Hoa lửa phía đại ngàn
Những ngày cuối tháng 4, hoa gạo vẫn còn vương sắc đỏ trên cành, như nhắc nhớ về ký ức tháng ngày hoa lửa ở dặm dài các bản làng vùng cao. Đã xanh lại những khoảng trời bom đạn, những đau thương cũng lắng dịu dần, riêng hồi ức về năm tháng hào hùng lịch sử, thì vẫn mãi ghi khắc trong niềm tự hào của biết bao thế hệ.
Như những cây pơmu
Mùa mưa dông. Sau những ầm ào của núi mỗi chiều, trời vùng cao trong xanh đến lạ. Chúng tôi ngược về với Pơr’ning (xã Lăng, huyện Tây Giang), tìm gặp một “người cũ”, cũng là chứng nhân cho tháng năm từ thuở mở đất lập làng. C’lâu Nâm - vị anh hùng của đồng bào Cơ Tu Tây Giang - vẫn giản dị với những công việc thường ngày ở ngôi làng nhỏ dưới chân đồi. Tuổi tác, không làm mất đi những tinh anh trong trí nhớ của vị già làng. Ông kể ngay với chúng tôi về ký ức những ngày kháng chiến, hệt như đang lần giở từng trang sử sống trong chính mình, rất rõ, tựa hồ mới hôm qua. “Tử địa của máy bay Mỹ”, là biệt danh cho ngôi làng nhỏ này, khi những chiếc trực thăng lần lượt bỏ xác giữa núi rừng, dưới nòng súng trường của du kích. “Chỉ tính riêng năm 1966, quân dân xã Lăng đã bắn hạ 7 chiếc trực thăng Mỹ. Loại vũ khí mà chúng tôi sử dụng để diệt máy bay ngày đó chỉ là một khẩu K44, lên đạn từng viên rất thô sơ. Chiếc trực thăng HU-1B bị bắn hạ trong số đó, nay được đưa về trưng bày ở Bảo tàng Quân sự tỉnh, như cất giữ một phần quá khứ anh hùng của dân làng Pơr’ning cho đến ngày nay” - già Nâm bồi hồi nhớ lại.
Chiếc trực thăng HU-1B bị quân dân Pơr’ning bắn hạ nay được trưng bày tại Bảo tàng Quân sự tỉnh. Ảnh: CÔNG NGƯỚC |
Như những cây pơmu rắn rỏi giữa rừng già, người Pơr’ning ngày ấy, có không ít là du kích, trực tiếp bắn hạ trực thăng của Mỹ. Từng chiến công ngày ấy, sống trong chính câu chuyện của những chứng nhân lịch sử như già Nâm, và cả trong niềm tự hào chung của dân làng. Từ những hạt lúa, củ sắn chắt chiu, từ từng mũi tên tẩm ch’pơơr - một loại cây mang chất kịch độc, bao người đàn ông Cơ Tu của làng thời ấy đã luồn rừng, cắt suối lặng lẽ viết nên vẻ vang cho trang sử làng. Họ chia cho nhau niềm tự hào, xem đó như quyết tâm đánh giặc nung nấu trong từng trái tim người vùng cao. Trong niềm tin giản dị ấy, ngoài già C’lâu Nâm, còn có những “anh hùng” của riêng làng Pơr’ning, như già C’lâu Nhất, C’lâu Triêng - người từng bắn hạ trực thăng Mỹ trong những năm tháng ác liệt của cuộc chiến. Đất này ghi dấu những chiến công. Dù năm tháng ít nhiều làm phôi pha hồi ức, và không ít người trong số họ đã lặng lẽ về trời…
Thanh âm đại ngàn
Lần theo những “địa chỉ đỏ” ở đại ngàn, chúng tôi trở về làng Ông Tía (xã Phước Trà, huyện Hiệp Đức), nằm êm đềm bên dòng Trà Nô. Nhìn màu xanh ngút mắt về phía chân trời, thật khó để hình dung nơi này, đã từng là địa điểm bùng lên ngọn lửa tranh đấu hừng hực của đồng bào Bh’noong. Đây cũng chính là cuộc khởi nghĩa vũ trang đầu tiên đồng bào vùng cao, ghi dấu 11 người con của làng trong đội tự vệ. “Tay rựa” duy nhất còn sống của đội tự vệ ngày ấy, già Hồ Văn Xem (hay còn gọi là Đinh Văn Hèo) không giấu được niềm xúc động khi kể về chiến công của gần 60 năm trước. Sống giữa rừng, họ chiến đấu bằng chính lòng quả cảm, sự trung thành với cách mạng của đồng bào miền núi. Trái tim, cái rựa, những mũi chông là vũ khí đơn sơ mà hiệu quả, giúp ngôi làng đứng lên khởi nghĩa. Dưới sự chở che của “mẹ rừng”, ngọn lửa Trà Nô cứ thế âm ỉ cháy, thắp lên niềm tin vĩnh hằng với Đảng, với Bác Hồ. Bên kia nhà Di tích làng Ông Tía, là ngôi mộ của người “thủ lĩnh” Hồ Văn Đề, như một sự ngưỡng vọng, tri ân dành cho đứa con ưu tú của làng. “Một cuộc tập kích nhanh, chỉ bằng vũ khí thô sơ, chúng tôi tiêu diệt gọn một tiểu đội vũ trang của địch, rồi rút vào rừng, tổ chức cắm chông, gài bẫy phòng vệ. Cuộc khởi nghĩa ngày ấy được dân làng rất ủng hộ, từ đó, nhiều nơi khác cũng bắt đầu đứng lên đánh giặc” - già Xem nhớ lại.
