Những bức hình năm cũ...
Những khuôn hình trắng đen luôn có sức gợi nhắc kỳ lạ. Mỗi năm, những dịp tháng Tư, họ mang ảnh cũ ra ngắm nhìn. Ở đó, có những gương mặt bạn bè, đồng chí, đồng đội… đã mấy mươi năm rồi bặt tin nhau. Ở đó, là những ám ảnh quá khứ mà chưa bao giờ họ nguôi quên…
Vợ chồng ông Nguyễn Đình Tăng và bà Trình Thị Chiến cùng lật giở lại những tấm ảnh thời chiến tranh của mình. |
Kỷ vật thời gian khó
“Tặng Chiến tấm ảnh làm kỷ niệm trước chia ly. Nhớ mãi đừng quên. Em chiến khu. Thanh Hường”. Những dòng viết tay bằng mực xanh sau tấm ảnh đã nhòe dần theo thời gian. Cả gương mặt người trong ảnh cũng đã lỗ chỗ chấm trắng chấm vàng. Nhưng người giữ tấm ảnh - người được tặng, bà Trình Thị Chiến (nhà ở đường Trưng Nữ Vương, TP.Tam Kỳ), vẫn nâng niu nó dù đã bao nhiêu tháng năm trôi. Từng ấy thời gian, từ sau ngày giải phóng, bà vẫn chưa gặp lại cô em gái tên Hường trong ảnh. Không biết bây giờ, người còn hay mất… Cuốn album đã ngả màu thời gian với bao nhiêu bức hình cũ được chụp từ năm 1964 trở về sau, là bấy nhiêu câu chuyện, bấy nhiêu kỷ niệm, của những người từng một thời tuổi trẻ ở căn cứ khu 5. Bà Chiến cùng với chồng - ông Nguyễn Đình Tăng, “đôi bạn già” tuổi đã ngoài 80, giữ lấy những bức hình trắng đen, cẩn trọng và nâng niu, như thương quý tuổi trẻ của mình. Cuốn phim hồi ức cũ hơn, càng kiêu hãnh hơn, càng quý giá hơn. Chiến tranh đã lùi xa. Mọi thứ đã đi qua. Nhưng trong tâm trí họ, thanh xuân về dưới những tán rừng lộng gió Trà My, bên tảng đá lớn cạnh dòng sông Tranh có người thiếu nữ mải mê hát và “được” chụp ảnh. Hay đôi bạn đồng niên mắt còn trong vắt, bá vai nhau tươi cười trước mỗi đợt hành quân. Từng khung ảnh được lật giở, từng câu chuyện hiện về. Mắt ông bà rưng rưng…
Những bức ảnh đồng đội... |
Ký ức đưa lối người tìm về những điều đã mất, nhưng sống động khôn cùng. Mỗi bức ảnh cũ, có tấm kích cỡ chỉ nhỉnh hơn con tem, với nước ảnh đã phai màu mà có sức gợi lại những hồi niệm, vô cùng kỳ lạ và quý giá. Ông Nguyễn Đình Tăng lấy tấm ảnh chụp ông bà thuở mới cưới, đâu ở Nước Oa bây giờ, nhớ những đồng đội trước đó cứ trêu: ăn cơm cháy đại đội nhớ kêu anh em. “Ý nói là mình có người yêu làm bên phục vụ Đoàn Liên hiệp 4 bên Quân khu 5” - ông cười. Rồi lại nói tiếp với vợ, rằng đám cưới mình bữa đó, hai người còn bận đồ 4 túi, đầu đội mũ cối, chân mang dép su, giữa rừng dựng lán để cấp trên… làm lễ.
Bây giờ họ, vẫn ở trong ngôi nhà vừa được cơi nới từ căn tập thể được giao sau giải phóng, năm 1976, tại Tam Kỳ, phụ cô con gái út bán cái quán ăn nho nhỏ… Và rồi thì cuộc sống thường nhật, vẫn không khiến họ quên những tháng ngày “ở rừng”. Đôi vợ chồng gặp nhau, lấy nhau cũng… trên rừng. Những bức ảnh, là dích dắc nối họ với ngày cũ, cũng là cách để họ nhớ lấy những đồng đội ở rừng của mình. “Sau Giải phóng, mỗi người một hướng. Và mất liên lạc từ đó. Ở tỉnh đội còn có những cuộc gặp nhau hàng năm. Chúng tôi ở quân khu, đến bây giờ vẫn chưa biết được tin về đồng đội mình” - ông Tăng ngậm ngùi. Nhưng cũng may, bà Chiến tâm sự, mình vẫn còn giữ hầu hết tấm ảnh hồi đó. “Mang theo bên mình như một vật báu, một của quý không bao giờ có lại” - bà Chiến nói thêm. Có những người trong album ảnh bây giờ gia đình ông Tăng, bà Chiến còn cất giữ, đã vĩnh viễn nằm xuống, ngay sau vài hôm họ chụp tấm hình kỷ niệm… ở rừng.
