngày nên quỹ thời gian còn lại du khách sẽ dùng để tham quan, khám phá những tuyến điểm xung quanh. Quảng Nam vẫn có thể phát triển MICE nhưng không nhất thiết phải tập trung tạo ra một dòng du lịch riêng có về MICE, mà cần đẩy mạnh sự liên kết vùng, bổ sung, hỗ trợ nhau giữa các địa phương lân cận, nhất là với Đà Nẵng. “MICE là sản phẩm du lịch tổng hợp của những sản phẩm du lịch đơn lẻ kết hợp với sự tổ chức và hạ tầng cơ sở ổn định. Tuy nhiên, Quảng Nam bên cạnh những lợi thế về không gian sinh thái và các giá trị di tích lịch sử văn hóa, làng nghề… thì hạn chế nhất chính là điểm mua sắm, vui chơi giải trí. Chưa kể, để phục vụ thị trường MICE, yếu tố liên kết rất quan trọng, vì hội nghị có thể tổ chức tại Đà Nẵng nhưng khách lại sử dụng các dịch vụ liên quan tại Hội An, do khoảng cách giữa Đà Nẵng và Hội An không xa. Nên có thể nói, dù là loại hình cao cấp nhưng MICE là một thị trường không phải dễ dàng” - ông Đỗ Tuấn Anh nhìn nhận.
Ông Hồ Tấn Cường - Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL cho biết, trong quy hoạch du lịch Quảng Nam giai đoạn 2010 - 2015 tầm nhìn 2020 đã có đề cập MICE và thực tế cũng đã làm, nhưng để đẩy mạnh loại hình này lại là một chuyện khác vì phụ thuộc vào thị trường khách, đâu phải lúc nào cũng có khách họp mãi được. Vì vậy, trước hết cần khai thác tốt những cái mình đang có. Đặc biệt, Quảng Nam với Đà Nẵng không nên cạnh tranh mà cần liên kết, hỗ trợ nhau. Trong đó, lấy hạ tầng dịch vụ của Đà Nẵng làm điều kiện phát triển cho Quảng Nam, ngược lại Quảng Nam sẽ là điểm tham quan giúp cho Đà Nẵng thu hút khách. Tuy nhiên, nói vậy không có nghĩa là tách riêng du lịch MICE và truyền thống được, chúng ta chỉ tách ra để quản lý, kích hoạt mà thôi. (KHÁNH LINH)
HƯỞNG LỢI TỪ MICE ĐÀ NẴNG
Không như các loại hình du lịch khác, đối tượng MICE thường là cao cấp kết hợp giữa đi công vụ và tham quan, nghỉ dưỡng nên khả năng chi tiêu khá cao, sức mua gấp nhiều lần so với du lịch thông thường. Cùng với đó, yêu cầu của đối tượng khách này về chất lượng sản phẩm cũng cao hơn.
Hội An không nên cạnh tranh du lịch MICE với Đà Nẵng mà chỉ nên xây dựng thành điểm tham quan, nghỉ dưỡng cho dòng khách này.Ảnh: TUẤN LỘC |
Điểm đến của MICE
Ông Lương Duy Ngân - Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Công ty Newstar Tour (Hà Nội), đơn vị thường xuyên tổ chức các loại hình du lịch MICE đến miền Trung - khẳng định, hiện thị trường du lịch MICE tại 3 địa phương Huế, Đà Nẵng và Quảng Nam rất tốt, nhất là Đà Nẵng và Hội An - thể hiện khả năng cung cấp dịch vụ đáp ứng nhu cầu của khách đang ngày càng cao của các điểm đến này, do MICE được xem là một thị trường tiềm năng và có mức chi trả hấp dẫn. Điều đó cũng làm lên sự quyết tâm cũng như mong muốn đầu tư của doanh nghiệp vào khu vực này. “Thời gian qua chúng tôi đã tổ chức những đoàn khách lớn lên đến vài nghìn người, chứng tỏ thị trường miền Trung khá hấp dẫn đối với MICE. Không ít đoàn đã đề nghị quay trở lại sau một, hai năm, đây chính là dẫn chứng của việc tạo ra sản phẩm MICE và thương hiệu du lịch MICE ở miền Trung thời gian qua là khá tốt. Khi du khách đánh giá tốt thì bản thân doanh nghiệp cũng có được những nền tảng, cơ sở để tiếp tục đầu tư vào thị trường này nhằm tạo ra sản phẩm mới. Chính xác hơn, thị trường MICE sẽ tạo ra nhiều giá trị cho thị trường khác, vì bên cạnh những dịch vụ liên quan hội nghị, hội thảo, MICE sẽ giúp cho thương mại địa phương phát triển” - ông Ngân nói.