Già Hồ Văn Xem (bên phải) với Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy Lê Văn Dũng. Ảnh: CÔNG NGƯỚC |
Vẫn cách nói giản dị, vẫn ánh mắt sáng và một niềm tin vững bền với cách mạng, trong câu chuyện của người làng, với chúng tôi. Trong niềm xúc động của già Xem, lấp lánh chút gì đó thương nhớ những người đồng đội, và cả hồi ức về gian khó một thời kháng chiến. Giữa bộn bề đói ăn, thiếu mặc thời ấy, họ đùm bọc nhau bằng tình đoàn kết, tiếp cho nhau sức mạnh để tranh đấu cho đến ngày độc lập. Và bây giờ, đọng lại là niềm tự hào về những cống hiến máu xương của dân làng, góp cho nền hòa bình dân tộc. Chỉ là một ngôi làng nhỏ bé giữa rừng, không giàu có về của cải, nhưng vẫn vang lên thanh âm hào hùng của đại ngàn, từ những người con làng Ông Tía. Như tiếng reo của dòng Trà Nô xanh thẳm vẫn ngày ngày gọi tên ký ức hào hùng, bao thế hệ của làng đã dành niềm tự hào ấy làm một thứ tài sản thiêng liêng cho cháu con, mai này.
Kỳ tích, từ lòng đất
Bằng đôi bàn tay thô và dấu chân trần bước qua đại ngàn, lớp người Cơ Tu kháng chiến đã viết nên kỳ tích, từ trong lòng đất. Đó là cụm địa đạo A Nông (huyện Tây Giang), dấu vết kiên gan của đồng bào vùng cao xuyên lòng núi Bh’nơơm. Là thế hệ trẻ sau này, nhưng Phó Chủ tịch UBND xã A Nông - Alăng Láy thuộc từng vách hầm, từng ngọn núi nơi còn để lại vết tích của địa đạo năm xưa. Đưa chúng tôi lên thăm cụm địa đạo Abóc, Alăng Láy kể, nơi này, từng ghi dấu công sức của bao người A Nông ngày đó. Không muốn rời làng, ngay cả khi bom đạn vẫn ác liệt dội xuống từng ngày khắp núi rừng, bà con đã cùng nhau đào hầm xuyên núi. Từ những dụng cụ thô sơ như cuốc, thuổng tự rèn, những đôi tay rắn rỏi đã đào một căn hầm sâu vào lòng núi hàng chục mét. Nơi này, sau đó trở thành chỗ trú ẩn cho bộ đội và dân làng bước qua những khắc nghiệt của cuộc chiến. Dấu xưa còn lại, là hai chiếc ché cổ được phát hiện cách đây hơn 5 năm, trong đợt phục dựng căn hầm. Cựu binh Alăng Đàn, nay là Chủ tịch Hội Cựu chiến binh huyện kể lại, chuyện đào hầm trải dài nhiều năm, khi cuộc chiến đang vào giai đoạn dữ dội. “Ngày thì vào hầm trú ẩn, đêm xuống lại kéo nhau ra rẫy, tranh thủ sản xuất, kiếm cái ăn cho dân làng và nuôi bộ đội. Đến nỗi có một thời dân làng quen với việc ngày ngủ hầm, đêm đi gùi đạn. Từ đó, những cụm hầm được mở thêm. Tính từ đỉnh núi, có hầm sâu gần 50m, tránh được tất cả loại bom đạn thời đó của Mỹ” - ông Đàn nhớ lại. Cụm địa đạo xưa, trở thành một làng kháng chiến ngay trong lòng núi, chở che bao lớp người A Nông cùng tham gia đánh giặc.
Cửa hầm địa đạo Abóc nhìn từ bên trong. |
Chúng tôi đứng trước miệng hầm Abóc, nhìn xuống cánh đồng lúa nước xanh mê mải bên dòng suối dưới chân ngọn Bh’nơơm. Những khốc liệt của thời hoa lửa đã ẩn khuất dưới trập trùng màu xanh. Duy chỉ còn cụm địa đạo là được thế hệ trẻ bây giờ tôn tạo, giữ nguyên, như lưu lại ký ức bi hùng của cha ông thuở trước. Bản làng nay đã khác, nhịp chiêng vui theo mỗi vụ lúa vàng, gian khó thuở nào cũng đã dần xa. Nhưng phía ngọn núi Bh’nơơm là ký ức, là niềm tự hào không thể quên của những người như cựu binh Alăng Đàn, cất giữ trong xanh thẳm những cánh rừng, và trong trí nhớ của họ.
Tháng Tư về như một dấu mốc đều đặn nhắc nhớ những hào hùng một thời hoa lửa, trên từng mảnh đất, ngôi làng. Đó cũng là khoảnh khắc đầy xúc động, cho những hồi tưởng của biết bao chứng nhân lịch sử như già Nâm, già Xem,… và, lắng lại như một niềm tri ân lặng lẽ với đồng đội, với những con dân của làng nay đã xa khuất theo làn mây trắng, ngang trời…
Ghi chép của ALĂNG NGƯỚC - THÀNH CÔNG