Ảnh xưa tìm lại
Riêng với album thời ở rừng của gia đình mình, bà Chiến nói, hầu hết bức ảnh đều do ông Nguyễn Hữu Duệ - cũng là người anh em kết nghĩa với bà chụp và tráng rọi ngay trong rừng núi Trà My. Ông Duệ quê ở Tam Dân bây giờ, nhưng được ra Bắc học, rồi sau đó theo lệnh cấp trên về làm việc tại Quân khu 5. “Lúc nào ông cũng mang theo máy ảnh. Ai làm gì ông cũng chụp, rồi nhờ anh chị em phục vụ ngăn giùm mình một cái buồng tối. Tôi hay nấp coi ổng rọi ảnh. Tờ giấy trắng được ngâm vào thau thuốc đen, rồi chờ một hai phút tự nhiên hình hiện lên rõ dần. Sau đó chuyển ảnh từ thau nước thuốc sang nước lạnh cho sạch rồi vớt ảnh kẹp lên dây cho ráo nước, sau mang ra phơi. Xong hết thì ông mang ảnh đi tặng mọi người” - bà Chiến kể. Sau giải phóng, ông Duệ ngược ra Bắc, và từ đó mất liên lạc với gia đình bà.
Bà Trình Thị Chiến những ngày của tuổi 21, qua một bức ảnh được nhiếp ảnh gia chiến trường Nguyễn Hữu Duệ chụp tại núi rừng Trà My. |
Nhưng cũng có những bức ảnh, phải mất mấy mươi năm mới tìm gặp lại được nhân vật trong hình. Khi chúng tôi đến thăm Thành cổ Quảng Trị, hình ảnh o du kích cười thật tươi sau một trận càn ngay bên dòng Thạch Hãn trong bức ảnh của Đoàn Công Tính, khiến nhiều người cảm động. Vừa lúc đó, bà Phan Thị Lệ, cũng chính là o du kích 17 tuổi năm xưa trong hình, giờ đã gần 60, vẫn nụ cười thật tươi dù bom đạn đã cướp đi của cô rất nhiều thứ, xuất hiện, như một cơ duyên. Bức ảnh “Nữ du kích Thành cổ Quảng Trị” chụp “cô gái Lệ” được treo trang trọng trong Bảo tàng Thành cổ. Bà Lệ nói: “Lúc chú Tính nhà báo chụp bức ảnh này, là khi Mỹ vừa thả bom xong, tôi lúc đó là du kích đại đội, mới 17 tuổi thôi. Khi thấy chú Tính bấm máy thì mình gọi với theo, sau này nếu có hòa bình thì chú nhớ gửi cho chúng tôi tấm ảnh kỷ niệm thời thanh niên. Ai ngờ 30 năm sau mới gặp lại và chú Tính đã tặng tôi bức ảnh, đề “Kỷ niệm công tác tại Thành cổ”. Sau này tôi tặng lại cho bảo tàng bức ảnh trên”. Giọng bà nhẹ bâng vậy thôi, như chưa từng trải qua những ác liệt của chiến tranh, từng trải qua 30 năm xa xôi...
Và ở Quảng Nam, cũng rất nhiều bức ảnh trở về tìm gặp chủ nhân, kỳ lạ như câu chuyện của cô Lệ ở Quảng Trị. Còn nhớ khi Trung tâm Lưu trữ tỉnh phối hợp Thành ủy Tam Kỳ tổ chức triển lãm về những di vật chiến tranh, bà Phan Thị Cẩm Nhung mới biết mình còn tấm ảnh lưu giữ thời “sống trong lòng đất”. Cô gái Nhung trong ảnh khi ấy chỉ mới 20 tuổi. Thời đó, bà chịu trách nhiệm xây dựng các chi hội và cơ sở chung cho phụ nữ. Người Hội trưởng Phụ nữ Tam Kỳ khi ấy luôn giắt bên mình khẩu K54 do đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Hoàng Minh Thắng tặng. Và đó cũng là thời gian bà được gọi tên “cô gái trong lòng đất”. Bởi thời gian sống trong hầm nhiều hơn thời gian ở trên mặt đất. “Thời ấy, ban ngày tôi phải ở dưới hầm vạch kế hoạch cụ thể để tối đi làm công tác binh vận, địch vận. Cuộc sống gian khổ lắm!” - bà Nhung hồi tưởng. Kỳ lạ là chính bà cũng không biết mình được chụp tấm ảnh đó. Mãi đến hơn 40 năm sau ngày giải phóng, qua một cuộc triển lãm, bà Nhung mới biết có một tấm ảnh về cô gái Nhung thời trẻ như vậy…
Khá nhiều những nhiếp ảnh gia chiến trường đến khu 5 thuở ấy, và đi, vô cùng thầm lặng. Những bức hình họ ghi lại là những tư liệu giá trị và sống động về một thời đầy gian khổ nhưng hào hùng; là những chứng tích vô giá để lại cho hậu thế và lịch sử. Và những khoảnh khắc đáng nhớ ấy, còn đến bây giờ…
SONG ANH