Do MICE không phụ thuộc vào tính thời vụ, nên việc đón được lượng khách này sẽ là cơ hội quý giá cho địa phương, doanh nghiệp trong kế hoạch, phát triển kinh doanh của mình. Đặc biệt, năm 2017 được xem là một năm khá sôi động với các sự kiện văn hóa, thể thao lớn diễn ra trên địa bàn Đà Nẵng và Quảng Nam. Nhiều công ty du lịch cho rằng, với những thế mạnh có sẵn, để khai thác tốt thị trường du lịch MICE tại Đà Nẵng, Quảng Nam thì điều cần thiết nhất là phải xây dựng được chiến lược thu hút du lịch MICE gắn với định hướng phát triển du lịch địa phương. Trong đó, Đà Nẵng cần mở thêm nhiều đường bay trực tiếp đến các thị trường MICE quan trọng như Trung Quốc, Nhật Bản, Hồng Kông, Malaysia...; xây thêm trung tâm hội nghị đẳng cấp quốc tế để tổ chức các sự kiện chính trị, ngoại giao lớn góp phần nâng cao vị thế, thúc đẩy du lịch MICE phát triển.
Riêng với Quảng Nam, nếu muốn thúc đẩy MICE, bên cạnh đầu tư cơ sở hạ tầng thì việc nâng cao chất lượng dịch vụ, đặc biệt là chất lượng đội ngũ nhân lực chuyên nghiệp là điều vô cùng quan trọng. Quảng Nam cần có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp chuyên về MICE; tạo điều kiện cho các doanh nghiệp có uy tín về MICE trong nước và quốc tế mở chi nhánh, văn phòng đại diện. Ngoài ra, cũng cần tăng cường công tác quảng bá, xúc tiến qua các hình thức như: website, tiếp cận thị trường thông qua các hội thảo, hội nghị, hội chợ triển lãm quốc tế về du lịch; thực hiện các chương trình famtrip cho các đối tượng là khách hàng tiềm năng; xây dựng các gói MICE cạnh tranh, hấp dẫn để tiếp thị các thị trường quốc tế. Muốn khai thác tốt hơn loại hình du lịch MICE thì các công ty lữ hành cần phải có những kịch bản chương trình phù hợp, liên kết với các địa phương lân cận nhằm thu hút tour MICE ở hai đầu đất nước, tạo ra sản phẩm du lịch đa dạng và phong phú hơn.
Lan tỏa từ Đà Nẵng
Du lịch MICE phát triển tại Đà Nẵng đã lan tỏa đến các vùng lân cận như Huế, Quảng Nam. Trong đó, mỗi địa phương sẽ dựa trên lợi thế của mình để tìm kiếm sự hưởng lợi từ dòng khách này. Theo bà Trần Thị Thu Hiền - Phó Giám đốc Trung tâm Thông tin và xúc tiến du lịch Quảng Nam - Hội An, Quảng Nam có đủ điều kiện hạ tầng, lưu trú để phát triển MICE với hệ thống khách sạn đạt 4 - 5 sao gồm hơn 3.000 phòng cùng nhiều điểm tham quan, nghỉ dưỡng hấp dẫn. Thực tế thời gian qua Quảng Nam cũng đã được chọn tổ chức nhiều sự kiện mang tầm quốc gia, quốc tế như Hội nghị APEC 2006, Hội nghị Bộ trưởng Tài chính ASEAN 2008, Hoa hậu Hoàn vũ 2008, Hoa hậu Trái đất 2010 và sắp tới là Festival di sản với hàng loạt chương trình, hội nghị. Đặc biệt, là Hội nghị Bộ trưởng Tài chính APEC và chương trình tham quan trong Tuần lễ cấp cao APEC 2017… Tuy nhiên, Quảng Nam không nhất thiết phải tập trung quá nhiều hay cạnh tranh MICE với Đà Nẵng mà chỉ nên đón đầu từ sự lan tỏa này theo hướng lấy lợi thế hạ tầng của Đà Nẵng làm điều kiện phát triển cho Quảng Nam và Quảng Nam sẽ là điểm tham quan giúp cho Đà Nẵng thu hút khách. “Chúng ta không đủ sức và cũng không cần thiết phải chạy đua cạnh tranh về hạ tầng, khách sạn, phòng ốc với Đà Nẵng mà chỉ nên đóng vai trò như điểm nghỉ ngơi tham quan của dòng khách này. Nghĩa là khách có thể hội họp tại Đà Nẵng nhưng sẽ tham quan du lịch tại Quảng Nam. Tất nhiên, nếu có cơ hội, điều kiện mình cũng sẽ tạo ra chuỗi giá trị MICE với điểm nghỉ ngơi, vui chơi giải trí thật tốt và cơ sở phục vụ cho thị trường này phải cao cấp” - bà Hiền phân tích.
Có thể thấy, chỉ cần xây dựng điểm đến đặc sắc với các sản phẩm, dịch vụ du lịch độc đáo thì du lịch Quảng Nam sẽ hưởng lợi rất nhiều từ thị trường MICE Đà Nẵng. Nhất là khi những chuỗi sự kiện lớn mang tầm cỡ châu lục và thế giới sẽ diễn ra tại Đà Nẵng năm nay, chính là những cơ hội để du lịch Quảng Nam đón được lượng khách này. (GIA KHANG)